Đoạn miêu tả kết hợp nhiều chức năng

Một phần của tài liệu Chức năng của đoạn miêu tả trong truyện ngắn việt nam đương đại (Trang 49)

7. Bố cục khóa luận

2.2.4. Đoạn miêu tả kết hợp nhiều chức năng

Trong cùng một đoạn miêu tả, đôi khi tác giả sử dụng rất nhiều chức năng, có thể cùng một lúc có cả chức năng trang trí, chức năng tổ chức văn bản, chức năng thư giãn, chức năng phân đoạn… Đoạn miêu tả như vậy được gọi là đoạn miêu tả kết hợp nhiều chức năng (hay đoạn miêu tả tổng hợp chức năng). Việc sử dụng những đoạn miêu tả đó “không chỉ đơn thuần nhằm tạo nên vẻ riêng biệt độc đáo của mỗi tác phẩm mà còn chủ yếu phụ thuộc vào từng ý đồ nghệ thuật của tác giả, phù hợp với nội dung biểu đạt của mỗi tác phẩm” [6, Tr28].

Khảo sát một số tuyển tập truyện ngắn đương đại, chúng tôi thống kê được 14 lần tác giả sử dụng đoạn miêu tả với sự tổng hợp các chức năng (chiếm 15.7%)

Phạm Duy Nghĩa đã sử dụng đoạn miêu tả với chức năng này trong

Cơn mưa hoa mận trắng:

“Từ ngày lên Kin Chu Phìn, Thuận luôn có cảm giác sống trong một thế giới bưng bít, biệt lập. Căn nhà lợp tranh bé nhỏ của chị nép mình cạnh rừng vầu. Gian ngủ liền vách với lớp học. Những đêm xuân, Thuận nằm nghe tiếng dúi gặm măng gồn gột sau nhà. Quanh năm sương mù vón lại trên núi Rú. Ngọn núi xám ngắt toả khí lạnh buốt, nhô ra bức thành đá sứt sẹo, lởm chởm, phủ cây dại bùng nhùng. Lâu lâu, từ núi vọng về một âm thanh đục ngầu của đá lở. Gió rít lục ục trong rừng vầu đắng, rừng nứa ngộ, nghe như nghẽn lại trong tầng lá rầm rì. Những buổi chiều vào rừng nhặt củi, Thuận thấy loi nhoi trong sương một đôi bóng áo chàm. Các cô bé người Dao lúi húi chặt cây cô, cắt cỏ ngựa. Tí tuổi đầu mà chiếc lù cở sau lưng chất đầy những khúc củi to gộc, dài gấp đôi thân người. Trên lối về thôn, trong ánh tà xanh lam nhập nhoạng, các cô bé lầm lũi bước. Những khuôn mặt nhem nhuốc lúc nào cũng buồn…”

45

Trước hết, chúng ta nhận thấy đoạn miêu tả trên tác giả đã sử dụng chức năng thẩm mĩ, thuộc tiểu loại chức năng trang trí, miêu tả khung cảnh thiên nhiên vùng Kin Chu Phìn. Thiên nhiên nơi đây không lãng mạn, đẹp mắt mà rất lạnh lẽo, quanh năm sương mù. Những buổi chiều với không khí âm u, cây dại bùng nhùng, cảm giác lạnh buốt. Con người nơi đây phải làm việc vất vả, từ những đứa trẻ nhỏ xíu nhưng cũng biết đi lấy củi, mang những cành củi to gấp hai lần mình. Cuộc sống khó khăn vất vả cũng như thiên nhiên rất hùng vĩ nhưng lạnh lẽo vô cùng.

Không chỉ thế, đoạn văn còn được tác giả sử dụng với chức năng dự báo trước những sự kiện sẽ xảy ra tiếp theo. Thuận sống ở một nơi heo hút, làm nghề dạy học cho những đứa trẻ vùng cao, nhưng cô không được tiếp xúc nhiều với con người miền xuôi, cô đã thấm thía nỗi sợ, nỗi buồn của người giáo viên cắm bản. Con người với những ham muốn đời thường nhất, nhưng với Thuận điều đó cũng là thứ xa xỉ. Là người giáo viên cắm bản cô chịu nhiều mất mát, hi sinh khi phải xa chồng, xa con. Và Thuận cũng là người đàn bà đang ở thời kì sung mãn thì việc cắm bản với cô càng khó khăn, muốn về biết bao. Khi có Kiên - người sinh viên lên tham gia chiến dịch chống mù chữ sáu tháng ở vùng cao Thuận như vui hơn, như trẻ hơn. Cô giáo có vẻ đẹp của người đàn bà, cũng có sự ham muốn đời thường nhất nhưng cuối cùng cô cũng giữ mình. Tất cả những khó khăn của người giáo viên nơi vùng cao được tác giả thể hiện chi tiết qua các đoạn văn khác trong truyện. Nhưng chỉ cần đọc đoạn miêu tả đầu tác phẩm mà người đọc cũng có thể hình dung ra những khó khăn mà Thuận sẽ phải trải qua trong công việc của người giáo viên vùng cao này.

