1.6.1 Giao kết HĐUTMBHH
1.6.1.1 Khái niệm giao kết
Giao kết hợp đồng là việc các bên bày tỏ ý chí với nhau theo những nguyên tắc và trình tự nhất định để thông qua đó xác lập các quyền, nghĩa vụ.
1.6.1.2 Đề nghị giao kết hợp đồng
Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể [§ 390.1 BLDS ].
Như vậy, đề nghị giao kết hợp đồng có bản chất là hành vi pháp lý đơn phương của một chủ thể, có nội dung bày tỏ ý định giao kết hợp đồng với chủ thể khác theo những điều kiện đã xác định.
Trong giao kết HĐUTMBHH, bên đề nghị giao kết hợp đồng là bên uỷ thác, có nhu cầu mua hoặc bán hàng hoá nhất định bày tỏ ý định giao kết hợp
đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này với bên trung gian (bên nhận uỷ thác) là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hoá được đề nghị uỷ thác theo những điều khoản được xác định trong đề nghị giao kết hợp đồng.
BLDS và LTM không quy định hình thức của đề nghị giao kết HĐUTMBHH, vì vậy căn cứ vào các quy định của BLDS về hình thức của hợp đồng dân sự để xác định hình thức của đề nghị hợp đồng, theo đó đề nghị hợp đồng có thể được thể hiện bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể hoặc kết hợp giữa các hình thức này.
Đề nghị hợp đồng được gửi đến cho một hoặc nhiều thương nhân trung gian có đăng ký kinh doanh phù hợp vơí hàng hoá được đề nghị uỷ thác. Hiệu lực của đề nghị giao kết HĐUTMBHH được bên uỷ thác xác định. Nếu bên uỷ thác không ấn định thì đề nghị giao kết HĐUTMBHH có hiệu lực khi bên nhận uỷ thác nhận được đề nghị đó. Các trường hợp sau đây được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:
Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên nhận uỷ thác là cá nhân; được chuyển đến trụ sở nếu bên nhận uỷ thác là pháp nhân;
Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên nhận uỷ thác; Khi bên nhận uỷ thác biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác [§ 391 BLDS].
Nội dung của đề nghị giao kết HĐUTMBHH không được quy định cụ thể, như vậy, dựa trên các quy định của BLDS về nội dung HĐDS, nội dung của đề nghị giao kết HĐUTMBHH có thể bao gồm những vấn đề chủ yếu sau:
Hàng hóa được đề nghị uỷ thác mua, bán; các điều khoản cụ thể về số lượng, chất lượng, quy cách, giá cả; thù lao đề xuất; thời điểm có hiệu lực của đề nghị hợp đồng; các trường hợp thay đổi, rút lại, huỷ bỏ hoặc chấm dứt hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng.
Bên uỷ thác chịu trách nhiệm về đề nghị giao kết được đưa ra. Trong thời hạn đề nghị hợp đồng có hiệu lực nếu bên nhận uỷ thác thông báo chấp
nhận vô điều kiện đề nghị hợp đồng thì HĐUTMBHH hình thành và ràng buộc các bên, nếu các bên không thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm pháp lý về vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.
Bên uỷ thác có thể thay đổi hoặc rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong các trường hợp:
Nếu bên nhận uỷ thác nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;
Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên uỷ thác có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.
Khi bên uỷ thác thay đổi nội dung của đề nghị thì đề nghị đó được coi là đề nghị mới [§ 392 BLDS].
Trong trường hợp bên uỷ thác thực hiện quyền huỷ bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên nhận uỷ thác và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên nhận uỷ thác nhận được thông báo trước khi bên nhận uỷ thác trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng [§ 393 BLDS ].
Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp: Bên nhận uỷ thác trả lời không chấp nhận;
Hết thời hạn trả lời chấp nhận;
Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực; Khi thông báo về việc huỷ bỏ đề nghị có hiệu lực;
Theo thoả thuận của bên uỷ thác và bên nhận uỷ thác trong thời hạn chờ bên nhận uỷ thác trả lời [§ 394 BLDS].
