Mục tiêu và phạm vi tái cơ cấu DNNN

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý đặt ra từ việc tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước (Trang 32)

6. Bố cục của luận văn

1.2.2. Mục tiêu và phạm vi tái cơ cấu DNNN

1.2.2.1. Mục tiêu của tái cơ cấu DNNN

Tham khảo hoạt động tái cơ cấu DNNN ở một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nam Phi cho thấy, yêu cầu về tái cơ cấu DNNN ở các nước thường khác nhau và phụ thuộc vào thời điểm, bối cảnh kinh tế, chính trị - xã hội ở mỗi quốc gia, nhưng nhìn chung đều hướng đến mục tiêu tăng cường tính công khai minh bạch đối với các DNNN, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị doanh nghiệp, khả năng tiếp cận vốn, khả năng cạnh tranh và quản lý nhà nước đối với các DNNN, cụ thể:

- Tại Hungary, tái cơ cấu DNNN được xem là một quá trình chuyển đổi và định hướng các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang vận hành theo cơ chế thị trường. Điều này xuất phát từ những tồn tại của các DNNN như: cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung cao độ dẫn đến hiệu quả hoạt động kém, năng suất lao động thấp và thiếu cạnh tranh ở các DNNN; tỷ lệ nợ cao trong các doanh nghiệp và các công ty con; cơ chế cấp ngân sách thuận lợi dành cho các doanh nghiệp đã thủ tiêu động lực phát triển.[4, Tr21]

- Tại Hàn Quốc: Sau khủng hoảng tài chính năm 1997, Hàn Quốc đẩy mạnh tư nhân hóa cùng với đổi mới quản lý và tái cơ cấu các DNNN, trong đó các tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc cũng là trọng tâm của cuộc cải cách, nhằm tăng cường quản trị DNNN, giảm rủi ro đầu tư công thông qua quá trình tư nhân

hóa, hạn chế độc quyền tự nhiên, mở rộng khả năng cạnh tranh và ổn định môi trường chính trị - xã hội.[4, Tr21]

- Trung Quốc bắt đầu quá trình cải cách DNNN cùng với quá trình cải cách và mở cửa nền kinh tế và đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc ra nhập WTO năm 2001 và với việc thành lập Ủy ban quản lý giám sát tài sản Trung Quốc (SASAC) năm 2003, quá trình tái cơ cấu DNNN được đẩy mạnh. Tái cơ cấu DNNN nhằm tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo, dẫn dắt của kinh tế nhà nước; kiên trì khuyến khích, hỗ trợ và chỉ đạo đối với sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, khuyến khích và ủng hộ các thành phần kinh tế khác tham gia vào việc điều chỉnh vốn nhà nước và tái cơ cấu DNNN.[21]

- Nam Phi đã thông qua kế hoạch tổng thể về tái cơ cấu DNNN năm 1999 trong khuôn khổ chương trình tái thiết và phát triển nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chống lại hành vi độc quyền và góp phần ổn định tình trạng tài chính của đất nước; tiếp tục nhấn mạnh vai trò của DNNN trong phát triển kinh tế quốc gia, đồng thời coi trọng cải cách thể chế.[4, Tr21]

Ở Việt Nam, mục tiêu của hoạt động tái cơ cấu DNNN được thể hiện cụ thể trong Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015” như sau:

- DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

- Nâng cao sức cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản

phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh đối với doanh nghiệp hoạt động công ích.

1.2.2.2. Phạm vi tái cơ cấu DNNN

Phạm vi tái cơ cấu DNNN cần phải được thực hiện một cách toàn diện, đối với hệ thống DNNN, bao gồm 4 phương diện chính: ngành nghề kinh doanh, tài chính doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó, mỗi tập đoàn, tổng công ty phải xây dựng cho mình được một đề án tái cơ cấu phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp, môi trường kinh doanh và định hướng phát triển.

(1) Tái cơ cấu theo ngành nghề, lĩnh vực

Đối với việc tái cơ cấu theo ngành nghề, lĩnh vực, cần xác định rõ vai trò của DNNN trong nền kinh tế. Phạm vi tái cơ cấu DNNN trong lĩnh vực và ngành nghề phải trên cơ sở rà soát lại mục tiêu chiến lược, ngành nghề kinh doanh (của công ty mẹ, công ty thành viên), trong đó chú ý đến thị trường, sản phẩm chính, môi trường kinh doanh bên trong và bên ngoài, điểm mạnh điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với dòng sản phẩm chính, xu hướng phát triển.

Kinh nghiệm một số nước cho thấy, nhà nước chỉ tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, có tính then chốt, cần vốn đầu tư lớn, những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm tốt thì nên đẩy nhanh cổ phần hóa, khuyến khích niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm tăng vốn cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp.

Tái cơ cấu DNNN cần tập trung trước hết vào các lĩnh vực ưu tiên sẽ đem lại hiệu quả cao hơn là vào toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế. Cụ thể:

- Trong cơ sở hạ tầng kinh tế, viễn thông, năng lượng, ngân hàng là những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng cần được đổi mới và thực hiện tái cơ cấu trước tiên;

- Hợp nhất hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty vào một số lĩnh vực chủ chốt, các ngành nghề kinh doanh có tính chuyên môn hóa cao;

- Định hướng nguồn lực vào ngành nghề kinh doanh chính.

