Bệnh lý tiêu hóa tiết niệu và tương tác thuốc

Một phần của tài liệu Đánh giá tương tác thuốc bất lợi trên bệnh án điều trị nội trú tại khoa nội tiêu hoá tiết niệu bệnh viện đa khoa TW thái nguyên (Trang 26)

- Các bệnh lý tiêu hóa tiết niệu thường gặp là các bệnh mạn tính. Điều trị các bệnh mạn tính đường tiêu hoá thường phải kết hợp nhiều loại thuốc. Bởi lẽ, nguyên nhân gây bệnh không chỉ do một yếu tố mà thường do nhiều yếu tố tác động cùng một lúc. Vì vậy, liệu trình đa thuốc thường được lựa chọn.

- Các thuốc hay sử dụng:

+ Các thuốc ức chế tiết axit theo cơ chế ức chế thụ cảm thể H2- histamin như cimetidin, ranitidin, famotidin, …. Trong một số bệnh tiêu hoá như loét dạ dày tá tràng, người ta cho rằng chính là do dạ dày tiết axit một cách không cân bằng với khả năng bảo vệ của lớp chất nhầy bề mặt nên lượng axit này phá huỷ thành dạ dày dẫn đến loét. Vì thế, các thuốc chống tiết axit được sử dụng. Khi có mặt các thuốc này, lượng axit HCl giảm ngay tức khắc số lượng và các tác hại do chúng gây ra vì thế mà cũng giảm theo. Liệu trình thường là 8 - 10 tuần. Có sự khác nhau ở các mức độ bệnh lý khác nhau. Có khi người bệnh phải sử dụng đến 3 tháng.

+ Cũng nằm trong nhóm làm giảm tiết axit, các thuốc ức chế tiết axit theo cơ chế ức chế bơm proton rất hay được sử dụng. Tiêu biểu như omeprazone, lanzoprazone... Đây là nhóm thuốc bất hoạt mạnh mẽ và không hồi phục bơm proton, một bộ phận nằm trên màng tế bào thành dạ dày trực tiếp tạo ra axit. Sự xuất hiện của các nhóm thuốc này làm giảm một cách rõ rệt nồng độ axit trong dạ dày có tác dụng hiệu quả với những người bị chứng loét tá tràng.Thời gian tấn công thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần và sau đó là thời gian điều trị duy trì.

+ Các thuốc bao bọc ổ loét như sucralfat, phosphalugel... Đây là những muối sunphat của một số kim loại mà bazơ của nó có khả năng liên kết tạo ra những màng nhầy như Al, Mg. Sử dụng những thuốc này trong môi trường axit chúng sẽ tạo ra những lớp màng nhầy, keo, dính bao bọc ổ loét, cách ly ổ loét với axit và do đó ổ loét có điều kiện liền sẹo.

+ Các kháng sinh diệt HP với công thức tổ hợp như amoxicilin, clarithromycin, metronidazol, tetracyclin… Những kháng sinh này sẽ hoạt hoá ngay trong lòng dạ dày và tiêu diệt vi khuẩn HP. Sự giảm độc lực và số lượng vi khuẩn sẽ làm giảm đáng kể những tổn hại mà do chúng gây ra. Thông thường, các thuốc này được sử dụng theo đường uống từ 7 - 14 ngày.

+ Một số kháng sinh điều trị vi khuẩn đường ruột như metronidazol, Cotrimoxazol. Đây là những kháng sinh có hiệu lực điều trị với các loại vi khuẩn hiếu khí và kỵ khí ở đường tiêu hóa, đặc biệt là những vi khuẩn kỵ khí gây hại ở đại tràng, có khả năng tiêu diệt cả lỵ amíp. Vì thế những thuốc này thường là những thuốc được lựa chọn trong các trường hợp có rối loạn bệnh lý ởđại tràng.

+ Các thuốc kháng virut như lamivudine, adefovir, entecavir, ribavirin. Lamivudine ức chế tổng hợp ADN của virut, vì thế mà virut không nhân lên được. Lamivudin giống như adefovir, entecavir được chứng minh là có tác dụng với virut viêm gan B.

