i. Thực hiện
Ngày 23/1/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/QĐ- NHNN về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn lưu động để sản xuất - kinh doanh. Theo đó, trong năm 2009, Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay để sản xuất - kinh doanh, nhằm giảm giá thành sản phẩm hàng hoá, duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, trong điều kiện nền kinh tế bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 8 tháng đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian từ 1/2/2009 - 31/12/2009. Mức hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay là 4%/năm, tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định.
Ngày 4/4/2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 443/QĐ-TTg về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng để thực hiện đầu tư mới phát triển sản xuất kinh doanh, kết cấu hạ tầng. Đối tượng áp dụng
của chính sách mới này là các khoản vay trung, dài hạn ngân hàng bằng đồng Việt Nam (theo các hợp đồng tín dụng ký kết trước và sau ngày 1/4/2009 của các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất kinh doanh, kết cấu hạ tầng) được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo thống kê thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế. Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng. Việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện từ ngày 1/4/2009 đến ngày 31/12/2011. Mức lãi suất hỗ trợ tiền vay là 4%/năm, tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế trong khoảng thời gian nói trên.
ii. Đánh giá
Gói giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, được áp dụng từ tháng 12/2008 đến nay đã có tác dụng tích cực, nhất là giải pháp hỗ trợ tín dụng 4% lãi suất vay vốn lưu động theo Quyết định 131/QĐ-NHNN của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 02/2009/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; hỗ trợ lãi suất 4% cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng theo Quyết định số 443/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 05/2009/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Giải pháp này đã tạo tính thanh khoản mạnh mẽ cho nền kinh tế, làm tăng tổng cầu và tạo điều kiện trực tiếp cho nhiều doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn về vốn lưu động để “bám giữ” thị trường, tăng mới số lượng việc làm cho nền kinh tế. Về phía các ngân hàng, gói hỗ trợ bù lãi suất giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tính thanh khoản cho ngân hàng, cải thiện tình hình tín dụng "đóng băng" trong nhiều tháng.
Tuy nhiên, tất cả những giải pháp đang thực thi cũng chỉ mang “tính chất sơ cứu” của thời kỳ suy giảm tăng trưởng, vấn đề đặt ra là gắn các giải pháp ngắn hạn với mục tiêu kinh tế trung, dài hạn như thế nào mới chính là bài toán của thời kỳ “hậu suy giảm”, nó không chỉ có ý nghĩa cho giai đoạn chống khủng hoảng 2009- 2010, mà sẽ tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn “tăng tốc” tiếp theo 2011-2015. [12, 34, 37, 45]