Bên cạnh đó, việc tiến hành tư nhân hóa, cổ phần hóa các lĩnh vực, ngành nghề mà tư nhân thực hiện tốt; tăng cường mua bán và sát nhập các doanh nghiệp cũng là một việc quan trọng cần chú ý.

Để phân loại các DNNN theo ngành nghề, có thể tham khảo cách thức của Hàn Quốc đó là chia các DNNN thành ba nhóm và áp dụng chính sách tái cơ cấu từng phần khác nhau đối với mỗi nhóm. Cụ thể:

- Nhóm 1: Các DNNN chủ yếu hoạt động sản xuất kinh doanh và không cần có sự kiểm soát của nhà nước thì thực hiện tư nhân hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nhà nước tiếp tục nắm giữ các ngành nghề trọng điểm của quốc gia, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

- Nhóm 2: các DNNN chủ yếu hoạt động công ích (có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng), không tham gia đáng kể vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì tiếp tục duy trì phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, từng địa phương.

- Nhóm 3: các DNNN vừa hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa tham gia hoạt động công ích thì thực hiện tái cơ cấu toàn diện.[4,Tr23]

(2) Tái cơ cấu tài chính DNNN

Tái cơ cấu tài chính DNNN phải được thực hiện thông qua sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư vào DNNN trong các ngành được chọn và cổ phần hóa, xử lý nợ xấu trong các DNNN. Tức là cần có tầm nhìn dài hạn để nâng cao hiệu quả; tăng cường tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Ngoài ra, trong quá trình tái cơ cấu cũng cần chú trọng hơn đến các nhà đầu tư chiến lược cũng như thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời đảm bảo tính công khai minh bạch trong quá trình tái cơ cấu DNNN.

Để cải thiện được cơ cấu vốn, các doanh nghiệp cần xóa bỏ tình trạng bảo lãnh vay nợ trong nội bộ Tập đoàn; tập trung vào năng lực kinh doanh chính;

nâng cao trách nhiệm giải trình của các cổ đông nắm quyền kiểm soát và bộ phận quản lý. Cùng với đó, hạn chế đầu tư dàn trải ra ngoài ngành kinh doanh chính; ngăn chặn tình trạng đầu tư lòng vòng và các giao dịch gian lận giữa các công ty liên kết.

(3)Tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp

Tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính minh bạch trong quản lý doanh nghiệp, nâng cao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, giảm tối đa sự can thiệp của nhà nước đối với hoạt động quản trị điều hành của doanh nghiệp. Nhiều nước có quy định thực hiện tăng cường tính công khai minh bạch trong chế độ báo cáo tài chính với việc ban hành mẫu báo cáo thống nhất và áp dụng đối với tất cả các công ty mẹ và các công ty con thành viên; tăng cường hệ thống giám sát nội bộ thông qua việc yêu cầu các công ty nêm yết cần có ban kiểm toán nội bộ ví dụ như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nam Phi [4,Tr24).

Ngoài ra, một số nước còn áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao trách nhiệm của các thành viên quản lý DNNN như: tăng cường trách nhiệm giải trình của chủ tịch hồi đồng quản trị và ban giám đốc; yêu cầu có ít nhất một nửa số thành viên trong ban giám đốc là giám đốc độc lập bên ngoài; yêu cầu trong hội đồng quản trị có ít nhất một người là thành viên độc lập bên ngoài. Nam Phi còn cho phép áp dụng các hình thức quản trị doanh nghiệp mới như thành lập các hội đồng doanh nghiệp, đại hội công nhân viên chức, tách quyền sở hữu khỏi quyền tổ chức hoạt động kinh doanh

(4) Tái cơ cấu quản lý nhà nước và các DNNN

Nhà nước cần đổi mới quản lý đối với DNNN nhằm tạo điều kiện đầy đủ và đồng bộ để DNNN thực sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh; tăng cường quản lý DNNN theo cơ chế thị trường; hạn chế sự can thiệp của nhà nước đối với hoạt động của các Tập đoàn, tổng công ty; tăng cường

giám sát chặt chẽ các DNNN thông qua các báo cáo tài chính và người đại diện; xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát DNNN; ban hành quy tắc quản trị DNNN.

Mô hình quản lý nhà nước đối với DNNN cần phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu và người quản lý; cơ chế quản lý vốn, tài sản nhà nước tại DNNN. Tại một số nước, chức năng quản lý và giám sát do cơ quan quản lý thực hiện nhằm tách bạch vai trò chủ sở hữu và vai trò quản lý của nhà nước (như SASAC của Trung Quốc hoặc Vụ tài chính doanh nghiệp của Canada). Một số nước khác thành lập cơ quan kinh doanh (tổng công ty hoặc tập đoàn) vì mục tiêu lợi nhuận nhằm đảm bảo hiệu quả bảo tồn và phát triển vốn nhà nước (Singapore, Hungary, công ty đầy tư vốn và tài sản nhà nước của Trung Quốc).[4,Tr25]

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý đặt ra từ việc tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)