Tăng cường pháp chế về môi trường bao gồm các nội dung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các đề xuất cụ thể: - Nghiên cứu, xây dựng cơ chế thực sự lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương; Đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành, liên tỉnh; Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, các địa phương; Nâng cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội trong việc tham gia giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường;
- Đẩy mạnh việc xây dựng và ban hành các chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường trên cơ sở các văn bản của Trung ương phù hợp hơn với địa phương, cụ thể: Xây dựng quy định khung về nhiệm vụ chi cho hoạt động bảo vệ môi trường; Quy định bảo vệ môi trường trên địa bản tỉnh; Quy chế quản lý chất thải rắn; Quy định về các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường có sự thống nhất chung trên toàn tỉnh;
- Đẩy mạnh áp dụng công cụ kinh tế trong quản lý môi trường. Nghiên cứu đưa ra cơ chế, chính sách về: Hệ thống phí, lệ phí bảo vệ môi trường đối với khí thải và chất thải rắn… phù hợp với điều kiện của địa phương;
- Tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi nhằm khuyến khích đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường, thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường, nhân rộng các mô hình phát triển bền vững trong các ngành kinh tế: nông nghiệp, công nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp.
Tiếp tục tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, lực lượng thanh tra, kiểm tra, triển khai và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh Luật bảo vệ môi trường.
Tăng cường chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát hậu thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.