7. Cấu trúc của luận văn
3.1. Phương hướng giáo dục đạo đức cho học sinh các trường Trung
Trung học phổ thông Chuyên trên địa bàn thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An giai đoạn hiện nay
3.1.1. Quán triệt quan điểm chính trị, văn hóa và pháp luật về công tác giáo dục đạo đức cho học sinh
Trên thực tế, việc tuân thủ quan điểm chính trị, văn hóa và pháp luật của đất nước về công tác GDĐĐ cho học sinh không chỉ là phương hướng mà còn là nguyên tắc trong suốt quá trình GDĐĐ cho học sinh. Mục tiêu của phương hướng này là làm cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh hiểu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục về GDĐĐ cho học sinh nhằm đào tạo con người mới XHCN như mục tiêu giáo dục trong Luật Giáo dục đã đề ra.
Quan điểm chính trị, văn hóa và pháp luật thường có mối quan hệ qua lại với nhau, trong đó pháp luật là sự cụ thể hóa bằng các điều, khoản, gắn với hình phạt. Trong tình hình hiện nay, tuân thủ quan điểm chính trị về GDĐĐ là làm cho GDĐĐ và toàn bộ hoạt động giáo dục trong nhà trường đi đúng đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách của nhà nước về giáo dục. Thế hệ trẻ phải được giáo dục, đào tạo theo những chuẩn mực của con người mới, đạo đức mới và lối sống mới XHCN. Tuân thủ quan điểm chính trị chính là thực hiện GDĐĐ trên cơ sở những quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo của chính trị, của thế giới quan và hệ tư tưởng chính trị, là thể hiện mối liên hệ mật
thiết, không tách rời giữa giáo dục chính trị tư tưởng với GDĐĐ. Thế giới quan và hệ tư tưởng chính trị đang chi phối ý thức xã hội và đời sống tinh thần ở nước ta hiện nay là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động của cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh sự tuân thủ nguyên tắc, quan điểm về chính trị, GDĐĐ phải chú trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng của Đảng và của dân tộc. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt những nội dung giáo dục này là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đây là điểm cốt lõi, chủ đạo trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh mà ngày nay chúng ta phải khai thác và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn đổi mới. Bên cạnh đó, phải nâng cao công tác GDĐĐ cho các em thông qua việc thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, làm cho học sinh nhận rõ “đạo đức không phải từ trên trời sa xuống” (Hồ Chí Minh). Đấy chính là một khía cạnh quan trọng của các giá trị đạo đức mới được hình thành trong bối cảnh mới.
Cùng với các quan điểm về chính trị, đạo đức, nhà trường phải tuyên truyền phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật. Pháp luật là sự cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng. Bởi vậy, suy cho cùng, thực hiện đúng quy định của pháp luật chính là chấp hành nghiêm túc quan điểm chính trị của Đảng. Đối với học sinh THPT, việc giáo dục pháp luật phải hướng đến những vấn đề thiết thực, sát với sinh hoạt của các em như: Luật Giáo dục, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá...
Tuân thủ quan điểm của Đảng về chính trị, đạo đức và pháp luật chính là một hình thức củng cố vững chắc những điểm tựa tinh thần của chế độ, định hình rõ khuynh hướng chính trị tư tưởng tích cực trong nhà trường để thực hiện mục tiêu giáo dục XHCN, đào tạo thế hệ trẻ thành những người lao động sáng tạo, những công dân có ích cho đất nước.
3.1.2. Gắn giáo dục với tự giáo dục về đạo đức, giáo dục lý thuyết kết hợp giáo dục thực tiễn
Nói đến GDĐĐ là nói đến sự hình thành nhân cách. Nhân cách là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội, của hoạt động mà con người thực hiện trong những môi trường và điều kiện xác định, của quá trình giáo dục xã hội mà con người tiếp nhận đồng thời chuyển hóa thành tự giáo dục. Sự tương tác giữa giáo dục với tự giáo dục không chỉ in dấu ấn lên trình độ phát triển, nhân cách của con người mà còn là con đường và phương thức chủ yếu để con người hướng đến tương lai.
