6. Bố cục của luận văn
1.2.1. Khái quát về tái cơ cấu DNNN
Tái cơ cấu có thể được hiểu là quá trình tổ chức lại, sắp xếp lại, điều chỉnh lại, cải tiến mô hình, cơ chế hoạt động và bố trí lại nguồn nhân lực. Xét trên bình diện doanh nghiệp, tái cơ cấu là quá trình tổ chức lại doanh nghiệp (phá sản, chấm dứt hoạt động, sát nhập, mua bán doanh nghiệp), là việc thay đổi căn bản về cơ cấu vốn, thay đổi chủ sở hữu, thay đổi hội đồng quản trị hay các lãnh đạo doanh nghiệp, thay đổi chiến lược kinh doanh, thị trường kinh doanh hay thay đổi sản phẩm và công nghệ.
Để hiểu rõ hơn về tái cơ cấu DNNN, chúng ta có thể xem xét việc tái cơ cấu theo chiều dọc, chiều ngang, vĩ mô, vi mô, quy mô và tính chất của tái cơ cấu như sau:
- Thứ nhất, tái cơ cấu theo chiều dọc nhằm cấu trúc lại các DNNN hướng vào ngành trọng điểm của đất nước, thiên về chất lượng, phát triển theo chiều sâu để nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo ra liên kết chuỗi trong toàn bộ quá trình sản xuất và hoạt động kinh doanh, đảm bảo tất cả các doanh nghiệp tham gia đều có lợi và có thị trường.
- Thứ hai, tái cơ cấu theo chiều ngang nhằm sắp xếp lại ngành theo hướng các ngành sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và có sức cạnh tranh cao; tăng cường sự kết nối, bổ sung cho nhau giữa các ngành, vùng thành một nền kinh tế thống nhất, hướng tới kết nối hiệu quả với khu vực và kinh tế thế giới.
- Thứ ba, trên phương diện vĩ mô, tái cơ cấu DNNN là quá trình điều chỉnh lại chính sách, khung pháp lý của nhà nước, điều chỉnh lại thị trường (bao gồm thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường tiền tệ và đầu tư…), điều chỉnh sắp xếp lại vấn đề sở hữu, mô hình, cơ chế giám sát, quản lý của nhà nước đối với DNNN.
- Thứ tư, trên phương diện vi mô, tái cơ cấu từng DNNN được tiến hành thông qua điều chỉnh lại sở hữu, mô hình, cơ chế hoạt động, quản lý, bố trí lại nguồn lực, xây dựng mô hình quản trị doanh nghiệp phù hợp với từng DNNN.
- Thứ năm, xét về quy mô và tính chất thì tái cơ cấu nhằm sắp xếp lại phạm vi hoạt động của doanh nghiệp theo đúng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính có quy mô phù hợp với vai trò và tầm quan trọng của DNNN trong những lĩnh vực trọng điểm và tính chất của ngành nghề.