1.6.1.3 Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị [§ 396 BLDS].
Trong giao kết HĐUTMBHH, chấp nhận đề nghị giao kết là việc bên trung gian (bên được đề nghị chấp nhận uỷ thác) trả lời về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.
Thời hạn trả lời chấp nhận đề nghị giao kết HĐUTMBHH được xác định: Khi bên uỷ thác có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên uỷ thác nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.
Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên uỷ thác biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên uỷ thác trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên nhận uỷ thác. Khi các bên trực tiếp giao kết với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua các phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp có thoả thuận về thời hạn trả lời [§ 397 BLDS].
Bên nhận uỷ thác có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên uỷ thác nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng [§ 400 BLDS].
1.6.1.4 Thời điểm giao kết hợp đồng
Về nguyên tắc chung, HĐUTMBHH được giao kết vào thời điểm các bên đạt được thoả thuận.
LTM quy định, hình thức của HĐUTMBHH phải được lập thành văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, do vậy thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản.
Đối với hợp đồng được giao kết bằng các hình thức có giá trị pháp lý tương đương (hay giao kết gián tiếp bằng văn bản) thời điểm đạt được sự thoả
thuận được xác định theo thuyết “ tiếp nhận”, theo đó hợp đồng được giao kết khi bên uỷ thác nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng [§ 404. 1; 4 BLDS], chấp nhận thực hiện công việc mua, bán hàng hoá theo các điều kiện đề nghị của bên uỷ thác.
Trong giao kết hợp đồng nói chung cũng như HĐUTMBHH, sự im lặng của bên được đề nghị cho đến khi đã hết thời hạn trả lời cũng có thể là căn cứ xác định hợp đồng đã được giao kết nếu có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng [§ 404.2 BLDS].
1.6.2 Thực hiện HĐUTMBHH
1.6.2.1 Khái niệm thực hiện hợp đồng
Thực hiện hợp đồng là việc các bên tiến hành các hành vi mà mỗi bên tham gia hợp đồng phải thực hiện trên cơ sở nghĩa vụ đã thoả thuận nhằm đáp ứng các quyền tương ứng của bên kia.
1.6.2.2 Thực hiện HĐUTMBHH
Sau khi ký kết HĐUTMBHH, các điều khoản trong hợp đồng sẽ có hiệu lực ràng buộc với các bên. Tuỳ thuộc vào hợp đồng uỷ thác ký kết giữa bên uỷ thác và bên nhận uỷ thác về loại hàng hoá mua hoặc bán mà phát sinh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng khác nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp HĐUTMBHH không có thoả thuận hoặc thoả thuận trái với quy định của pháp luật, các bên trong quan hệ UTMBHH phải tuân thủ các quyền, nghĩa vụ pháp luật quy định. Trong hợp đồng song vụ, việc thực hiện nghĩa vụ của chủ thể phía bên này là đáp ứng các quyền của chủ thể phía bên kia.
1.6.2.2.1 Nghĩa vụ của bên nhận uỷ thác [§ 165 LTM]
- Thực hiện việc mua bán hàng hoá theo thoả thuận trong HĐUTMBHH.
Đây là nghĩa vụ cơ bản, quan trọng nhất của bên nhận uỷ thác. Việc mua hay bán hàng hoá xuất phát từ nhu cầu của bên uỷ thác, đó là cơ sở, là điều kiện để xác lập và thực hiện hợp đồng dịch vụ có thù lao, do vậy tuân thủ
đầy đủ các thoả thuận trong hợp đồng uỷ thác về công việc MBHH là yêu cầu bắt buộc đối với bên nhận uỷ thác. Bên nhận uỷ thác cần thực hiện đúng các thoả thuận với bên uỷ thác về việc giao kết cũng như thực hiện hợp đồng với bên thứ ba.