Giáo dục là quá trình tác động từ bên ngoài (qua một chủ thể) tới chủ thể người học. GDĐĐ cho học sinh là quá trình tác động tới tâm lí, tình cảm của học sinh, trong đó quan trọng là bồi dưỡng tình cảm đạo đức và trau dồi, tập luyện các hành vi, thói quen đạo đức. Phải có những tình cảm đạo đức mãnh liệt, con người mới tự mình có những thôi thúc nội tâm để hình thành cho chính mình nhu cầu đạo đức và văn hóa đạo đức, từ đó mới có thể chuyển từ giáo dục sang tự giáo dục, thực hiện sự đồng nhất giữa đối tượng giáo dục và chủ thể giáo dục trong chính bản thân mình. Đó là cơ sở đạo đức của tính tự giác và tự nguyện, cái mà nhà giáo dục vĩ đại Xukhômlinxki gọi là khát vọng trở nên tốt đẹp, là sự nảy nở khả năng dễ giáo dục ở mỗi con người.
Những tác động từ công tác GDĐĐ cho học sinh của nhà trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã tác động tới học sinh, dần từng bước làm cho học sinh có ý thức tự giác, có thói quen và nhu cầu tự rèn luyện. Đây là sự chuyển hóa giáo dục thành tự giáo dục. Nói cách khác, tự giáo dục là khả năng nhận biết và tự điều chỉnh nhận thức, tình cảm, hành vi đạo đức theo đúng chuẩn mực xã hội. Đó là năng lực tự nhận biết, tự đánh giá đạo đức từ mỗi hành vi của bản thân mình trong sự đối sánh với chuẩn mực được cộng đồng thừa nhận. Từ sự nhận thức ấy, mỗi học sinh gìn giữ và củng cố trong nội tâm và
hướng ra bên ngoài để đối xử với những người khác một cách đạo đức, với thái độ chân thành, sự tận tâm chu đáo. Bởi vậy, sự tự giáo dục của mỗi người luôn chiếm một vị trí không thể thay đổi trong quá trình hình thành nhân cách cho dù công tác giáo dục được đẩy mạnh, tăng cường tốt đến mức nào đi nữa.
Từ những phân tích trên, có thể thấy, trong GDĐĐ phải kết hợp giáo dục và tự giáo dục một cách khoa học. Công tác giáo dục là cần thiết nhưng phương hướng, định hướng để mỗi học sinh tự giáo dục mình còn quan trọng, cần thiết hơn. Bởi vì, mỗi học sinh đều gắn với nhiều không gian, môi trường sinh hoạt với các mối quan hệ khác nhau, nếu thiếu ý thức tự giáo dục, học sinh rất dễ vi phạm đạo đức, chuẩn mực của xã hội. Từ đó, có sự xung đột giữa những nội dung mà nhà trường giáo dục với sự ý thức, hành vi của bản thân.
Bên cạnh gắn giáo dục với tự giáo dục về đạo đức, để GDĐĐ đạt kết quả tốt cần phải chú trọng tới phương hướng giáo dục lý thuyết kết hợp với giáo dục thực tiễn. Giáo dục lý thuyết đó là cách truyền đạt các khái niệm, các phạm trù về đạo đức tới học sinh như: lòng yêu nước, yêu gia đình, tình đoàn kết, tình thương người, ý chí vượt lên khó khăn... Giáo dục thực tiễn được hiểu ở nhiều mức độ, khía cạnh. Thực tiễn ở đây là những vấn đề, những tình huống cụ thể trong đời sống xã hội, chẳng hạn một con người thể hiện tình yêu thương người khác bằng hành động nhường cơm, sẻ áo. Lúc này, học sinh là người quan sát về tình huống. Ở khía cạnh khác, giáo dục thực tiễn còn được hiểu là học sinh thành chủ thể thực hiện trong thực tiễn. Lúc này các em được đặt vào các tình huống cụ thể, bắt buộc phải thể hiện bằng hành động. Chẳng hạn, giáo dục về lòng yêu nước trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 xuống khu vực biển thuộc chủ quyền của nước ta, phải làm học sinh thể hiện bằng các hành động như phản đối Trung Quốc, ca ngợi biển đảo quê hương.
