7. Giả thuyết khoa học
1.2.1 Nội dung văn trong chương trình và SGK ở tiểu học
1.2.1.1 Vị trí thành phần văn trong chương trình và SGK TV trước năm 2000.
Trong cuốn « Dạy và học môn Tiếng Việt ở trường Tiểu học theo chương trình mới » ,(Nhà xuất bản Giáo dục, 2009) Phó Giáo sư Nguyễn Trí
đã nêu bật những đặc điểm cơ bản của chương trình TV qua từng giai đoạn cụ thể, trong đó có nhấn mạnh đến mục tiêu dạy văn ở Tiểu học trong mỗi chương trình.
* Chương trình môn Ngữ văn ở Tiểu học năm 1956
Môn Ngữ văn trong chương trình năm 1956 được giải thích là gồm hai bộ phận : TV và Văn học. Các phân môn Tập đọc, Học thuộc lòng, Kể chuyện thuộc môn Văn học. Các phân môn Tập chép, Chính tả, Ngữ pháp, Tập làm văn thuộc môn TV. Mặc dù việc chia các phân môn thuộc môn Văn học hoặc TV và việc xác định nhiệm vụ cụ thể của từng phân môn còn chưa toàn diện, nhưng chương trình đã xác định rất rõ nhiệm vụ dạy văn ở Tiểu học. Phân môn Tập đọc có nhiệm vụ GD thẩm mĩ, nâng cao lòng yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp qua việc khai thác nội dung các bài Tập đọc trích từ tác phẩm văn chương có giá trị nghệ thuật cao. Với phân môn Kể chuyện cũng vậy, phân môn này bên cạnh nhiệm vụ rèn kĩ năng kể chuyện còn có nhiệm vụ bồi dưỡng tâm hồn và tăng vốn sống, vốn văn học cho HS.
* Chương trình môn TV cấp I năm 1981 và 1986.
« Chương trình TV năm 1981 lúc đầu gọi là Chương trình môn Văn
Tiếng Việt trường Phổ thông cơ sở. Đây là bộ chương trình của hai cấp, cấp I
và cấp II. Dựa vào văn bản này, bộ sách TV cấp I được biên soạn. Đến năm
1986, chương trình được chỉnh lí và mang tên Chương trình môn Tiếng Việt
trường Phổ thông cơ sở (phần từ lớp 1 đến lớp 5). Lần chỉnh lí năm 1990
được gọi là Chương trình môn Tiếng Việt cấp I. » [29] - tr 32
Hai nhiệm vụ của môn TV trong chương trình trên được Giáo sư Lê Cận nêu rõ như sau :
« - Trên cơ sở vốn tiếng mẹ đẻ lĩnh hội được trước tuổi đi học, dạy cho HS những hiểu biết về mặt ngôn ngữ học (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp), giúp các em hiểu biết TV một cách có ý thức, sử dụng TV thông qua các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
- Bồi dưỡng cho HS năng lực cảm thụ văn, giúp các em phát triển năng
lực trí tuệ, rèn luyện phương pháp suy nghĩ, trên cơ sở đó GD cho các em những tư tưởng, tình cảm đẹp dựa theo Năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi. »
* Nhận xét chung
« Điểm lại tên SGK từ khi chữ quốc ngữ được dạy ở trường Tiểu học đến nay thì chỉ sau CCGD năm 1981, loại sách này mới được gọi là sách TV.
Trước CCGD, ở lớp đầu cấp Tiểu học có Vần vỡ lòng hay Học vần (thậm chí cái tên Học vần được giữ đến tận cuối những năm 1980); còn từ lớp 2 trở lên, sách được gọi là Quốc văn hay Tập đọc tùy từng thời kỳ, bên cạnh đó có lúc còn kèm thêm quyển Ngữ pháp hay Tài liệu Ngữ pháp nữa. Có thể nhận ra
một điều là mỗi tên sách đã nêu, mới chỉ phản ảnh được một phần nội dung của môn học này. » [23] – Tr 13. Như vậy là trước năm 1981 bậc Tiểu học có dạy văn, có sách văn, bên cạnh sách Từ ngữ - ngữ pháp . Sau năm 1981 sách Văn lớp 2, lớp 3 chuyển vào sách TV và sau năm 1994 sách Văn lớp 4, lớp 5 tiếp tục chuyển vào sách TV. Khi đó, dạy Tập đọc, Kể chuyện được coi là
dạy văn.
Trung tâm Thực Nghiệm Giảng Võ từ năm 1978 cho rằng ở Tiểu học phải dạy văn, vì văn là nhu cầu thiết yếu của con người. Nhà trường chủ chương tách Văn ra khỏi môn TV từ tiểu học, bởi hai môn học đó có hai đối tượng khác nhau. Học tiếng Việt là học môn khoa học, còn học Văn là học môn nghệ thuật. Họ quan niệm rằng dạy văn là biến tác phẩm của tác giả thành tác phẩm của mỗi cá nhân người học. Vì vậy mà nhà trường đã biên soạn hệ thống sách văn, sách thiết kế, xây dựng quy trình dạy văn riêng cho chương trình Tiểu học.
Điểm qua các chương trình TV trước năm 2000, chúng tôi nhận thấy các chương trình này đều chú trọng kết hợp dạy tiếng Việt với văn học, chú trọng dạy tiếng Việt trên cơ sở ngữ liệu là các trích đoạn từ các tác phẩm văn
học. Đặc điểm này tạo điều kiện cho HS hấp thu được tinh hoa tiếng Việt qua ngôn ngữ mang tính nghệ thuật của các giá trị văn học dân tộc.
Chương trình cũng chú trọng dạy TV với phát triển tư duy và mở rộng tri thức về tự nhiên và xã hội, về Việt Nam và thế giới của HS. Đặc điểm này cùng với những đặc điểm trên cho thấy việc dạy học TV ở Tiểu học đã tiềm ẩn tinh thần tích hợp, đặc biệt là tích hợp văn trong TV. Và nếu nói thật chính xác thì cả một giai đoạn dài trước năm 1981, TV được dạy trên cơ sở dạy Văn.
1.2.1.2 Vị trí của thành phần văn trong chương trình, SGK TV sau năm 2000.
Hiện nay, cấp học THCS và THPT, môn Văn và TV cũng đã tích hợp thành môn Ngữ Văn. Dạy văn là dạy đọc hiểu văn bản. Dạy Ngữ Văn phải tập trung vào hai hoạt động cơ bản của giao tiếp là giải mã văn bản, còn gọi là tiếp nhận văn bản, đọc hiểu văn bản và ký mã văn bản, còn gọi là tạo lập văn bản, là làm văn. Dạy Tiếng Việt ở Tiểu học là chuẩn bị cho việc dạy đọc hiểu Ngữ Văn ở các cấp học trên.
Khi phân tích mục tiêu, nhiệm vụ chương trình môn TV ở Tiểu học, ta nhận thấy trong chương trình không có môn Văn nhưng phải hiểu rằng việc dạy văn đã được tích hợp trong các phân môn TV. Nếu chỉ dừng lại ở việc dạy đúng đặc trưng riêng của từng phân môn mà quên đi yếu tố tích hợp văn, (có thể ít hay nhiều tùy từng phân môn), thì sẽ không đảm bảo được những mục tiêu của môn TV mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định. HS sẽ không nắm được những kiến thức về văn hóa, văn học của Việt Nam và nước ngoài cũng như khó lòng hình thành được tình yêu tiếng Việt và thói quen giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt. Việc dạy kiến thức văn góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam trong mỗi HS.