Từ năm 1951 đến tháng 5/1952

Một phần của tài liệu [ Luận văn ThS ] Phong trào thi đua yêu nước thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1948 - 1954 (Trang 54)

6. Bố cục của đề tài

2.1.2 Từ năm 1951 đến tháng 5/1952

Bước sang năm 1951, cuộc kháng chiến của ta chuyển sang giai đoạn mới, cùng với thắng lợi trên mặt trận quân sự ở chiến trường Trung du, Đông Bắc và Bình Trị Thiên, tháng 2/1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng đã họp quyết định Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, đánh dấu bước trưởng thành, phát triển của Đảng và của cuộc kháng chiến. Tiếp đến, ngày 3/3/1951, mặt trận dân tộc thống nhất được thành lập trên cơ sở thống nhất mặt trận Việt Minh và Liên Việt gọi chung là Mặt trận Liên Việt, khối đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc, khối Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào được thành lập ngày 11/3/1951, đã tăng cường sự đoàn kết của nhân dân ba nước trong đấu tranh chống kẻ thù chung. Đặc biệt, những bài học kinh nghiệm quý báu của phong trào thi đua trong những năm 1948 - 1950 đã được đúc kết là cơ sở để phát triển phong trào thi đua năm 1951 và những năm sau này.

Đó là những thắng lợi chính trị có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng nhưng đồng thời là những điều kiện thuận lợi để phong trào thi đua yêu nước năm 1951 tiếp tục phát triển.

Trên cơ sở những thuận lợi và phát huy hơn nữa tinh thần yêu nước của nhân dân, đẩy mạnh kháng chiến trên mọi mặt trận, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ của cách mạng nước ta, đối với phong trào thi đua yêu nước, Đại hội chủ trương đẩy mạnh thi đua ái quốc: “Trước hết là bộ đội thi đua giết giặc lập công; hai là nhân dân thi đua

tăng gia sản xuất” [12, 35]. Điều này cho thấy tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước trong cuộc kháng chiến kiến quốc, sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đối với phong trào thi đua, là cơ sở đánh dấu bước tiến của bản thân phong trào thi đua, có tác động to lớn đến diễn biến, kết quả của phong trào.

Thực hiện chủ trương chung đã được đề ra, với phương châm cải tiến kỹ thuật, sửa đổi lề lối làm việc, kiện toàn lãnh đạo tổ chức thi đua, từ 01/5 đến 19/12/1951, Đảng, Chính phủ chủ trương mở cuộc vận động thi đua với khẩu hiệu “Thi đua ái quốc, sản xuất, lập công, đề cao chiến sĩ”, nhằm ý nghĩa, mục đích:

“- Để cho bộ đội:

+ Có cơm no, áo ấm, súng tốt;

+ Tăng cường sức chiến đấu, diệt nhiều quân giặc; - Để làm hạ giá sinh hoạt trong nhân dân,

- Để làm dồi dào sức đóng góp của nhân dân,

- Để phát triển nền kinh tế, củng cố nền tài chính kháng chiến lâu dài.” [43, 35]

Cuộc vận động “thi đua ái quốc, sản xuất, lập công, đề cao chiến sĩ” năm 1951 là sự tiếp tục phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn trước nhưng diễn ra mãnh liệt hơn, đòi hỏi ở toàn dân, các ngành, các cấp một sự cố gắng tích cực hơn.

Nội dung của cuộc vận động:

Về sản xuất: thi đua trồng nhiều và thu hoạch nhiều lúa, ngô, khoai, sắn, bông và chăn nuôi; sản xuất nhiều vũ khí, đạn dược, thuốc men v.v; phát triển tiểu công nghệ cần thiết: dệt, giấy v.v…

Về lập công: thi đua xây dựng chủ lực, kiện toàn và củng cố bộ đội địa phương nói chung và phát triển bộ đội địa phương ở một số vùng Nam Bộ;

củng cố dân quân du kích nói chung và phát triển dân quân du kích ở những nơi cần thiết…

Các ngành khác thì thi đua theo phương châm tăng năng suất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sửa đổi lề lối làm việc, cải tạo tư tưởng...