Tóm lại, giáo dục lý thuyết kết hợp với giáo dục thực tiễn là làm cho học sinh hiểu các bài học về đạo đức thông qua các khái niệm quen thuộc đồng thời làm cho học sinh phải thực hành chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức ngay trong thực tiễn. Ở đây, GDĐĐ thông qua các phong trào, các cuộc vận động, các hoạt động tập thể đóng vai trò rất quan trọng.
3.1.3. Tôn trọng đặc điểm đối tượng học sinh trường Trung học phổ thông Chuyên
Bất cứ một sự tác động nào từ khách thể tới chủ thể cũng phải tính toán kỹ, nắm chắc đối tượng chịu sự tác động. Ở đây, trong việc GDĐĐ cho học sinh, học sinh là các chủ thể chịu sự tác động. Bởi vậy, khi tiến hành các giải pháp nâng cao chất lượng GDĐĐ cho học sinh trường THPT Chuyên cần phải căn cứ và tôn trọng đặc điểm của học sinh.
Học sinh trường THPT Chuyên có ưu điểm cơ bản đó là: trí tuệ phát triển cao; ý thức độc lập thể hiện khá rõ rệt; tinh thần, ý chí trong học tập vững vàng; đa số các em đều chăm ngoan, thực hành đạo đức tốt, là những người con ngoan trong các gia đình.
Bên cạnh những ưu điểm trên, học sinh trường THPT Chuyên còn có các hạn chế sau:
- Do phần lớn thời gian các em tập trung cho việc học tập nên đa số học sinh thường yếu về kỹ năng sống, khả năng ứng xử, xử trí các tình huống đời sống đặt ra thường kém, thiếu linh hoạt
- Đa số học sinh thường tách biệt khỏi hoạt động, sinh hoạt cộng đồng. Từ đây cho thấy, vai trò của nhà trường trong việc GDĐĐ cho các em là rất quan trọng. Bởi vì, nhà trường không chỉ là nơi đặt ra các quy định, buộc các em phải tuân theo mà còn là nơi điều phối, cân đối quỹ thời gian để đào tạo các em theo khuynh hướng đào tạo toàn diện gồm: đức - trí - thể - mỹ.
- Do ý thức tự lập, nỗ lực của bản thân tương đối cao nên khả năng làm việc theo nhóm, kết nối nhóm bạn của học sinh trường THPT Chuyên thường
kém. Trong khi đó, xu thế phát triển hiện nay, tinh thần làm việc theo nhóm được có vai trò rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển của một tập thể, rộng hơn là một quốc gia. Vì thế mới có châm ngôn “khi chúng ta đồng lòng, không gì là không thể”. Có thể nói, trong bối cảnh mới, đây được xem như một giá trị mới của thời đại. Bởi thế, mỗi người cần phải trau dồi và cố gắng liên kết, tạo tinh thần làm việc theo nhóm để hòa đồng với mọi người, cùng mọi người hướng đến các mục tiêu lớn hơn của tập thể.
Trên cơ sở phân tích, nắm kỹ những đặc điểm căn bản của học sinh trường THPT Chuyên, các chủ thể tham gia vào quá trình GDĐĐ cho học sinh cần phải lấy đó làm một trong những căn cứ quan trọng, đồng thời là phương hướng cho hoạt động GDĐĐ cho các em. Trong quá trình này, các chủ thể giáo dục cũng cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ đặc điểm thời đại, các giá trị đạo đức mới phát sinh, từ đó đối chiếu với học sinh THPT để chỉ ra đâu là ưu điểm, đâu là hạn chế để đưa ra giải pháp phù hợp, mang lại hiệu quả.