Nghĩa vụ này loại trừ trường hợp bên nhận uỷ thác ký hợp đồng với bên thứ ba vi phạm các quy định của hợp đồng uỷ thác, ví dụ: ký hợp đồng (bán hàng) thấp hơn giá do bên uỷ thác ấn định trong hợp đồng, khi đó trách nhiệm đền bù thiệt hại thuộc về bên nhận uỷ thác. Đây được xem là hành vi vi phạm chỉ dẫn của bên uỷ thác [§ 165.3 LTM].
Tuy nhiên, việc vi phạm chỉ dẫn đó không gây thiệt hại mà lại làm lợi cho bên uỷ thác thì LTM không quy định. Chẳng hạn như, bên nhận uỷ thác ký hợp đồng mua hàng với giá thấp hơn giá xác định trong hợp đồng uỷ thác. Trong thực tế, phần lợi nhuận chênh lệch này có thể được thoả thuận để phân chia. Tuy vậy, với những hợp đồng có giá trị lớn, tỷ lệ lợi nhuận ở mức cao, điều này lại không dễ được thoả thuận trên bàn đàm phán. Trong trường hợp đó, tranh chấp nảy sinh không phải là không có căn cứ. Đây cũng là điểm cần sửa đổi, bổ sung của LTM 2005.
Bên nhận uỷ thác ký hợp đồng mua, bán hàng hoá với bên thứ ba và phải tự mình thực hiện hợp đồng uỷ thác mua hay bán hàng hoá đã ký, không được uỷ thác lại cho bên thứ ba thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có sự chấp thuận bằng văn bản của bên uỷ thác [§ 160 LTM].
- Thông báo cho bên uỷ thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện HĐUTMBHH.
Những vấn đề có liên quan đến việc thực hiện HĐUTMBHH có thể được quy định cụ thể trong hợp đồng hoặc ghi chú ở phụ lục kèm theo.
Trong thực tế, những vấn đề liên quan này được hiểu là những biến động thị trường về giá cả của hàng hoá được uỷ thác mua bán, những phản
hồi của người tiêu dùng về chất lượng hàng hoá, yêu cầu cụ thể của bên thứ ba, khả năng giao kết hoặc không giao kết được hợp đồng với bên thứ ba...
Thực tiễn hoạt động thương mại cho thấy, nghĩa vụ thông báo cho bên uỷ thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện HĐUTMBHH có ý nghĩa quan trọng. Pháp luật đã quy định nghĩa vụ thực hiện chỉ dẫn của bên uỷ thác đối với bên nhận uỷ thác, do vậy những biến động, phát sinh trong quá trình thực hiện HĐUTMBHH cần được thông báo đầy đủ, kịp thời để tránh hậu quả dẫn đến tranh chấp hợp đồng.
- Thực hiện những chỉ dẫn của bên uỷ thác phù hợp với thoả thuận.
Khi nhận được những chỉ dẫn cụ thể của bên uỷ thác, bên nhận uỷ thác cần thực hiện nghiêm chỉnh, trừ trường hợp chỉ dẫn đó trái với các quy định của pháp luật hoặc không phù hợp với HĐUTMBHH. Tuy nhiên, bên nhận uỷ thác cũng có thể không thực hiện chỉ dẫn của bên uỷ thác nếu việc thực hiện theo các chỉ dẫn này có khả năng gây thiệt hại cho bên uỷ thác và bên nhận uỷ thác không thể chờ xin chỉ dẫn mới của bên uỷ thác.
- Bảo quản những tài sản, tài liệu mà bên uỷ thác giao cho bên nhận uỷ thác để thực hiện công việc uỷ thác.