- Các thuốc bao bọc ổ loét như sucralfat ngoài tính năng bao bọc toàn bộ ổ loét, chúng còn bao luôn cả những lớp bề mặt bình thường khác. Việc phủ kín bề mặt của hệ tiêu hoá làm giảm quá trình hấp thu của các thuốc dùng đồng thời, dẫn đến giảm tác dụng của thuốc. Để tránh tương tác này nhất thiết phải có một khoảng cách ít nhất 1 đến 2 giờ giữa lần uống thuốc kháng acid và lần uống thuốc chống loét dạ dày. Thuốc kháng acid

thường được uống 1 giờ 30 phút sau các bữa ăn, khi ăn uống là nguyên nhân tăng tiết dịch vị.

- Metronidazole là một thuốc sử dụng thường xuyên trong điều trị loét dạ dày tá tràng nhưng đặc biệt có tương tác mạnh với rượu. Khi người bệnh sử dụng rượu đi kèm, ngay tức khắc metronidazole gây cơn bốc hoả cấp, gây cơn hoang tưởng cấp, chứng loạn tâm thần.

- Trong các bệnh lý tiết niệu tại mẫu nghiên cứu chủ yếu thường gặp là các bệnh lý về thận như suy thận, hội chứng thận hư. Dùng thuốc trên những bệnh nhân này phụ thuộc vào mức độ suy giảm chức năng của thận để điều chỉnh liều của thuốc. Mức độ này phụ thuộc vào mức độc hại của thuốc và khả năng thuốc đó được bài xuất hoàn toàn qua thận hay được chuyển hoá một phần thành các chất chuyển hoá không hoạt động. Hầu hết các loại thuốc đều được bài xuất qua thận. Việc suy giảm chức năng thận có thể gây ra nhiều vấn đề trong việc dùng thuốc điều trị, bởi những lý do dưới đây:

+ Không bài xuất được thuốc hoặc chất chuyển hoá của thuốc có thể gây nhiễm độc.

+ Người bệnh bị suy thận kém chịu đựng được các tác dụng phụ không mong muốn.

+ Có một số thuốc không có hoặc giảm hiệu quả khi chức năng thận bị suy giảm.

Nhìn chung, tất cả người bệnh bị suy giảm chức năng thận có thể sẽ gặp nguy cơ xấu (ngộ độc, gia tăng tương tác thuốc, …) khi được dùng thuốc với liều bằng với liều cho người bệnh có chức năng thận bình thường. Do đó khi dùng thuốc ở người bệnh bị suy thận, phải luôn dùng số thuốc cần thiết ở mức tối thiểu, cần tránh, nếu có thể, các thuốc gây độc cho thận, cần điều chỉnh liều duy trì theo tình trạng lâm sàng. Có thể giảm

liều duy trì bằng cách giảm liều ở mỗi lần dùng mà không thay đổi khoảng cách đưa thuốc, hoặc giãn khoảng cách đưa thuốc mà không thay đổi liều.

Những thuốc cần tránh hoặc thận trọng khi sử dụng:

Kháng sinh aminoglycosid, penicilin G, carbenicilin (liều cao tiêm tĩnh mạch), kháng sinh polypeptid, thuốc sát khuẩn đường tiết niệu (như nitrofurantoin), EACA, thuốc gây tê, cloramphenicol, thiamphenicol, glycosid trợ tim, acid ethacrynic, furosemid, thuốc ức chế trao đổi ở ống lượn xa (như spironolacton, triamteren), thuốc làm tăng K+ máu, thuốc làm giảm glucose máu (sulfamid chống tiểu đường), làm nhiễm acid lactic (biguanid), dẫn xuất thủy ngân (Hg), mithramycin, chế phẩm bismuth (Bi), dẫn xuất phenacetin, sulfamid kìm khuẩn, succinylcholin ...

Một phần của tài liệu Đánh giá tương tác thuốc bất lợi trên bệnh án điều trị nội trú tại khoa nội tiêu hoá tiết niệu bệnh viện đa khoa TW thái nguyên (Trang 26)