Đối với huyện Sóc Sơn thì SXNN luôn là ngành có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Việc sử dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất như đưa các giống lúa lai năng suất cao vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trông đang mang lại những kết quả khả quan và chuyển biến rõ rệt.. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì diện tích đất nông nghiệp của huyện đang có những biến động lớn cả về diện tích cũng như chất lượng đất. Đất đai thường xuyên có sự biến động mạnh trong khi các thông tin về tài nguyên đất vẫn còn rất hạn chế. Do đó, yêu cầu về khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả đất nông nghiệp nói riêng và bảo vệ tài nguyên đất nói chung sẽ là động lực thúc đẩy KTXH của huyện phát triển theo hướng bền vững.
Với mục đích khai thác ngày càng triệt để nguồn tài nguyên đất đai để đem lại hiệu quả, lợi nhuận cao cho các mục đích dân sinh, kinh tế, đã có tác động không nhỏ tới môi trường và đặc biệt là môi trường đất trên địa bàn huyện. Sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch phát triển các khu dân cư nông thôn cùng với tập quán sinh hoạt của nhân dân cũng gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi.
Thời gian các tổ chức kinh tế lập dự án đầu tư và lập hồ sơ đất đai thực hiện chậm trễ đã làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất. Một số hạng mục công trình đã có trong chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhưng cơ quan chủ đầu tư chưa lập xong dự án và hồ sơ đất đai, vì vậy trong năm đó không thực hiện được chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và phải chuyển sang năm sau.Một số tổ chức, cá nhân chưa thực sự coi trọng hiệu quả sử dụng đất đã dẫn đến sử dụng đất sai mục đích, gây lãng phí đất, vi phạm quy hoạch được phê duyệt. Trong quá trình sử dụng đất một số tổ chức, doanh nghiệp còn coi nhẹ việc bảo vệ cảnh quan môi trường dẫn đến ô nhiễm đất, hủy hoại đất. Ngoài ra, việc thiếu các giải pháp đồng bộ trong SXNN như: chưa giải quyết tốt giữa khai thác sử dụng với cải tạo đất, giữa sản xuất với tiêu thụ và chế biến sản phẩm, giữa mục đích kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái,... đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn.
Nguyên nhân của những vấn đề tồn tại nêu trên là công tác quản lý đất đai vẫn còn buông lỏng và chính sách quản lý còn nhiều bất cập; nhận thức về chính sách đất đai trong nhân dân không đồng đều, ý thức của người sử dụng đất chưa cao, chưa chấp hành nghiêm pháp luật đất đai. Thực tế cũng cho thấy các công tác quản lý thông tin, tư liệu về đất đai bằng phương pháp truyền thống dựa trên hồ sơ, sổ sách và bản đồ giấy mà tại các địa phương đang thực hiện khó đáp ứng được nhu cầu cập nhật, tra cứu, khai thác các thông tin về tài nguyên đất đai. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có
38
một công cụ mới có khả năng cung cấp thông tin chính xác nhanh chóng phục vụ cho công tác quản lý, đánh giá và quy hoạch đất đai bền vững.
Trong các ứng dụng công nghệ hiện nay thì công nghệ viễn thám và GIS có thể đáp ứng được yêu cầu này, với khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hỗ trợ ra quyết định, quy hoạch, chồng ghép bản đồ, quản lý thông tin tài nguyên thiên nhiên…Việc thành lập CSDL dựa trên công nghệ GIS có ưu điểm về chức năng quản lý thông tin không gian và thuộc tính gắn liền với nó. Bên cạnh đó thông tin được chuẩn hóa, các công cụ tìm kiếm, phân tích thông tin phục vụ rất hữu ích trong công tác quản lý đất đai, mà theo phương pháp truyền thống khó có thể thực hiện được.