Để động viên, khuyến khích tinh thần thi đua, đẩy mạnh thi đua, việc đề cao chiến sĩ được đề ra: từ những thành tích cụ thể của những cá nhân hoặc đơn vị mà mỗi ngành sẽ bầu những chiến sĩ và cán bộ gương mẫu của mỗi ngành, là những người thực sự thi đua yêu nước, có thành tích thực sự, xuất hiện từ trong phong trào thi đua, do phong trào thi đua mà ra và đưa những kinh nghiệm, sáng kiến, thành tích của các cá nhân giúp nhân dân thi đua sản xuất, quân đội thi đua lập công. Để đề cao chiến sĩ cần phải căn cứ vào các tiêu chuẩn cụ thể:

- Chiến sĩ nông nghiệp: phải trực tiếp sản xuất hay trực tiếp tổ chức sản xuất; có thành tích sản xuất và có sáng kiến…

- Chiến sĩ công nghiệp: phải có năng suất tăng; nhiều sáng kiến, sửa đổi lề lối làm việc, cải tiến kỹ thuật, phát minh, sáng chế; có tinh thần cố gắng, tiến bộ, tư cách tốt, giúp đỡ người khác.

- Chiến sĩ lao động trí óc: hiệu suất tăng; nhiều sáng kiến, sửa đổi lề lối làm việc, hoặc phát minh, sáng chế; cố gắng, tiến bộ, cải tạo tư tưởng.

- Chiến sĩ giết giặc: Anh dũng, quả cảm, có sáng kiến vượt mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ; học tập, cải tạo tư tưởng và cải tiến kỹ thuật, chiến thuật.

Cuộc vận động thi đua năm 1951 được tổ chức với nhiều đợt thi đua ngắn nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước nhằm gây đà thúc đẩy phong trào thi đua luôn sôi nổi và hào hứng.

Ngày 01/5/1951, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động và kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đợt thi đua ngắn đầu tiên được phát động đã tạo đà cho cuộc vận động thi đua, làm cho phong trào thi đua sôi nổi, mạnh

mẽ và rầm rộ hơn so với năm 1950 và những năm trước, tiếp đến là các đợt thi đua ngắn nhân kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước.

So với những năm 1948 - 1950, việc tổ chức thi đua trong năm 1951 đã đi vào nề nếp, có quy cũ, đã đặt ra kế hoạch thi đua với những nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể hơn, phù hợp với thực tế, thi đua đã thực sự gắn với công tác khen thưởng, đề cao chiến sĩ, có tác dụng khích lệ động viên sâu sắc đối với thi đua. Chính phủ, Mặt trận Liên Việt, các đoàn thể, các ngành, các cấp, các địa phương đã tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện thi đua một cách sâu rộng, có quy cũ hơn.

Hưởng ứng và thực hiện cuộc vận động của Đảng, Chính phủ, các ngành quân đội, công nghiệp, nông nghiệp… đều đề ra kế hoạch cụ thể tiến hành thi đua, phong trào thi đua diễn ra sôi nổi, bộ đội, dân quân, công nhân, nông dân thi đua hăng hái.

Trong nông nghiệp, với phương châm sản xuất làm trọng tâm, lấy cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất; đơn vị thi đua lấy tập đoàn hay chòm xóm, tổ nông dân làm nòng cốt; đề cao chiến sĩ để đẩy mạnh phong trào, lấy đợt ngắn liên tiếp để phong trào được liên tục.

Với khẩu hiệu “hậu phương thi đua với tiền phương”, nông dân thi đua sản xuất, cải tiến kỹ thuật, thực hiện “vụ mùa thắng lợi”, lấy “nương, rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí”, nông dân đã sửa đổi lối làm việc cũ, chú ý đến cải tiến các kỹ thuật sản xuất: cầy sâu, bừa kỹ, làm cỏ, bón phân…Phong trào thi đua nông nghiệp ngày càng đi vào nề nếp, nông dân thi đua hăng hái, đề ra và thực hiện nhiều sáng kiến mới:

- Sáng kiến đề ra việc cấy lúa ít giảnh: Chiến sĩ Trịnh Xuân Bái (Thanh Hóa) đã đề ra và áp dụng có hiệu quả việc cấy lúa ít giảnh, gây phong trào cấy lúa ít giảnh, được 400 gia đình theo.

- Sáng kiến cải tiến nông cụ, như việc dùng răng bừa lưỡi kiếm bừa đất mầu và nhỏ đất, việc dùng xe đạp nước phổ biến ở Bắc Liên khu 4, trong vùng tạm bị chiếm và vùng du kích thiếu trâu bò, nông dân đã khắc phục bằng

cách chế ra những chiếc cầy trục có dây quấn kéo, dùng sức người tạm thời thay thế cho sức trâu bò đang bị thiếu, như ở Thái Bình.

