Có điều chưa nhất trí phần nào về sự phát sinh bệnh tâm thần phân liệt ở tuổi vị thành niên. Một số người cho rằng đợt loạn tâm được giới hạn ở tuổi vị thành niên phần nào là một hình thái khác của bệnh tâm thần mà có khi được gọi là loạn tâm giáp ranh. Một số khác thì tin rằng gốc rễ của bệnh bắt nguồn từ các tác động qua lại sai lầm ở tuổi thiếu niên, rồi “vỡ” thành stress ở tuổi vị thành niên. Còn một số người lại cho rằng tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần quan trọng ở tuổi vị thành niên. Ngày nay, người ta quan niệm tâm thần phân liệt như một phản ứng không lành mạnh với các stress ở tuổi vị thành niên, có gốc rễ từ các kinh nghiệm đã qua của đương sự.
Tất cả thiếu niên đều không bước vào tuổi vị thành niên với cùng một thứ kinh nghiệm như nhau trong cõi đời này và có thể một số người không được trang bị đủ cho cuộc phấn đấu gian nan để trở thành người lớn. Nếu đã không rèn luyện thành công các ý thức về lòng tin, tính tự chủ, óc sáng kiến và công nghệ, thì nhiên hậu anh ta không thể hình thành được ý thức về tính đồng nhất cần thiết cho tuổi vị thành niên. Nếu không thành đạt trong các giai đoạn tăng trưởng và phát triển trước đó, không thành thạo trong các nhiệm vụ quan trọng, không đáp ứng được các kỳ vọng, thì nhiên hậu anh ta cũng không thể lớn lên thành một con người lành mạnh, có năng lực thích nghi, và sẽ không có khả năng đối phó với những đổi thay, những đòi hỏi và sự xáo trộn của tuổi vị thành niên. Nếu không biết được rằng hết thảy mọi nơi trên thế gian này đều có khả năng đem lại sự thỏa mãn, và nếu không học được điều rằng anh ta là một con người có tư cách và có tài năng, thì anh ta sẽ không vượt qua được những lầm lẫn và hụt hẫng của tuổi vị thành niên. trong sự phát sinh tâm thần phân liệt, con người có thể không học được ý thức cơ bản về lòng tin.
Trong các tác động qua lại giữa bản thân mình và người tân, người vị thành niên có thể biết sợ và không tin vào những tình cảm của mình và của người khác. Anh ta thường trải qua các thất bại liên tiếp trong nỗ lực để có được tình yêu thương và sự đồng tình vì lý do mất cha mẹ hoặc bị cha mẹ ruồng bỏ. Kết quả là anh ta rút lui khỏi thế giới hiện thực và quay về với thế giới của mình. Điều này có thể không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển trong cái “thế giới phụ thuộc tuổi thơ”, song các đòi hỏi và kỳ vọng của anh ta ở tuổi vị thành niên thì lại khác. Người ta trông đợi anh ta trở thành chính con người mình và chuyển sang cái thế giới có trách nhiệm của tuổi trưởng thành. Người ta mong đợi anh ta
phải hoàn tất nhiệm vụ chính của tuổi vị thành niên, phát huy ý thức về tính đồng nhất. Những điều này sẽ không thể được thực hiện nếu anh ta không có ý thức về lòng tin - tin nơi chính mình và nơi người khác. Trong nỗi sợ hãi và hụt hẫng, anh ta ngày càng lui vào thế giới riêng của mình.
Phân biệt giữa hành vi tự tỏa và hành vi lành mạnh trong tuổi vị thành niên đôi khi là một việc khó khăn và thường là một vấn đề mức độ. Trong tuổi vị thành niên bình thường, ta thấy con người tương tác với cái thế giới huyễn tưởng của mình và loại trừ thế giới xung quanh. Ta cũng gặp hành vi ái kỷ, lấy cái tôi làm trung tâm một cách cực đoan của người vị thành niên lành mạnh, say mê với bản thân và với những gì đang xảy ra với chính mình, thay vì chú ý tới nhu cầu và đòi hỏi của người khác. Tuy vậy, nếu hành vi bắt đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ với thế giới xung quanh và với người khác thì anh ta không còn khả năng thỏa mãn các nhu cầu của mình bằng những cách thức được xã hội chấp nhận; khi đó, ta bảo anh ta “có bệnh”. Ngoài ra, khi không được trang bị thích hợp để đối phó với stress, những chuyện khác có thể xảy ra đối với người vị thành niên khiến anh ta giao động, nản chí và rút lui khỏi thế giới này.
Cũng giống như bất kỳ giai đoạn nào khác của cuộc đời, con người có thể có những kinh nghiệm gây chấn thương chỉ cho riêng mình, và con người có thể không có khả năng phản ứng lại bằng những hành vi lành mạnh. Một trong các chấn thương này là việc bị mất đi một người thân. Cha mẹ được xem là nguồn hỗ trợ chính yếu cho người vị thành niên, ngay cả khi anh ta đang liều lĩnh thoát khỏi sự “thống trị” của cha mẹ. Không có sự hỗ trợ và nguồn thỏa mãn này, anh ta sẽ bị thua thiệt trong cuộc phấn đấu của người vị thành niên để khẳng định mình như một con người độc lập. Các kinh nghiệm chấn thương khác cũng làm mất đi các cơ hội lành mạnh cho sự phát triển về thể chất, tình cảm và xã hội. Tình trạng nghèo khổ, phân biệt chủng tộc, thiếu điều kiện giải trí, học tập, hướng nghiệp... hết thảy những hoàn cảnh đó đều tước đoạt của người vị thành niên các kinh nghiệm mấu chốt khả dĩ giúp họ thỏa mãn những nhu cầu của mình theo cách được xã hội chấp nhận. Ngoài ra, bệnh tật hoặc tai nạn, khiến con người chịu thua thiệt trong nỗ lực đối phó với stress của tuổi vị thành niên và trưởng thành như một con người lành mạnh.
Có lẽ phản ứng loạn tâm thường gặp nhất là chứng tâm thần phân liệt cấp diễn thể căng trương lực. Các triệu chứng có khi là hành vi hưng phấn cao độ, hiếu động, mang tính phá hoại; có khi hầu như bất động hoàn toàn, tự tỏa và thoái lùi. Thường thì người vị thành niên bị tâm thần phân liệt luôn đau khổ vì những cảm giác nặng nề như sợ hãi, ngờ vực, cô đơn. Tư duy méo mó,các hoang tưởng và ảo giác của người bệnh thường tập trung vào các mâu thuẫn tình dục, vào cái thiện và cái ác, vào một ham muốn làm cho thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho cuộc sống. May mắn thay, hành vi của anh ta không đến nỗi đe dọa khiến người khác phải xa lánh như trong bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Do vậy, người vị thành niên bị bệnh thường được chữa trị có kết quả hơn so với người lớn.