Một số biện pháp tu từ 1 Biện pháp tu từ nhân hoá

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tập thơ trái đất và mặt trăng của Phan Tuy An (Trang 37)

Theo Đinh Trọng Lạc thì: “Nhân hoá (còn gọi là nhân cách hoá) là một biến thể của ẩn dụ trong đó người ta lấy những từ ngữ biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của con người để biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của đối tượng không phải con người, nhằm làm cho đối tượng được miêu tả trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn đồng thời làm cho người nói có khả năng bày tỏ tâm tư, thái độ của mình một cách kín đáo”. [8;63]

Sách giáo khoa ngữ văn 6 (chương trình mới) định nghĩa về phép tu từ nhân hoá như sau: nhân hoá là gọi hay tả con vật, cây cối, đồ vật... bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người, biểu thị những suy nghĩ, tình cảm của con người.

Thơ Phan Tuy An ghi lại tất cả những gì mà em nhận thấy được từ cuộc sống xung quanh mình. Em coi thiên nhiên, các loài vật, đồ vật như những người bạn có tính cách, tâm trạng, suy ngẫm. Bởi thế, đọc thơ Phan Tuy An người đọc dễ dàng nhận thấy mật độ em sử dụng biện pháp tu từ nhân hoá là chủ yếu. Có tất cả 29 bài thơ sử dụng biện pháp này.

Biện pháp tu từ nhân hoá khiến thế giới thiên nhiên, loài vật - đồ vật trong thơ Phan Tuy An thật sống động, tự nhiên. Thiên nhiên, loài vật - đồ vật trong cách cảm nhận của Phan Tuy An có những hành động “rất người”.

Có khi thiên nhiên, loài vật - đồ vật trong cái nhìn của Phan Tuy An có tâm trạng như con người. Quả bóng vốn chỉ là thứ đồ chơi vô tri, chỉ biết:

Lăn trên bãi cỏ

Qua chân nhiều người

Nhưng Phan Tuy An đã cảm nhận được nỗi khổ của quả bóng Lăn qua lăn lại

Lăn nhức cả đầu

Và em đã gán cho quả bóng tính cách, tâm trạng để quả bóng biết than phiền như người vậy:

Ôi thôi đừng đá Để tôi nghỉ ngơi

(Quả bóng than phiền)

Hay trong bài Trăng thương. Trăng vốn là một hình ảnh đẹp, gần gũi với trẻ thơ. Nhưng trăng biết thương nhớ thì thật là lạ. Mặt trăng được Phan Tuy An ví như một người “tốt bụng”, “muốn giúp người nghèo” đặc biệt là các bạn nhà nghèo”. Trăng còn sẵn sàng “biến” thành “hình tròn” để “cho các bạn đá”. Thật là sự liên tưởng ngộ nghĩnh:

Mặt trăng tốt bụng Muốn giúp nhiều người Các bạn nhà nghèo Không tiền mua bóng Trăng biến hình tròn Cho các bạn đá Còn ở ngoài đồng Các bác nông dân Gặt mệt trăng thương Trăng biến lưỡi liềm Gặt hộ các bác

(Trăng thương)

Trong bài Mặt trời, Phan Tuy An đã nhân hoá mặt trời để cho mặt trời biết chán chường:

Cứ đứng im một chỗ Mặt trời chán lắm rồi Liền bỏ trời đi chơi Thậm chí biết sợ:

Tối như đêm ba mươi Người la ó khắp nơi Mặt trời nghe sợ quá Chạy về chỗ của mình Thế rồi trời sáng lại

(Mặt trời)

Thiên nhiên, loài vật - đồ vật được nhân hoá có đời sống như con người. Phan Tuy An còn đem cách cư xử của bản thân trong cuộc sống hàng ngày gán cho nhân vật trữ tình trong thơ mình. Vì thế những nhân vật ở ngoài cuộc sống tưởng vô tri bước vào thơ Phan Tuy An không chỉ có tình cảm mà còn có hành động rất người. Trong bài Tết của chú mèo, Phan Tuy An miêu tả một chú mèo đi chợ tết vất vả với một túi đồ nặng. Khi chuột hỏi, mèo ta trả lời:

...