Trong quá trình thi đua, nông dân thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Khi thi đua thì đồng bào nhà nông phải giúp đỡ nhau bằng mọi cách để cùng nhau tiến bộ”, nông dân đã tương trợ lẫn nhau qua việc thành lập nhiều tổ đổi công, nhóm đổi công, nhóm sản xuất… cùng nhau vượt mọi khó khăn làm cho tinh thần đoàn kết của nông dân càng trở nên gắn kết bền chặt hơn để cày bừa, cấy hái kịp thời vụ, giải quyết được nạn thiếu nhân công và thúc đẩy giúp đỡ nhau giải quyết những khó khăn về vốn, trâu, bò, dụng cụ. Hầu hết các chiến sĩ nông nghiệp đều là đoàn viên của tập đoàn, nông dân bắt đầu có ý thức thi đua tập thể.

Để hỗ trợ nông dân sản xuất, công nhân đã sản xuất nông cụ, cán bộ nông chính đã góp ý kiến chuyên môn cho sản xuất nông nghiệp. Ở những vùng du kích, bộ đội, dân quân bảo vệ nông dân cày bừa, gặt hái... tinh thần đoàn kết thi đua đã nảy nở, không chỉ trong từng ngành mà có sự liên kết giữa các ngành, tạo nên khối đoàn kết vững chắc công, nông, binh, trí thức.

Nhờ tinh thần đoàn kết, nỗ lực thi đua, sản lượng và diện tích sản xuất lương thực, hoa màu trong nông nghiệp năm 1951 đều tăng hơn so với năm 1950, nhiều địa phương, năng suất sản xuất nông nghiệp đã tăng lên từ 10% đến 40%, như “Phú Thọ tăng 10% (1950 là 5.000 tấn); Thái Nguyên, Bắc Giang (Liên khu Việt Bắc) tăng từ 5 đến 10%” [46, 66], có nơi tăng đến 40% và nhiều nơi hoàn thành nộp thuế nông nghiệp đủ, nhanh. Năng suất lúa của các chiến sĩ tăng từ 10 đến 120%.

Về chăn nuôi, nông dân đã chú ý bảo vệ, phòng dịch, chống rét cho gia súc, giữ vệ sinh, chăm nom gia súc, gia cầm, như nông dân Liên khu 3 đã đào hầm trú ẩn cho trâu.

Nhìn chung, so với những năm trước, phong trào thi đua trong nông nghiệp năm 1951 đã đi vào nề nếp, nông dân thấm nhuần ý nghĩa thi đua, thi đua có chương trình kế hoạch, không những khu, tỉnh có kế hoạch mà ngay ở

xã, ở tổ đã có chương trình thi đua, có nơi lập chương trình thi đua gia đình như gia đình Chiến sĩ Hoàng Hanh đã bố trí công việc ngăn nắp, cố định việc cho ngày mưa, ngày nắng, có phân công từng người trong gia đình, hay như nữ chiến sĩ Tước phối hợp việc nhà và việc đoàn thể, tổ chức ngay cả sinh hoạt buổi trưa ở ngoài đồng, tuy không nhiều nhưng đã chứng tỏ nông dân đã bắt đầu học hỏi lối làm việc có kế hoạch.

Trong công nghiệp, với phương châm “cải tiến kỹ thuật, trau dồi nghề nghiệp, sửa đổi lề lối làm việc, phát minh sáng chế” nhằm tăng năng xuất, cải tiến dụng cụ, tiết kiệm nhân, vật lực, phong trào thi đua của công nhân phát triển rộng rãi từ các xí nghiệp đến các công trường, các ngành vận tải... Trong thi đua, công nhân đã học tập, bồi dưỡng và phát triển sáng kiến, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau thi đua, làm xuất hiện tiểu tổ thi đua như nhóm tâm giao, tổ sản xuất vv...

Trong khi công nhân và lao động vùng tự do thi đua sản xuất và xây dựng thì công nhân vùng tạm bị chiếm thi đua đấu tranh chống âm mưu phá hoại của địch.

Do sự khủng bố dã man của giặc, hàng ngàn cán bộ và đoàn viên đã hy sinh anh dũng, càng làm cho phong trào tranh đấu càng mạnh, đã phá hoại hàng trăm xí nghiệp và kho tàng của địch.

Tuy thiếu thốn nguyên vật liệu, mắc những khuyết điểm nhưng nhờ có tinh thần tiết kiệm và sáng kiến của công nhân, từ trong phong trào thi đua sản xuất, nhiều sáng kiến được phát huy, nhiều xưởng sản xuất đã vượt mức sản xuất đề ra và nhiều tấm gương điển hình thi đua tiêu biểu đã xuất hiện.

