1. Kết luận:
Qua quá trình giảng dạy tác phẩm văn học trung đại lớp 11, tôi nhận thấy rằng tích hợp là quan điểm chỉ đạo và là phương pháp dạy học đúng đắn và mang lại hiệu quả trực tiếp cho một giờ đọc hiểu tác phẩm văn học trung đại lớp 11 nói
riêng và việc đọc hiểu các tác phẩm văn học trung đại trong chương trình SGK Ngữ văn trung học phổ thông nói chung.
Việc tích hợp kiến thức lịch sử là rất cần thiết đối với trong một giờ đọc hiểu tác phẩm văn học trung đại lớp 11. Tuy nhiên để phương pháp này được vận dụng hiểu quả và đúng với tinh thần của việc dạy học tích hợp, liên môn, trong quá trình soạn giảng, giáo viên cũng cần chú ý một số nguyên tắc như:
Ý thức rõ mối quan hệ giữa lịch sử và văn học, thấy được sự vận động của lịch sử và văn học có phần trùng khít bởi văn học là tấm gương lớn phản chiếu cuộc sống.
Tích hợp phải có tính chất liên môn, liên lớp học để HS thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa những nội dung kiến thức đã học, mỗi nội dung kiến thức đã học không tồn tại riêng lẻ, rời rạc mà bổ sung và soi chiếu cho nhau.
Cần xác định rõ mục tiêu, trọng tâm của bài học để biết được tích hợp vào nội dung nào thì phù hợp, tích hợp bao nhiêu là đủ nói cách khác là tích hợp cần có chọn lọc và chừng mực để tránh sa đà sang một giờ dạy học lịch sử hay làm loãng đi giá trị văn học cũng như trọng tâm kiến thức của một giờ học văn.
Cuối cùng, GV cần tránh sa vào hình thức, máy móc dẫn đến sự nhàm chán, đơn điệu trong quá trình tích hợp, làm giảm hiệu quả và ý nghĩa của phương pháp giáo dục này. Vì vậy, GV phải luôn thay đổi hình thức tích hợp để tạo hứng thú và kích thích năng lực học tập của học sinh.
2. Kiến nghị:
Để hướng dạy học tích hợp, liên môn trong giảng dạy tác phẩm trung đại lớp 11 đạt được hiệu quả như mong muốn, bản thân tôi mạnh dạn đề xuất một số kiến nghị sau:
Về phía HS, các em cần ý thức được tầm quan trọng của việc liên hệ kiến thức lịch sử vào một giờ học văn. Mỗi HS cần chú trọng tự trau dồi, nâng cao trình độ, hiểu biết về lịch sử để hiểu và cảm thụ sâu sắc hơn về tác phẩm văn học trung đại lớp 11.
Về phía GV, GV giảng dạy hai bộ môn Ngữ văn và bộ môn Lịch sử cần có sự trao đổi, hỗ trợ nhau trong quá trình dạy học để HS qua những kiến thức lịch sử sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm văn học trung đại và qua những tác phẩm văn học trung đại sẽ khắc sâu hơn những hiểu biết lịch sử của mình.
Về phía nhà biên soạn SGK, cần tăng thời lượng cho bài đọc thêm Chạy giặc, Xin lập khoa Luật, đểviệc tìm hiểu một thể loại văn học trung đại không mang tính chất cưỡi ngựa xem hoa
Cần có sự thống nhất về thông tin trong SGK lịch sử 11 và SGK văn học 10 để tránh thái độ hoài nghi của HS trước thông tin được coi là chính thống, ví dụ về thông tin năm sinh, năm mất của Nguyễn Trường Tộ, trong SGK Ngữ văn ghi (1830-1871), còn trong SGK Lịch sử lại ghi (1828-1871).
Trong SGK lịch sử lớp 11, phần lịch sử Việt Nam nên được tìm hiểu trước ở học kì 1, còn phần lịch sử nước ngoài sẽ tìm hiểu ở học kì 2, để có sự tương thích về mặt thời gian thuận tiện hơn cho việc tích hợp, liên môn trong cả hai môn học lịch sử và văn học.
Với những đề xuất cụ thể về việc liên hệ, tích hợp kiến thức lịch sử vào giảng dạy tác phẩm văn học trung đại lớp 11, tôi hi vọng sẽ chia sẻ được những kinh nghiệm ít ỏi của mình cho những đồng nghiệp có tâm huyết đã, đang và sẽ dạy những tác phẩm này. Sáng kiến kinh nghiệm này đã cho tôi tin tưởng vào khả năng rộng mở của hướng dạy học tích hợp, liên môn. Đó không chỉ là tích hợp lịch sử mà còn tích hợp địa lí, văn hóa, giáo dục công dân…; không chỉ tích hợp vào giảng dạy những tác phẩm văn học trung đại mà còn cả những tác phẩm văn học hiện đại. Với đề tài này, tôi rất mong nhận được sự góp ý và đối thoại về kinh nghiệm giảng dạy tác phẩm văn học trung đại lớp 11 của các bạn đồng nghiệp để việc giảng dạy những tác phẩm này ngày càng đạt hiệu quả cao.