Nguyễn Vạn Phú
Chuyện tỷ giá giữa các đồng tiền không chỉ là đề tài của báo chí ở Việt Nam mà còn nóng ở nhiều nước khác. Thật ra, vấn đề không phải là tỷ giá mà như tờ Economist viết: “Worldwide, an abundance of liquidity has lured investors into riskier assets in search of higher returns”. Thông thường, liquidity được hiểu là tính thanh khoản, tức là mức độ dễ dàng chuyển các loại tài sản thành tiền mặt, ở đây là sự dồi dào đồng tiền “nhàn rỗi”. Và hệ lụy của việc thế giới dư thừa tiền, cụ thể ở đây là đô la Mỹ, là việc các nước châu Á phải đối diện một tình thế tiến thoái lưỡng nan: how to curb domestic liquidity when foreign capital is flooding in. Tiền ở ngoài đưa vào phải chuyển thành nội tệ nên sẽ xảy ra tình trạng cung nội tệ tăng lên - tức là domestic liquidity.
Về lý thuyết, có những biện pháp “chống đỡ” tình trạng này. Một là để cho đồng tiền trong nước tăng giá như đã xảy ra ở Thái Lan. Nhưng, tờ Economist bình luận: “Thailand could have allowed the baht to rise further, but it had already gained against all other Asian currencies last year, raising concerns about exporters’ competitiveness”. Tiền tăng giá có thể diễn đạt bằng các từ rise, gain, strengthen, appreciate; mất giá là depreciate. Một cách khác, “Some economists argue that Thailand should simply have cut interest rates to stem capital inflows, making bonds less attractive to foreign investors”. Argue ở đây không phải là tranh cãi mà chỉ là lập luận, cho rằng, nhận định rằng. Cắt giảm lãi suất tức là triệt tiêu cái “higher returns” nói ở đoạn đầu.
Nhưng cả hai cách trên đều không ổn vì: “Lower interest rates would simply add to the problem, generating higher credit growth, inflation and asset prices. Similarly, central-bank intervention to hold the baht down by buying dollars would also boost the money supply”. Lãi suất thấp, người ta sẽ vay tiền nhiều hơn (higher credit growth), cuối cùng tiền trong lưu thông sẽ tăng thêm (boost the money supply).
Chẳng lạ gì khi tờ báo này cho biết: “Other Asian countries are also looking for ways to discourage foreign capital inflows”. Thật là chuyện trái ngược, trước đây các nước trải thảm đỏ mời mọc, nay tìm cách ngăn chặn dòng vốn nước
ngoài chảy vào. Ví dụ, “In December South Korea raised reserve requirements on foreign-currency debt to make it harder for banks to borrow from abroad”. Câu này ý nói Hàn Quốc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ (chú ý từ debt ở đây là tiền gửi). Họ còn làm mạnh hơn bằng cách khuyến khích các ngân hàng và doanh nghiệp vay đô la từ Ngân hàng Trung ương để đầu tư ra nước ngoài. “Banks can exchange up to $5 billion worth of Korean currency into dollars at the central bank and invest the money in overseas securities markets”. Cho nên nếu ta thấy có một số quỹ đầu tư Hàn Quốc nhảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam thì cũng đừng lấy làm lạ. Còn, “China has kept its restrictions on portfolio capital inflows, helping it to hold down its exchange rate”. Trong khi đó, giới đầu tư tài chính vẫn còn đủ “ngón nghề”, như hình thức “carry trade” - tức là vay bằng loại tiền có lãi suất thấp như đồng yen, chuyển sang tiền có lãi suất cao để đầu tư.
Vì những diễn tiến này cho nên chúng ta sẽ thường đọc thấy những mẩu tin như: Government mulls issue of US$1 billion in currency stabilization bonds (tính chuyện phát hành các loại trái phiếu chính phủ nhằm ổn định tỷ giá); Countries with large holdings of dollars in their foreign-exchange reserves are showing a new willingness to dump the dollar in favor of the rising euro (chuyển dự trữ ngoại tệ bằng đô la sang euro)...
Buồn cười là một số báo đưa tin: “Anecdotal evidence suggests that drug dealers and money launderers now prefer euros to dollars”. Anecdotal evidence là các bằng chứng riêng lẻ, rải rác theo kiểu “giai thoại” chứ không phải dựa trên khảo sát khoa học. Ở thế giới ngầm, giới giang hồ chọn loại tiền nào chứng tỏ tiền đó ổn định nhất.
Riêng ở Việt Nam, tờ Wall Street Journal đưa tin: “Vietnam widened the trading band for its currency, a move observers said is part of a long-term effort by the country to liberalize its currency regime but that won’t lead to strengthening in the dong”. Trading band là biên độ giao dịch, được nới lỏng từ cộng trừ 0,25% lên 0,5%. Tuy nhiên, tờ báo này cũng nhận định, về ngắn hạn, “the latest move may be tied more to short-term shortages in the supply of dong than longer-term goals”. Thiếu tiền đồng là vì dòng vốn trực tiếp, gián tiếp đổ vào nhiều, Ngân hàng Nhà nước mua không hết nên có động thái nới lỏng biên độ giao dịch. Về dài hạn, tờ báo này cho rằng: “The central bank is expected to continue to push its daily parity rate lower to weaken the dong over the long term”. Daily parity rate ở đây chính là tỷ giá bình quân liên ngân hàng hàng ngày; to push... lower đôi lúc được diễn đạt ngược lại trong tiếng Việt nên chú ý kẻo nhầm.