Sự ô nhiễm nước từ các hoạt động của con người

Một phần của tài liệu Đánh giá chất lượng nước sông Bằng Giang đoạn chảy qua thành phố Cao Bằng - tỉnh Cao Bằng. (Trang 25)

Trong quá trình sinh hoạt, sản xuất của mình con người không những khai thác tài nguyên thiên nhiên mà còn thải ra một lượng lớn chất thải bao gồm chất thải rắn, khí thải và nước thải. Nước thải được thải ra từ các hoạt động sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải nếu không được xử lý một cách triệt để sẽ tác động rất lớn đến chất lượng nguồn nước và cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nước nghiêm trọng.

Trong các hoạt động của con người, thì hoạt động công nghiệp là một trong những hoạt động gây tác động đến môi trường nước tương đối lớn.

Nước vừa là đầu vào trong các hoạt động sản xuất, vừa cấu thành nên sản phẩm và vừa là đầu ra trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp. Tùy vào các loại hình công nghiệp khác nhau mà thành phần, tính chất và nồng độ của nước thải công nghiệp cũng khác nhau. Tuy nhiên, nước thải công nghiệp thường chứa một lượng lớn các chất hòa tan và có tính chất nguy hiểm. Vì vậy, nếu không có các biện pháp xử lý hiệu quả thì sẽ gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng.

Ví dụ về hiện tượng “dòng sông chết” trên lưu vực sông Thị Vải là một minh chứng điển hình. Công ty Vedan mỗi ngày xả thẳng ra sông Thị Vải 5000 m3 nước/ngày đêm mà không qua xử lý đã làm cho tính chất lý hóa của môi trường nước bị thay đổi và kết quả là nước sông bị ô nhiễm trầm trọng, thủy sinh vật không sống được, đồng thời còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động sản xuất của con người. Mặt khác, hoạt động sinh hoạt của con người cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước.

Theo đánh giá chung thì mỗi người cần 250 lít nước cho sinh hoạt, 1.500 lít nước cho hoạt động công nghiệp và 2000 lít nước cho hoạt động nông nghiệp… và cũng tương đương với lượng nước đó sẽ thải ra môi trường, do đó gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước. Nước thải sinh hoạt thường chứa một lượng lớn các chất khó bị phân hủy sinh học như dầu, mỡ, các chất tẩy rửa tổng hợp và các chất hữu cơ như thức ăn thừa,…vì vậy dễ gây ra mùi và làm biến đổi màu sắc của các nguồn nước.

Ngoài ra, hoạt động sinh hoạt của con người còn gián tiếp gây ô nhiễm nước. Các chất thải rắn hữu cơ được sinh ra sau khi tiếp xúc với nước hoặc độ ẩm cao trong môi trường sẽ bị phân hủy và tạo nên nước rỉ rác, đây là một trong những nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường nước, mặt nước ngầm ở các khu vực bải rác và các khu vực chứa rác.

Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước có nguồn gốc từ con người tiếp theo đó là các hoạt động giao thông vận tải. Việc sử dụng môi trường làm địa bàn vận chuyển đi lại của các phương tiện giao thông đã gây tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường nước. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện giao thông đã xả ra môi trường nước một lượng lớn các chất thải, các chất khó bị phân hủy như xăng, dầu, mỡ,… Ngoài ra, còn phải kể

đến các vụ tai nạn của các tàu chở dầu, hóa chất,… đã gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước trên phạm vi rộng lớn.

Mặt khác, hoạt động nông nghiệp cũng tác động đáng kể đến môi trường nước. Trong quá trình canh tác con người đã sử dụng một lượng lớn các hóa chất bảo vệ thực vật, các loại phân bón vô cơ, hữu cơ. Tuy nhiên, cây trồng không hấp thụ hết hoặc chưa kịp hấp thụ hết lượng hóa chất này mà tiếp xúc với nguồn nước thì bị nước hòa tan, cuốn trôi và sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Một hiện tượng thường thấy trong thời gian gần đây là hiện tượng “nước nở hoa” ở các thủy vực có tiếp nhận nguồn nước thải từ hoạt động nông nghiệp. Đây được xem là hiện tượng phú dưỡng nguồn nước do trong nước có chứa một hàm lượng lớn các chất dinh dưỡng như Nitơ, Photpho, Cacbon. Đây là các thành phần có trong phân bón mà cây trồng không hấp thụ được từ hoạt động bón phân của con người. Qua đó, chúng ta thấy rằng môi trường nước bị ô nhiễm còn do hoạt động nông nghiệp của con người.

Như vậy, với các hoạt động của mình, con người đã trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến môi trường nước, trong đó hoạt động công nghiệp là một trong những hoạt động gây ảnh hưởng đến nguồn nước lớn nhất. Chính vì vậy, cần có các biện pháp quản lý và xử lý chặt chẽ các hoạt động của con người để hạn chế những ảnh hưởng đến môi trường nước cũng như đề xuất các biện pháp xử lý nước thải một cách hiệu quả hơn.

Phần 3

ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 3.1. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

Một phần của tài liệu Đánh giá chất lượng nước sông Bằng Giang đoạn chảy qua thành phố Cao Bằng - tỉnh Cao Bằng. (Trang 25)