Hơn nữa, đoạn miêu tả này còn có chức năng tổ chức văn bản. Nó giúp người đọc có những thông tin trực tiếp về sự kiện. Ở đây cảnh vật thông tin trực tiếp về đối tượng theo xu hướng tương đồng. Chúng ta dễ dàng nhận thấy

46

cảnh vật hiện lên ảm đạm, lạnh lẽo cũng như tâm trạng nhận vật. Điều đó được thể hiện qua các từ như: núi xám ngắt, toả khí lạnh buốt, gió rít lục ục, tầng lá rầm rì…

Như vậy, đoạn miêu tả này có sự kết hợp của cả chức năng tổ chức văn bản, chức năng dự báo và chức năng thẩm mĩ. Với sự kết hợp của nhiều chức năng trong một đoạn miêu tả đã tạo ra sự cuốn hút và hấp dẫn cho tác phẩm.

Cũng có thể lấy một ví dụ một đoạn miêu tả khác trong truyện ngắn Bồ

công anh nở bên hồ nước trong của Y Ban:

“Lần đi này tôi được đến một vùng đất có những cái hồ tuyệt đẹp. Tôi được sống trong căn nhà gỗ bên cạnh một cái hồ. Một cái hồ không rộng lắm, nước trong veo, phẳng lặng. Bên kia hồ được viền bởi những rặng cây xanh thắm. Buổi sáng ánh mặt trời chói chang chiếu thẳng xuống mặt nước. Một làn khói mờ mờ bốc lên rồi loang nhanh trên mặt hồ, chưa đủ để tạo nên sự mờ ảo. Đôi uyên ương bay vụt ra khỏi đám sậy, đập cánh mạnh như sắp sửa bay vút lên không trung. Cũng chỉ đủ cho người khác vừa tưởng rằng chúng sẽ bay vào bầu trời chúng đã đáp ngay xuống mặt hồ, sung sướng rỉa cánh và nhảy bổ vào nhau. Tôi mê đắm cảnh thiên nhiên. Tôi đi bộ men theo bờ hồ, trên bãi cỏ đẫm sương và chưa có lối mòn. Tôi mê đắm những bông hoa vàng trên bãi cỏ xanh…”

Cảnh vật ở đây được miêu tả phù hợp với tâm trạng của nhân vật: nước

trong veo, rặng cây xanh thắm, ánh mặt trời chói chang, đôi uyên ương… Đó là

tâm trạng vui sướng của nhân vật tôi khi “vừa có một chuyến đi kì lạ”. Tâm trạng tươi vui, phấn khởi khi được ở một nơi có cảnh đẹp nên khung cảnh thiên nhiên nơi đây cũng rất đẹp. Đó là hồ nước với làn nước trong veo, có những rặng cây xanh thắm cũng như đôi uyên ương bên hồ nước. Khung cảnh tươi đẹp, con người mê đắm nó, hoà mình vào trong nó. Đó chính là chức năng tả cảnh ngụ tình của đoạn văn - cụ thể là cảnh được miêu tả tương đồng với đối tượng.

47

Bên cạnh chức năng ngụ tình, cảnh vật ở đây còn mang chức năng dự báo. Khung cảnh tuyệt đẹp dự báo cho một tình cảm đẹp sẽ có ở nơi đây, vùng đất có những cái hồ tuyệt đẹp và có cả một câu chuyện tình độc đáo. Câu chuyện tình yêu của tác giả hay của “một ai đó” nói cho tác giả biết để ghi lại. Tất cả đều không quan trọng. Điều quan trọng chính là tâm trạng tươi vui, tình cảm dạt dào của con người.

Ngoài ra đoạn miêu tả còn có chức năng trang trí. Thiên nhiên được miêu tả rất trong sáng, tươi vui, gợi sự yên bình. Cảnh vật như đang hoà cùng niềm vui với con người: hàng cây xanh thắm, đôi uyên ương vút bay, sung sướng rỉa cánh, nhảy bổ vào nhau, bãi cỏ đẫm sương… Bằng những ngôn từ đẹp, bức tranh thiên nhiên được miêu tả vô cùng tươi đẹp và tràn đầy sức sống đã tạo nên chất thơ, chất nhạc cho đoạn văn miêu tả của Y Ban.