Tôi phải mua nhiều thứ Để mừng năm tuổi tôi Mời cả mười một bạn Đến cùng tôi vui chơi

(Tết của chú mèo)

Có lẽ bài thơ được Phan Tuy An viết vào năm con mèo nên mới có số lượng bạn mời “mười một bạn”. “Mười một bạn” chính là mười một con giáp còn lại trong năm. Nét sinh hoạt đời sống được Phan Tuy An vận dụng sinh động trong thơ mình.

Trong bài Cậu chủ và chiếc diều, chiếc diều có hành động nông nổi như một đứa trẻ ham chơi:

Diều muốn bay thật xa Nhưng chiếc dây cản lại

Diều cắt dây luôn vậy Để mình được tự do

Và vì diều mải “ham chơi”, muốn “tự do”, không muốn bị kìm kẹp nên khi gặp nạn thì mới ân hận và mong ước:

Bỗng gió thổi mạnh quá Diều rớt trên ngọn tre Giờ thấy mình ân hận Mong chủ đem về nhà

(Cậu chủ và chiếc diều)

Hay bài Chuột bố và chuột con, cả hai nhân vật chuột bố và chuột con đều có những hành động y như con người. Chuột con ham ăn đến nỗi sau khi chén hết thịt, chuột bố “lấy tờ giấy con”. Viết chữ: “Tao đánh mày”. Vậy mà “chuột con vồ chén tuốt”. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Đáng khen nhất ở Phan Tuy An là thông qua việc nhân hoá thiên nhiên, đồ vật - loài vật em gửi gắm vào hành động, lời nói của chúng những hành động triết lí. Trong bài Búa và đinh, nhân vật trữ tình là những vật dụng quen thuộc trong đời sống. Phan Tuy An để cho hai nhân vật đối thoại tranh cãi nhau:

Búa nện lên đầu đinh chan chát Đinh hét lớn: đau quá, đau quá để rút ra bài học:

Búa nói: nếu anh không chịu đau Thì mọi người cần đến anh làm gì?

(Búa và đinh)

Tuy cách lí giải vừa triết lí vừa hồn nhiên nhưng đã đem lại một bài học thấm thía, nhẹ nhàng: “Cần phải biết vai trò tất yếu của mình, chỉ có lửa thử vàng mới nên người.”

Hay trong bài Quả bóng bay, quả bóng bay biết mình bay lên được nên kiêu ngạo:

Muốn bay lên Cả trăng sao

Vì không lường được sức mình, nên: Vừa bay lên

Vướng cành cây Nổ cái bùm

(Quả bóng bay)

Bài học rút ra: Sống ai cũng có ước mơ nhưng ước mơ phải phù hợp với sức mình, hoàn cảnh của mình thì mới thực hiện được.

Bài Chú gà kiêu ngạo phê phán thói huyênh hoang, ngạo đời.

Bài Thước và bút: Hai nhân vật là hai đồ dùng học tập quen thuộc của trẻ thơ. Phan Tuy An để hai nhân vật đối thoại với nhau. Bút tự kiêu nói với thước rằng:

Tôi có lợi cho mọi người Tôi giúp người viết thư viết bài Và chê bai thước:

Còn anh chả có lợi gì cả

Thước đáp lại từ tốn, khẳng định vai trò của bút: “Anh có lợi thật”. Đồng thời khẳng định vai trò của mình:

Nhưng không có tôi Thì các bạn học sinh

Gạch bằng tay không thể thẳng được

(Thước và bút)

Không nên tự kiêu, khinh thường người khác chính là bài học cuộc sống rút ra từ bài thơ.

Rất nhiều bài thơ được sử dụng biện pháp nhân hoá và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Một tâm hồn thơ ấu cộng với trí tưởng tượng vô cùng phong phú của Phan Tuy An đã tạo ra những hình ảnh sinh động, đáng yêu, diễn đạt trọn vẹn tình cảm của người viết. Biện pháp tu từ nhân hoá khiến tập thơ trở nên gần gũi, thân thiết đối với các em nhỏ. Đọc thơ Phan Tuy An, các em sẽ được rèn luyện vốn ngôn ngữ, trí tưởng tượng, niềm say mê học văn học bởi Trái đất và mặt trăng là một thế giới tuổi thơ hồn nhiên với nhiều hình ảnh lung linh, ngộ nghĩnh.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tập thơ trái đất và mặt trăng của Phan Tuy An (Trang 37)