- Giải pháp về đất đai
Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu và đặc biệt, việc sử dụng đất hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người nông dân. Hiện nay đất canh tác còn manh mún, phân bố không đồng đều vì vậy trong thời gian tới cần thực hiện chủ trương mới về ruộng
đất, giao đất và chứng nhận quyền sở hữu lâu dài cho hộ nông dân. Có như vậy người dân mới yên tâm vào sản xuất.
Các cấp có thẩm quyền trong thị trấn cần có những biện pháp hợp lý để phát huy các quyền của chủ sở hữu trong luật đất đai như chuyển nhượng, cho thuê… nhằm vận động tiến hành dồn điền đổi thửa để có diện tích canh tác tập trung hơn tạo điều kiện cho đầu tư thâm canh, chăm sóc và thu hoạch.
- Giải pháp về vốn
Vốn là điều kiện đảm bảo cho các hộ nông dân về tư liệu sản xuất, vật tư… để tiến hành sản xuất vì vậy các giải pháp về vốn là rất cần thiết đối với các hộ nông dân.
Để tiến hành sản xuất hàng hóa nông nghiệp rất cần có vốn, để chuyển dịch cơ cấu cây trồng tăng cường các hoạt động phi nông nghiệp càng cần có vốn vì vậy giải pháp về vốn là rất cần thiết đối với quá trình phát triển kinh tế nông thôn.
Nhà nước cần tập trung mở rộng hơn nữa nguồn vốn cho người dân. Cần có những cơ chế cho vay đúng đối tượng phù hợp với điều kiện từng vùng, cần phải kiểm soát việc sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả, đặc biệt có những chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo. Áp dụng những hình thức thế chấp và lãi suất phù hợp, tăng cường vay vốn dài hạn và trung hạn thông qua các chương trình phát triển kinh tế.
Nhà nước và chính quyền địa phương cần tăng cường huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đáp ứng được những nguyện vọng của người dân trong việc vay vốn để sản xuất nhằm giúp họ có cuộc sống tốt hơn.
Về hộ nông dân trước hết phải biết cách huy động vốn tự có của bản thân, vốn vay từ bạn bè và đặc biệt quan trọng là cần xác định được kế hoạch cần sử dụng vốn và phân bổ nguồn vốn cho từng khâu sản xuất sao cho hợp lý, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
- Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
Nhìn chung trình độ văn hóa của người dân trong hộ còn thấp nên thị trấn cần có các kế hoạch nhằm nâng cao trình độ dân trí, đào tạo chủ hộ, trước hết là phổ cập giáo dục cho các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó cần có các kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao kiến thức thị trường, kiến thức về thâm canh, khoa học công nghệ, trình độ tổ chức quản lý kinh doanh của chủ hộ bằng các hoạt động như mở lớp truyền bá kinh nghiệm sản xuất, các buổi tập huấn trình diễn, họp mặt trao đổi kinh nghiệm, thông tin, tổ chức các đoàn
nông dân đi thăm quan các mô hình sản xuất ở địa phương và các đơn vị bạn từ đó giúp nông dân có những chuyển biến về nhận thức, giúp nông hộ làm quen với thị trường, xóa bỏ những tập quán lạc hậu, lựa chọn những hướng đi phù hợp với tiềm lực kinh tế của mình.
- Giải pháp về khoa học kỹ thuật
Trong điều kiện sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa, Sử dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật ngày càng có vai trò quan trọng và là động lực thúc đẩy hàng hóa phát triển. Khoa học phát triển là chìa khóa phát triển nông nghiệp hiện đại.
Ngày nay, ứng dụng khoa học kỹ thuật được thừa nhận là một trong những biện pháp kinh tế nhất trong sản xuất nông nghiệp. Người nông dân tiến hành sản xuất kinh doanh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì mới tăng nhanh được năng xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Thay đổi chế độ canh tác còn lạc hậu, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, đặc biệt là giống những cây con đặc sản. Thay đổi giống đi đôi với cải tiến hệ thống canh tác, công nghệ sau thu hoạch. Đẩy mạnh ứng dụng tiến hoa học kỹ thuật trong sản xuất cho các cán bộ nông dân có một ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế trên địa bàn thị trấn.
Trong sản xuất cần phải chú ý đến kỹ thuật nuôi trồng và chăm sóc, phòng trừ các loại dịch bệnh. Nâng cao kiến thức quản lý kinh doanh cho hộ nông dân giúp hộ nông dân nắm bắt được của thị trường một cách kịp thời nhằm nâng cấp hiệu quả sản xuất kinh doanh của hộ.
- Giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng là tiền đề để các hộ phát triển sản xuất hàng hóa, là cơ sở của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Bao gồm: điện, đường, trường, trạm, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hệ thống giao thông nông thôn rất quan trọng trong cuộc sống và mọi hoạt động sản xuất của người dân vì vậy cần tập trung hoàn thiện hệ thống đó với sự hỗ trợ của nhà nước và nhân dân cùng làm. Thị trấn Hùng Quốc được hưởng các dự án nên cơ sở hạ tầng ở đây đã được kiên cố hoá, hoàn chỉnh các thông tin liên lạc và công trình phúc lợi công cộng khác được đảm bảo, góp phần phát triển nền kinh tế xã hội của thị trấn. Tuy nhiên vẫn còn một số xóm của thị trấn cơ sở hạ tầng vẫn còn thấp kém… ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Do vậy thị trấn cần có những biện phát phát triển và bảo vệ cơ sở hạ tầng của địa phương.
Mở rộng chợ, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan của chợ.
Mở rộng các hệ thống thông tin liên lạc: khi kinh tế càng phát triển thì yêu cầu lượng thông tin càng nhiều đặc biệt ở xóm còn khó khăn cần nhanh chóng giải quyết để nắm bắt được những thông tin thị trường một cách nhanh nhất.
Trạm xã của thị trấn cần được hoàn thiện và nâng cấp các trang thiết bị khám chữa bệnh cho người dân vì có đảm bảo được sức khỏe họ mới có thể hoạt động sản xuất kinh tế.
- Giải pháp về chính sách:
Nhà nước và chính quyền các cấp cần có các chính sách trợ giá đầu vào cho sản xuất. Cung cấp các giống mới, vật tư nông nghiệp với giá ưu tiên…
Có chính sách trợ giá đối với các sản phẩm do các nông hộ sản xuất ra như: đảm bảo tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định và đảm bảo có lợi ích cho họ. Miễn thuế vài năm đầu cho các dịch vụ thương nghiệp nhằm tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp do người dân địa phương làm ra.
Có những chính sách ưu đãi cho người dân vay vốn với lãi suất thấp và thủ tục đơn giản.
- Giải pháp về thị trường
Đối với thị trường cung ứng các yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: giống, phân bón... Nhà nước cũng như chính quyền cơ sở có vai trò quan trọng trong việc điều tiết giá thông qua các chính sách như thuế, trợ giá các yếu tố đầu vào.
Đối với thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, Nhà nước cũng như chính quyền cơ sở cần khuyến khích các doanh nghiệp ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân, trên cơ sở đó hình thành các kênh lưu thông hàng hóa lớn phục vụ cho việc tiêu thụ nông sản trong vùng. Bên cạnh đó cần khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ bảo hiểm rủi do về giá nông sản cho các hộ nông dân trên địa bàn theo nguyên tắc thỏa thuận tự nguyện đôi bên cùng có lợi. Nhà nước cũng như chính quyền cơ sở cần có các chính sách hợp lý để tránh tình trạng tư thương ép giá nông sản.
PHẦN 5: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