4.1 Kết luận:
Hòa mình vào sự phát triển kinh tế của đất nước, trong công cuộc thực hiện CNH-HĐH đất nước thì nhu cầu vốn là rất lớn. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Huyện CưJút- Tỉnh Đăk Nông có vai trò rất lớn trong việc cung cấp vốn cho các tổ chức kinh tế, cá nhân để phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhà, góp phần tạo ra lợi nhuận cho xã hội làm cho bộ mặt tỉnh nhà có nhiều thay đổi hơn.
Doanh số co vay trong năm đạt 231.000 triệu đồng, tăng 91.000 triệu đồng tỷ lệ tăng tương ứng 65%, trong đó cho vay ngắn hạn 198.000 triệu đồng, chiếm 85%. Tổng dư nợ tín dụng năm 2007 là 170.000 triệu đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn chủ yếu tập trung vào thành phần tư nhân, cá thể (chiếm 62.6%), sau đó lần lượt đến cho vay các tổ chức kinh tế (chiếm 26.3%), rồi đến cho vay cầm cố giấy có giá (chiếm 11.1%). Do ảnh hưởng của cơ cấu như vậy, nên cơ cấu dư nợ cũng được xác định tương ứng theo thứ tự tập trung cho tư nhân, cá thể phần lớn thường làm ăn hiệu quả, tài sản thế chấp bảo đảm, mô hình quản lý gọn nhẹ, rất phù hợp với đặc thù của Ngân hàng Nông nghiệp là “chú trọng cho vay hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ”.
Bên cạnh đó, công tác thu nợ đến hạn, quá hạn được chi nhánh quan tâm đúng mức kết quả thu nợ đạt tỷ lệ cao, số lượng quá hạn chiếm tỷ lệ nhỏ, năm 2006 tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0.8%/TDN, đến năm 2007 là 0.76%/TDN, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của trung ương, đây là con số thật lý tưởng. Tuy nhiên do chi nhánh mới được thành lập hơn 04 năm nên thị phần hoạt động còn hạn chế, lượng khách hàng còn mỏng, khách hàng chủ yếu kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ.
Đội ngũ cán bộ nhân viên còn trẻ, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tận tình cộng với thái độ nhiệt tình chu đáo, có sự phân công công việc cụ thể nên hiệu quả công việc đạt cao. Tuy nhiên, chi nhánh mới đi vào hoạt động nên phần nào đội ngũ cán bộ công nhân viên còn thiếu kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường, đặc biệt là việc thu hút, lôi kéo khách hàng.
Trong những năm qua, chi nhánh luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu của ngân hàng cấp trên giao cho, đó là sự cố gắng phấn đấu của tập thể ban lãnh đạo và các cán bộ nhân viên toàn chi nhánh. Kết quả đó cần được phát huy hơn nữa nhằm góp phần vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh.
4.2 Kiến nghị:
* Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tỉnh Đăk Nông là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả khu vực Tây Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt sau khi được nâng cấp lên độ thị loại II, các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào Đăk Nông có rất nhiều. Bên cạnh đó Đăk Nông có nội lực để phát triển rất lớn như tài nguyên thiên nhiên phong phú, dồi dào, diện tích cây công nghiệp lớn nhất nước, địa hình rất thuận lợi cho việc phát triển các dự án thủy điện lớn trong vùng, trung tâm thương mại của cả vùng Tây Nguyên … Tuy nhiên, là tỉnh mới phát triển được vài năm trở lại đây, nên nguồn vốn đầu tư còn thiếu rất nhiều. Ở tầm vĩ mô, đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tiếp cận với các Tổng công ty và làm đầu mối thu xếp vốn chuyển tải về chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Đăk Nông thực hiện đầu tư, giám sát giải ngân và quản lý thu hồi nợ vay.
Do điều kiện tình hình thực tế, việc huy động các nguồn vốn tại chỗ, đặc biệt là các nguồn vốn trung dài hạn của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Đăk Nông nói chung, chi nhánh Huyện Cư Jút nói riêng hết sức khó khăn không đủ đáp ứng nguồn vốn để cho vay, do đó đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam hỗ trợ nguồn vốn thiếu hụt.
Do mạng lưới của Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam quá rộng, nên việc đầu tư công nghệ cần được quan tâm hơn nữa, đầu tư nâng cấp hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt đông của các sản phẩm, dịch vụ khác của ngân hàng, dần dần từng bước nâng cao sức cạnh tranh với các ngân hàng thương mại khác về mọi lĩnh vực trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế (WTO).
Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhất là nghiệp vụ tín dụng tin học … bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên của chi nhánh đủ sức đáp ứng yêu cầu đặt ra của ngành. Đồng thời, thực hiện đồng bộ chính sách chế độ như thu hút nhân tài, chính sách sử dụng, bố trí cán bộ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cơ chế trả lương và chính sách đãi ngộ …
* Đối với chính quyền địa phương tỉnh Đăk Nông:
Tăng cường các biện pháp chỉ đạo các ban ngành chức năng nhằm thực hiện tốt chính sách khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư có cơ hội làm ăn lâu dài tại địa phương.
Sớm có công bố chứng chỉ quy hoạch của tỉnh và đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù để hình thành các khu vực như cụm các khu công nghiệp, các chính sách cụ thể để thu hút kêu gọi đầu tư.
Đẩy mạnh việc cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy tờ sỏ hữu nhà đất để các nhà đầu tư, hộ sản xuất kinh doanh có cơ sở thế chấp vay vốn tại ngân hàng.
* Đối với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Huyện CưJút:
Tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng trên địa bàn trong việc hình thành môi trường pháp lý liên quan đến hoạt động tín dụng, cùng với UBND các cấp, chính
quyền sở tại tháo gỡ những vướng mắc về thế chấp tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm, giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Mặt khác, chi nhánh cần kiến nghị ngân hàng cấp trên phải có cơ chế lãi suất linh hoạt, phù hợp hơn trong công tác cho vay, từ đó mới có thể cạnh tranh với các ngân hàng thương mại trong điều kiện ngày càng có nhiều ngân hàng cùng hoạt động trên địa bàn. Qua đó, mới tạo được chỗ đứng vững chắc cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đăk Nông nói chung, Chi nhánh Huyện CưJút nói riêng trên thương trường hiện tại cũng như trong tương lai lâu dài.