Bên nhận uỷ thác phải chịu trách nhiệm trước bên uỷ thác về sự mất mát, hư hỏng tài sản, tài liệu mà bên uỷ thác giao, ttrừ trường hợp chứng minh được những mất mát, hư hỏng xảy ra không do lỗi của bên nhận uỷ thác. VD. hàng hoá hư hỏng do lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất, mất mát do sự kiện bất khả kháng...
- Giữ bí mật về những thông tin có liên quan đến việc thực hiện HĐUTMBHH.
BLDS và LTM không quy định cụ thể bí mật thông tin liên quan đến việc thực hiện HĐUTMBHH. Theo quy định của Luật cạnh tranh 2004, thông tin được coi là bí mật kinh doanh khi có đủ 3 điều kiện:
(1) Không phải là hiểu biết thông thường;
(2) Có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin đó có lợi thế hơn so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng thông tin đó;
(3) Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Trong thực tiễn, những bí mật thông tin có liên quan đến việc thực hiện HĐUTMBHH được hiểu, nếu được tiết lộ có thể gây ảnh hưởng hay làm phương hại đến quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ hợp đồng. Chẳng hạn, bên uỷ thác muốn xây dựng một thị trường mới cho một loại hàng hoá còn ít được biết đến ở Việt Nam, để giữ bí mật và chiến lược kinh doanh đối với các đối thủ cạnh tranh, họ có thể yêu cầu bên nhận uỷ thác giữ bí mật về số lượng, chủng loại hàng hoá được uỷ thác mua.
Trong quá trình giao kết HĐUTMBHH, các bên có thể thoả thuận thông tin nào được coi là bí mật; nếu các bên không thoả thuận thì tuỳ vào điều kiện cụ thể để xem xét, song các thông tin đó phải liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của bên uỷ thác như, bí quyết, kế hoạch kinh doanh, chiến lược tiếp cận thị trường... Những thông tin này chưa được công bố công khai và đã được tiết lộ cho bên nhận uỷ thác trong khuôn khổ HĐUTMBHH.
- Thanh toán tiền hàng (nếu được uỷ thác bán hàng), giao hàng (nếu được uỷ thác mua hàng) cho bên uỷ thác theo đúng thoả thuận trong HĐUTMBHH.
Những vi phạm về nghĩa vụ thanh toán hoặc chuyển quyền sở hữu là những nguyên nhân cơ bản phát sinh tranh chấp trong hợp đồng.
LTM đã quy định cụ thể những trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán, chậm thanh toán [§ 306]; vi phạm nghĩa vụ giao hàng, địa điểm và thời hạn giao hàng [§ 35; 37]; thời điểm chuyển giao quyền sở hữu [§ 62]; kiểm tra hàng hoá trước khi giao [§ 44].
Để hạn chế tranh chấp phát sinh, các bên cần có những thoả thuận cụ thể về nghĩa vụ này khi giao kết HĐUTMBHH.
- Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên uỷ thác nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm đó có một phần lỗi của mình gây ra.
Đối với hợp đồng song vụ, trách nhiệm liên đới phát sinh khi việc thực hiện nghĩa vụ của một bên gây thiệt hại đến lợi ích của cá nhân, lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội, trong đó có một phần do lỗi của chủ thể phía bên kia.
Trong HĐUTMBHH, nếu bên uỷ thác uỷ nhiệm cho bên nhận uỷ thác mua hay bán hàng hoá trong diện hàng hoá cấm kinh doanh, khi thực hiện công việc uỷ thác dẫn đến vi phạm pháp luật, với lỗi cố ý hoặc vô ý, bên nhận uỷ thác phải liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật với bên uỷ thác trong phạm vi lỗi của mình. Trường hợp này được loại trừ khi vi phạm đó không có căn cứ lỗi của bên nhận uỷ thác.
1.6.2.2.2 Nghĩa vụ của bên uỷ thác
- Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết cho việc thực hiện HĐUTMBHH, kịp thời đưa ra các chỉ dẫn cụ thể, phù hợp với hợp đồng để bên nhận uỷ thác thực hiện công việc uỷ thác.