Một trong những tấm gương tiêu biểu nhất trong phong trào thi đua yêu nước ngành công nghiệp thời kỳ này đó là chiến sĩ Ngô Gia Khảm - chiến sĩ thi đua lao động sản xuất, gây dựng cơ sở và phá kỷ lục, ông tiêu biểu cho tinh thần thi đua lao động công nghiệp đặc biệt là những cống hiến cho sản xuất quốc phòng.

Trong mùa thi đua “sản xuất lập công, đề cao chiến sĩ” năm 1951, xưởng hóa chất của chiến sĩ Ngô Gia Khảm phải chuyển sang làm quân sự, ông phát động anh em trong xưởng tích cực thi đua chuyển hướng công tác, chung toàn xưởng đã có 49 sáng kiến lớn nhỏ. Những sáng kiến của ông đã tiết kiệm được chi phí cho việc mua nguyên nhiên liệu, thời gian trong việc sản xuất, rèn đúc vũ khí. Thành tích thi đua lao động của ông đã góp phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển của ngành quân giới Việt Nam, phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp xâm lược và là cơ sở, tiền đề phát triển khoa học kỹ thuật quân sự của nước nhà. Đồng thời, tinh thần, ý chí cách mạng bền bỉ của ông đã biến thành hành động cách mạng cao cả, không chỉ những thế hệ chiến sĩ cách mạng của thời kỳ lịch sử đấu tranh gìn và giữ độc lập dân tộc ngưỡng mộ mà còn là tấm gương sáng để lớp lớp thế hệ người Việt Nam noi theo.

Trong quân đội, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đồng thời để đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng quân đội và phát triển du kích chiến tranh rộng rãi, Bộ Quốc phòng mở cuộc thi đua lập công trong bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, các ngành sản xuất quốc phòng từ ngày 01/5/1951 đến hết tháng 12/1951 cùng với các ngành công nghiệp, nông nghiệp.

Trong các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, các đơn vị tham chiến cũng như chỉnh huấn, ở cơ quan cũng như ngoài mặt trận đều đề ra kế hoạch cụ thể tiến hành thi đua.

Quân đội thi đua kiện toàn chủ lực, xây dựng bộ đội địa phương, phát triển dân quân du kích; học tập tu dưỡng tư tưởng, kỹ thuật chiến đấu; tiêu diệt sinh lực địch, lấy của địch bồi bổ lực lượng ta, phát triển du kích chiến tranh thật mạnh; tăng năng suất, cải tiến kỹ thuật.

Ở các đơn vị, công tác tuyên truyền, giải thích về thi đua được thực hiện, các chiến sĩ được nhận thức, động viên và hiểu rõ về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc thi đua lập công, công tác vận động thi đua cũng được thực hiện, phong trào thi đua càng phát triển và trở thành một phong trào quần

chúng rộng lớn, dựa trên kế hoạch thi đua đã được đề ra, các đơn vị thực hiện ghi công, báo công, bình công và mừng công. Mỗi đơn vị làm một sổ ghi công, mỗi cá nhân đều có nhiệm vụ ghi công và báo công của đồng đội và của mình. Ghi rõ thời gian, địa điểm, trường hợp lập công…

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, dựa trên những tiêu chuẩn chọn chiến sĩ thi đua đã được đề ra, các đơn vị đã tiến hành bình công và khen thưởng, Hội nghị bình công bầu chiến sĩ thi đua, theo nguyên tắc bầu từ tổ 3 người theo thứ tự a, b, c. Bình công phải do quần chúng phê phán, cân nhắc rồi bầu ra chiến sĩ hạng ba, hạng hai, hạng một, mỗi chiến sĩ lập công, gây thành tích về công tác gì thì đặt tên chiến sĩ như thế, sau đó, khi được cấp trên thông qua, đơn vị mở Hội nghị mừng công và đề nghị cấp trên khen thưởng, tặng huy chương, nêu gương anh dũng, thành tích, kinh nghiệm để mọi người học tập, noi theo.

So với những năm 1948 - 1950, việc tổ chức thi đua quân đội năm 1951 đã đi vào nề nếp, có quy cũ, các tiêu chuẩn lập công được định rõ, các hình thức ghi công, báo công, mừng công được đề ra và thực hiện chặt chẽ, đồng đều, có hệ thống, phong trào thi đua đạt được những kết quả vượt bậc.

Một phần của tài liệu [ Luận văn ThS ] Phong trào thi đua yêu nước thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1948 - 1954 (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)