Các biện pháp chủ yếu quản lý khoản phải thu

Một phần của tài liệu Giáo trình tài chính doanh nghiệp 1 phần 2 (Trang 51)

- Mức tiết kiệm vốn lưu động do tăng tốc độ luân chuyển vốn

b.Các biện pháp chủ yếu quản lý khoản phải thu

Để quản lý khoản phải thu từ khách hàng, doanh nghiệp cần chú ý một số biện pháp sau:

* Xác định chính sách bán chịu (chính sách tín dụng thương mại) với khách hàng.

Nợ phải thu từ khách hàng chủ yếu phụ thuộc vào khối lượng hàng hoá, dịch vụ bán chịu cho khách hàng và thời hạn bán chịu. Vì vậy, để quản lý khoản phải thu trước hết cần xem xét, đánh giá các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến chính sách bán chịu của doanh nghiệp như:

- Mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.

- Tính chất thời vụ trong sản xuất và tiêu thụ của một số sản phẩm; thời hạn bán chịu rất ngắn trong các ngành thực phẩm tươi sống và kỳ thu tiền bình quân rất cao trong các ngành kiến trúc.

- Tình trạng cạnh tranh: Cần xem xét tình hình bán chịu của các đối thủ cạnh tranh để có chính sách bán chịu hợp lý và có lợi nhuận cao.

- Tình trạng tài chính của doanh nghiệp: Không thể mở rộng việc bán chịu cho khách hàng khi doanh nghiệp đã có nợ phải thu ở mức cao và có sự thiếu hụt vốn bằng tiền trong cân đối thu chi .

* Phân tích khách hàng, xác định đối tượng bán chịu.

Công việc chính yếu trong việc hình thành chính sách tín dụng thương mại cần xác định là bán chịu cho ai. Do vậy để thẩm định độ rủi ro cần phân tích đánh giá khả năng trả nợ và uy tín của khách hàng, nhất là với những khách hàng tiềm năng. Trên cơ sở đó quyết định hình thức hợp đồng (thực hiện trên tài khoản mua bán chịu, lệnh phiếu, hối phiếu thương mại tín dụng thư không huỷ ngang hay bán có điều kiện).

* Xác định điều kiện thanh toán: Doanh nghiệp phải quyết định thời hạn bán chịu (thời

hạn thanh toán) và tỷ lệ chiết khấu thanh toán .

- Thời hạn thanh toán: Là độ dài thời gian kể từ ngày người bán giao hàng cho người mua đến ngày người mua trả tiền. Thời hạn thanh toán dài hay ngắn tuỳ thuộc vào tính chất lâu bền hay mỏng của sản phẩm. Tài khoản của khách hàng hay uy tín của khách hàng với doanh nghiệp và đặc điểm kinh doanh của DN.

- Chiết khấu thanh toán: Là phần giảm trừ một số tiền nhất định cho người mua khi người mua trả tiền trước thời hạn thanh toán đã thoả thuận. Chiết khấu thanh toán được xác định bằng một tỷ lệ phần trăm tính theo doanh số mua hàng ghi trên hoá đơn. Việc tăng tỷ lệ chiết khấu thanh toán sẽ thúc đẩy khách hàng thanh toán sớm trước thời hạn và thu hút thêm được khách hàng mới làm tăng doanh thu, giảm chi phí thu hồi nợ nhưng sẽ làm giảm số tiền thực thu. Vì vậy doanh nghiệp cần cân nhắc khi xác định tỷ lệ chiết khấu.

Thiết lập một hạn mức tín dụng hợp lý, quản lý nợ phải thu nhằm tối đa hoá lợi nhuận.Vì vậy, rất nên nhận đơn xin cấp tín dụng của những khách hàng nếu có cơ hội trở thành khách hàng thường xuyên và đáng tin cậy của doanh nghiệp. Trong trường hợp khách hàng có uy tín thấp hoặc đáng nghi ngờ, doanh nghiệp cần ấn định một hạn mức tín dụng hạn chế để tránh rủi ro.

* Thường xuyên kiểm soát nợ phải thu

- Mở sổ theo dõi chi tiết nợ phải thu và tình hình thanh toán với khách hàng .

Thường xuyên kiểm soát để nắm vững tình hình nợ phải thu và tình hình thu hồi nợ. Cần thường xuyên xem xét đánh giá tình hình nợ phải thu từ khách hàng theo công thức sau :

Npt = Sd x Kpt

Trong đó

Npt : Nợ phải thu dự kiến trong kỳ (năm)

Sd: Doanh thu bán hàng tính theo giá thanh toán bình quân ngày trong năm Kpt: Kỳ thu tiền bình quân trong năm

Để tránh tình trạng mở rộng việc bán hàng chịu quá mức, cần xác định giới hạn bán chịu qua hệ số nợ phải thu. Công thức xác định như sau :

Nợ phải thu từ khách hàng Hệ số nợ phải thu =

Doanh số hàng bán ra

Thường xuyên theo dõi và phân tích cơ cấu nợ phải thu theo thời gian. Xác định trọng tâm quản lý nợ phải thu để có biện pháp quản lý nợ chặt chẽ.

* Áp dụng các biện pháp thích hợp thu hồi nợ và bảo toàn vốn.

- Chuẩn bị sẵn sàng các chứng từ cần thiết đối với các khoản nợ sắp đến kỳ hạn thanh toán. Thực hiện kịp thời các thủ tục thanh toán . Nhắc nhở đôn đốc khách hàng các khoản nợ đến hạn thanh toán.

- Thực hiện các biện pháp kịp thời thu hồi các khoản nợ đến hạn.

- Chủ động áp dụng các biện pháp tích cực và thích hợp thu hồi các khoản nợ qua hạn. Cần xác định rõ nguyên nhân nợ qúa hạn để có biện pháp thu hồi nợ thích hợp. Có thể chia nợ quá hạn thành các giai đoạn để có biện pháp thu hồi phù hợp.

- Trích lập quỹ dự phòng nợ phải thu khó đòi để chủ động bảo toàn VLĐ.

3.3.6. Quản lý hàng tồn kho

Một phần của tài liệu Giáo trình tài chính doanh nghiệp 1 phần 2 (Trang 51)