Như vậy, cùng một lúc đoạn miêu tả có sự kết hợp của ba chức năng: chức năng ngụ tình, chức năng dự báo và chức năng trang trí. Sự kết hợp này đã tạo nên sự cuốn hút và hấp dẫn cho tác phẩm.

48

KẾT LUẬN

1. Văn xuôi đương đại Việt Nam, nhất là truyện ngắn đương đại có những điểm khác biệt lớn so với văn học hiện đại cũng như văn học trung đại. Các nhà văn đương đại đã dùng tài năng của mình làm cho văn xuôi đương đại có sự khởi sắc lớn. Những truyện ngắn mang tính triết lí cao giúp cho người đọc có những nhận thức mới về cuộc sống, về con người.

2. Từ trước đến nay, các tác phẩm nghiên cứu về chức năng của đoạn miêu tả thường nghiên cứu về các tác phẩm của các nhà văn hiện đại. Hướng tiếp cận của chúng tôi với các tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam là một hướng tiếp cận rất mới mẻ, mang tính khám phá, và nó thực sự là một hướng đi cần thiết trong việc góp phần tìm hiểu sâu sắc nội dung tác phẩm, tìm hiểu cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ văn chương. Cùng với các phương tiện, các biện pháp tu từ khác, việc sử dụng đoạn miêu tả giúp nhà văn nói lên tính thời sự, tính triết lí của các sự kiện xảy ra trong đời sống hiện đại. Con người với những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của mình không thể không có văn chương. Chính những tác phẩm văn xuôi đương đại giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về cuộc sống, cũng như những tình cảm cao đẹp của con người.

3. Qua việc nghiên cứu “Chức năng của đoạn miêu tả trong truyện ngắn đương đại Việt Nam” ta cũng thấy được những tâm hồn đẹp, những khó khăn vất vả mà con người trong xã hội hiện đại phải gặp phải, trải qua. Tất cả làm nên muôn mặt của cuộc sống, giúp cho người đọc có sự chuẩn bị tâm lí cho những vấn đề của cuộc sống và làm cho con người biết yêu nhau, quý trọng nhau hơn.

4. Nghiên cứu về đoạn miêu tả trong các truyện ngắn đương đại Việt Nam về phong cách học văn bản là một đề tài rộng và mới. Do giới hạn, phạm vi nghiên cứu đề tài này chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu vấn đề nhỏ là chức

49

năng của đoạn miêu tả. Tuy nhiên, xuất phát từ mục đích cho việc học tập và giảng dạy sau này chúng tôi hi vọng đề tài này sẽ là cơ sở giúp bản thân có sự hiểu biết sâu sắc về đoạn miêu tả cũng như góp phần tìm hiểu cái hay, cái đẹp cũng như nội dung tư tưởng trong các sáng tác của các nhà văn đương đại. Mặt khác, chúng tôi muốn đưa ra một cách tiếp cận tác phẩm văn xuôi từ góc độ phong cách học, nghĩa là từ nghệ thuật ngôn ngữ đến hình tượng, tư tưởng, chủ đề tác phẩm.

Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ nói chung và chức năng của đoạn miêu tả trong truyện ngắn đương đại nói riêng là một đề tài hấp dẫn, phong phú, đa dạng mời gọi sự tìm hiểu, nghiên cứu của độc giả. Trong khuôn khổ thời gian có hạn, khoá luận của chúng tôi không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Chúng tôi mong nhận được sự góp ý của các Thầy Cô và bạn bè để chúng tôi hoàn thiện đề tài trong quá trình học tập và công tác sau này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Võ Bình - Cù Đình Tú - Nguyễn Thái Hoà (1982), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Trần Thanh Đạm (2002), Làm văn 10, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Nguyễn Thái Hoà (2000), Dẫn luận phong cách học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Đinh Trọng Lạc (1994), Phong cách học văn bản, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 5. Đinh Trọng Lạc (1994), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6. Phan Trọng Luận (2000), Làm văn 11, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 7. Phương Lựu (chủ biên), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 8. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển văn học, Nxb Đà Nẵng.

9. Nguyễn Khắc Phi (2004), Ngữ Văn 8 - tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 10. Nguyễn Khắc Phi (2004), Ngữ Văn 9 - tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 11.Đỗ Ngọc Thống (chủ biên), Làm văn, Nxb Đại học Sư phạm.

12.Cù Đình Tú (1983), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

13.Nguyễn Như Ý (1938), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hoá thông tin.

Một số trang web:

14.http://nguvan.hnue.edu.vn

Một phần của tài liệu Chức năng của đoạn miêu tả trong truyện ngắn việt nam đương đại (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(55 trang)