Đưa tin về chứng khoán

Một phần của tài liệu TIẾNG ANH THEO DÒNG THỜI SỰ (Trang 25 - 26)

Nguyễn Vạn Phú

Quan sát cách các tờ báo chuyên về kinh tế như BusinessWeek hay The Economist viết về chứng khoán có thể có ích cho giới báo chí Việt Nam đang tập làm quen với lĩnh vực này. Khi đọc tít “A Positive Prognosis for Pharmaceuticals”

trên tờ BusinessWeek, người ta dễ nghĩ nhầm là báo nhận định chủ quan: prognosis là từ thường dùng trong y tế, có nghĩa là tiên lượng, ở đây là hậu vận [lạc quan] cho các công ty dược phẩm. Thật ra, ngay sau đó, bài báo nói liền: S&P says the group’s stock-price momentum–and solid fundamentals–add up to a healthy future. Như vậy nhận định ở trên là của S&P (Standard & Poor’s) - một hãng phân tích, đánh giá chứng khoán chứ không phải của phóng viên. Còn hậu vận tốt là vì giá cổ phiếu của các công ty dược phẩm đang trên đà gia tăng (stock-price momentum) và các thông số cơ bản rất tốt (solid fundamentals). Sau đó, bài báo phải trích tiếp các con số cụ thể của S&P để minh họa cho hai nhận định này.

Phân tích của báo cũng dùng nhiều từ chuyên môn để người trong cuộc có thể hiểu ngay: “EPS of many companies should also get a boost from common share buyback programs”. EPS là earnings per share (thu nhập của mỗi cổ phiếu); khi công ty bỏ tiền mua lại cổ phiếu trên thị trường đem về hủy (cancel) hay làm cổ phiếu ngân quỹ (treasury share), tổng số cổ phiếu sẽ giảm nên EPS sẽ tăng. Khi phân tích cổ phiếu của cả một ngành như thế, thông thường người ta dựa vào các con số thống kê tổng quát. [S&P] sees longer-term prospects being enhanced by demographic growth in the elderly (which account for about 33% of industry sales). Như vậy đến 33% doanh số của ngành dược đến từ người già, và vì số người già đang tăng nên triển vọng làm ăn của ngành này cũng tăng theo!

Cái khó cho người viết báo là mặc dù viết về chứng khoán nhưng cũng phải rành về ngành dược để viết cho chính xác. Ví dụ: “[S&P] favors companies with rich generic pipelines, especially those with first-to-file generics with the potential for 180 days of marketing exclusivity, and competence in litigating complex patent issues”. Theo lời khuyên của chuyên gia chứng khoán, nên chọn mua cổ phiếu công ty nào có sẵn trong tay nhiều dược phẩm loại “tương tự” - tức là loại đã hết bản quyền hay loại mà bản quyền đang bị tranh chấp. Trong trường hợp sau, công ty dược khác có quyền đăng ký sản xuất và được hưởng độc quyền tiếp thị thuốc trong vòng 180 ngày. Và dĩ nhiên họ phải sẵn sàng để ra tranh tụng trước tòa. Mấy chuyện này nhà đầu tư ngành dược rất rành nên tiếng Anh chỉ cần viết ngắn gọn như thế.

Lúc phân tích vào một công ty cụ thể, người viết phải tìm hiểu và nhìn tổng thể hoạt động của công ty chứ không chỉ chăm chăm vào giá cổ phiếu của nó. Ví dụ BusinessWeek có bài dài về Wal-Mart với tựa đề: “Wal-Mart’s Midlife Crisis” - midlife crisis là cụm từ thường dùng để miêu tả chuyện khủng hoảng lứa tuổi trung niên, lúc con người ý thức mình đã đi hết nửa đời người và chưa thấy mình làm được gì ra trò, ra trống. Ở đây tác giả dùng cụm từ này để nói Wal-Mart, sau nhiều năm dài thành công nay tốc độ phát triển đã chựng lại ở tuổi 45 và phải đối diện nhiều vấn đề mới.

Một lần nữa, người viết lại phải rành về quản trị kinh doanh, ví dụ câu: “The issue with apparel is long lead times”. Lead time là một khái niệm trong quản trị, là thời gian từ lúc đặt hàng đến lúc giao hàng - càng dài, càng dở. Hoặc câu: “In 2006, its U.S. division eked out a 1.9% gain in same-store sales - its worst performance ever - and this year has begun no better” có cụm từ same-store sales cũng là từ chuyên ngành quản trị, có nghĩa doanh số ở một cửa hàng cụ thể so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến khi đi vào phân tích giá cổ phiếu, tác giả viết: “Wall Street does not share Scott’s bullishness, to put it mildly”. H. Lee Scott là Tổng giám đốc Wal-Mart, vì vẫn lạc quan, cứ đòi bành trướng chuỗi siêu thị của mình nên mới có từ

bullishness; to put it mildly là nói một cách nhẹ nhàng, đi kèm với từ share (chia sẻ sự lạc quan ấy). Chắc nói nặng lời thì phải dùng từ phản đối hay chê trách chăng? Như thường lệ, đưa ra một nhận định như thế phải có bằng chứng: “Wal-Mart shares are trading well below their 2004 high and have dropped 30% in total since Scott was named CEO in 2000, even as the Morgan Stanley retail index has risen 180%”. Các bằng chứng gồm: giá cổ phiếu Wal-Mart hiện thấp hơn mức 2004 nhiều, lại giảm 30% từ lúc Scott lên làm tổng giám đốc trong khi chỉ số chứng khoán ngành bán lẻ của Morgan Stanley tăng 180%. Đưa dẫn chứng cụ thể như thế thì Scott sẽ không kiện tụng hay chê trách gì BusinessWeek được. Có lẽ chúng ta cũng nên học theo cách này, giảm bớt việc nói về chỉ số P/E chung chung mà nên lập ra các chỉ số chứng khoán cho các ngành cụ thể mới dễ so sánh.

Một phần của tài liệu TIẾNG ANH THEO DÒNG THỜI SỰ (Trang 25 - 26)