HOẠT ĐỘNG ỨNG XỬ VỚI GIA ĐÌNH HỌC SINH
Một trong những nhiệm vụ mà người sinh viên phải thích ứng nhằm chuẩn bị cho công tác sau này là biết kết hợp các lực lượng giáo dục ngoài xã hội để cùng tác động tới sự hình thành nhân cách cho học sinh. Tiêu biểu cho các lực lượng giáo dục ngoài trường, có quan hệ trực tiếp tới học sinh là gia đình các em. Việc nắm bắt tình hình gia
đình học sinh là cơ sở cần thiết giúp giáo viên có thể thấy được một cách khách quan những nhân tố trực tiếp tạo nên tính cách, phẩm hạnh, ưu điểm, thiếu sót diễn ra hàng ngày của học sinh.
Trong các đợt thực tập sư phạm ngắn hạn và dài hạn ở trường phổ thông, sự thích
ứng của sinh viên đối với việc thực hiện mảng công việc này chủ yếu bao gồm những nội dung sau:
Nắm bắt thông tin về tình hình địa bàn dân cư (thành phần cư trú, điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa truyền thống, tập tục địa phương v.v...).
Những thông tin này, sinh viên có thể biết được trong các báo cáo của hiệu trưởng nhà trường, của công đoàn, đoàn thanh niên và bằng sự quan sát tinh tế của bản thân trong cuộc sống thường nhật.
Nắm bắt thông tin về gia đình học sinh lớp mình phụ trách thông qua giáo viên chủ nhiệm, qua sổ sách, qua giao tiếp trao đổi với học sinh.
Hai loại thông tin trên đây, phần nhiều người sinh viên được thừa hưởng từ
những dữ liệu có sẵn của những chủ thể giáo dục ở trường phổ thông.
Tìm hiểu trực tiếp của mỗi sinh viên thông qua những cuộc gặp gỡ, thăm hỏi, trò chuyện cùng gia đình học sinh. Đây là trách nhiệm thích ứng rất mới mẻ và khó khăn
đối với sinh viên. Tính chất mới mẻ và khó khăn này có thể do những nguyên nhân sau tạo nên:
+ Tính mới mẻ của đối tượng giao tiếp (sinh viên lần đầu được giao tiếp với họ, chưa nắm được tính cách, trình độ cung cách tiếp nhận giao tiếp của họ).
+ Tính đa dạng của đối tượng giao tiếp (giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế, trình độ học vấn, trình độ nhận thức, quan hệ tình cảm của họ với con em họ, thái độửng xửđối với nghề dạy học và người thầy giáo).
+ Về phía bản thân sinh viên, kinh nghiệm và những va chạm đường đời chưa nhiều, ý thức về vị thế xã hội của bản thân chưa rõ ràng, dẫn tới sự thiếu tự tin và mặc cảm về vai trò sinh viên của mình trước mỗi lần gặp gỡ trao đổi, chưa có sự chuẩn bị
kỹ càng cho việc tiến hành công việc này cả về tri thức và kỹ năng.
Những khó khăn nêu trên ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả công việc của sinh viên khi thực hiện các chuyến công tác tới gia đình học sinh. Có thể xảy ra một số tình huống là: Sinh viên được sựđón tiếp nhiệt tình của gia đình học sinh cả về tình cảm và vật chất, có sự giúp đỡ, thông cảm của gia chủ, họ cung cấp đầy đủ những thông tin cần tìm hiểu về con em họ, mong mỏi một sự phối hợp thường xuyên và kịp thời những tác động giáo dục của cả hai phía đối với học sinh. Thái độ của gia đình là thiếu thiện chí, không nói hết sự thật, thậm chí còn che dấu những khuyết điểm của học sinh, đổ trách nhiệm cho nhà trường. Khi gặp phải tình huống này, sinh viên thực tập thường nản lòng, rút bớt thời gian trao đổi theo dự kiến, đôi khi xuất hiện ở họ những
định kiến ban dầu vềảnh hưởng tiêu cực của gia đình đối với con cái họ. Rõ ràng đây là tình huống đòi hỏi sinh viên phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng từ trước, cần có sự giúp
đỡ của giáo viên chủ nhiệm ở phổ thông. Tình huống thứ 3 xảy ra chủ yếu khi sinh viên thiếu sự chuẩn bị chu đáo và không chủ tâm thực hiện mục đích, do vậy, mặc dù thái độ cộng tác, giúp đỡ của gia đình học sinh là rất tốt, song bản thân người sinh viên lại không biết tận dụng hoặc không nhận thấy sự giúp đỡ này. Trước những tình huống nêu trên, nhằm tận dụng những điều kiện thuận chiều và tránh được những khó khăn
đột biến ở mức tối đa khi làm việc với gia đình học sinh, người sinh viên cần lưu ý giải quyết một số bước sau.
Bước 1: Công tác chuẩn bị.
Sinh viên cần tìm hiểu kỹ tình hình học sinh lớp mình phụ trách, phân loại những học sinh cần được quan tâm (thường đó là những học sinh có ý thức học tập tốt nhưng hoàn cảnh gia đình có khó khăn đặc biệt về kinh tế hoặc các mối quan hệ; những học sinh chây lười, học lực yếu, ý thức tổ chức kỷ luật kém, hay vi phạm nội quy, hay gây gổ làm mất đoàn kết nội bộ v.v...). Để có được những thông tin chính xác, sinh viên phải dựa vào giáo viên chủ nhiệm lớp, ý kiến của cán bộ lớp, cán bộ Đoàn TN và dư
luận của tập thể. Sau khi đã có những thông tin cần thiết, nhóm chủ nhiệm cần bàn bạc
để đi tới thống nhất về kế hoạch, trong toàn đợt thực tập sẽ thăm và làm việc với gia
đình của những học sinh nào, thời gian dự kiến, những thành viên nào trong nhóm sẽ
có mặt trong buổi gặp gỡ, có cần phải mời giáo viên chủ nhiệm đi cùng hay không. Công việc tiếp theo sau khi đã ấn định được cụ thể sẽđi thăm gia đình học sinh nào, sinh viên phải tìm hiểu những thông tin chi tiết về gia đình học sinh đó (gia đình gồm bao nhiêu người; tên bố, mẹ và một vài thành viên chủ yếu của gia đình; nghề
nghiệp của bố, mẹ; trình độ văn hóa và công việc cụ thể họ đang làm; địa điểm gia
đình đang cư trú; mối quan hệ của cha, mẹ với học sinh và hàng xóm). Những chi tiết này là hết sức cần thiết, bởi nó giúp cho người sinh viên chủđộng, có nội dung hợp lý
để dẫn dắt câu chuyện khi trao đổi với gia đình.
Để tránh sự đường đột khi xuất hiện tại gia đình học sinh và tạo điều kiện để
những thành viên trong gia đình bố trí được thời gian gặp gỡ, sinh viên cần trao đổi trước với học sinh về dự kiến của nhóm, cho học sinh biết mục đích của cuộc thăm hỏi, số lượng người và thời gian có mặt tại gia đình. Việc thông báo này có ý nghĩa như là sự chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho gia chủ khi sinh viên tới thăm, khoảng thời gian thông báo có thể trước vài ba hôm tới 1 tuần, tùy thuộc vào hoàn cảnh của gia
đình học sinh.
Một vấn đề không thể không tính tới trước mỗi lần thăm hỏi gia đình học sinh là việc xác định mục đích chuyến thăm và nội dung làm việc với các thành viên trong gia
đình.
Mục đích và nội dung này được xác đinh theo nhu cầu của nhiệm vụ giáo dục đối tượng, không nhất thiết phải cho học sinh biết trước, bởi đôi khi, sự thông báo không
đúng lúc sẽ dẫn tới tình trạng lẩn tránh và chối từ của cha mẹ các em. Toàn bộ sự
chuẩn bị này phải được báo cáo vôi giáo viên chủ nhiệm lớp, được bổ sung cho hoàn tất và sau khi có sựđồng ý của họ, công việc mới được tiến hành.
Bước 2: Tới thăm và trao đổi về công tác giáo dục với gia đình học sinh. Nhóm chủ nhiệm có thể đi cùng hoặc dặn trước học sinh để các em có điều kiện giới thiệu các thành viên trong nhóm với gia đình.
Về mặt hình thức, sinh viên cần ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ tránh loè loẹt và khác lạ. Đầu tóc phải gọn gàng. Nếu gia đình có em nhỏ hoặc người già, người ốm yếu, tàn
tật, sinh viên có thể mang theo một món quà nhỏ. Khi tới gia đình, những lời chào hỏi ban đầu với từng thành viên trong gia đình cũng cần phải chân tình, đúng ngôi thứ theo sự giới thiệu của học sinh. Ngôn từ dùng chào hỏi phải đúng thứ bậc, tương xứng với tuổi tác, nếu có sự nhầm lẫn, cần xin lỗi ngay để tránh sự khó dễ trong suốt quá trình trao đổi. Dựa trên thái độ ban đầu của gia đình khi đón tiếp, sinh viên có thể đi thăm nơi ăn chốn ở của gia đình, góc học tập của học sinh, hỏi thăm tình hình công tác, đời sống của địa phương, của một số thành viên chủ yếu trong gia đình để rồi dẫn dắt dần câu chuyện vào nội dung dự kiến. Để gây được niềm tin đối với gia đình, trong trao
đổi, sinh viên không nên chỉ nói theo một chiều: hoặc toàn khen, hoặc chỉ có chê bai mà nên bắt đầu bằng những điểm mạnh, những ưu điểm ở con người học sinh trong hoạt động tại trường để rồi từ đó, chỉ ra những gì còn sai sót ở con em họ và khẳng
định cho họ thấy vai trò của họ quan trọng như thế nào trong sự trưởng thành của con em họ. Cấu trúc của cuộc trao đổi phụ thuộc vào từng mục đích cụ thể, nhưng việc thực hiện cấu trúc ấy phải rất linh hoạt, mềm dẻo. Thái độ của sinh viên trong giao tiếp phải rất chân tình, niềm nở, và điều không thể bỏ qua là phải kết hợp được giữa vị thế
của người giáo viên chủ nhiệm đối với con em họ và là một nhân cách có thứ bậc trong quan hệ đối với thành viên của gia đình. Việc hạ thấp mình hay đánh giá quá cao vai trò của mình trong cuộc trao đổi đều không mang lại kết quả cho cuộc thăm hỏi. Câu chuyện với gia đình có thể có sự hiện diện của học sinh hoặc là trao đổi riêng với đình. Câu chuyện cần được kết thúc bằng những ràng buộc trách nhiệm về phía gia đình cũng như về phía giáo viên. Cam kết này phản ánh tính thống nhất các tác động giáo dục của nhà trường và gia đình đối với con em họ nhằm đạt tới mục đích dã định của giáo dục.
Bước 3: Trao đổi rút kinh nghiệm trong nhóm.
Tình hình cuộc thăm hỏi và kết quả của quá trình làm việc với gia đình học sinh cần được báo cáo với giáo viên chủ nhiệm, trên cơ sở đó đề xuất những biện pháp thích hợp để giúp đỡ học sinh hoặc tập thể. Những gì còn sơ xuất hoặc tiếp tục triển khai phải được các thành viên trong nhóm chủ nhiệm trao đổi để tránh những va vấp và đạt được hiệu quả cao hơn ở những lần tiếp theo.