Các mô hình khác

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đánh giá vùng ngập nước và xâm nhập mặn bởi nước biển dâng do biến đổi khí hậu phục vụ định hướng sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2050 của huyện bình đại, tỉnh bến tre (Trang 26)

Mô hình VRSAP: tiền thân là mô hình KRSAL do PGS.TS. Nguyễn Như Khuê xây dựng và được sử dụng rộng rãi ở nước ta trong vòng 25 năm trở lại đây. Đây là mô hình toán thuỷ văn - thuỷ lực của dòng chảy một chiều trên hệ thống sông ngòi có nối với đồng ruộng và các khu chứa khác. Dòng chảy trong các đoạn sông được mô tả bằng hệ phương trình Saint-Venant đầy đủ. Các khu chứa nước và các ô đồng ruộng trao đổi nước với sông qua cống điều tiết. Do đó, mô hình chia các khu chứa và các ô đồng ruộng thành hai loại chính: Loại kín trao đổi nước với sông qua cống điều tiết, loại hở trao đổi nước với sông qua tràn mặt hay trực tiếp gắn với sông như các khu chứa thông thường [18].

Tuy nhiên mô hình VRSAP không phải là một mô hình thương mại, mà là mô hình có mã nguồn mở chỉ thích hợp với những người sử dụng có sự am hiểu sâu rộng về kiến thức mô hình; Còn đối với công tác dự báo, cảnh báo nhanh cho một khu vực cụ thể, nhất là khu vực miền Trung thì mô hình tỏ ra chưa phù hợp.

- Mô hình KOD-01 và KOD-02 của GS.TSKH. Nguyễn Ân Niên phát triển dựa trên kết quả giải hệ phương trình Saint-Venant dạng rút gọn, phục vụ tính toán thủy lực, dự báo lũ,...

- Mô hình WENDY: do Viện thủy lực Hà Lan (DELFT) xây dựng cho phép tính thủy lực dòng chảy hở, xói lan truyền, chuyển tải phù sa và xâm nhập mặn.

- Mô hình HEC-RAS: do Trung tâm Thủy văn kỹ thuật quân đội Hoa Kỳ xây dựng được áp dụng để tính toán thủy lực cho hệ thống sông. Phiên bản mới hiện nay đã được bổ sung thêm modul tính vận chuyển bùn cát và tải khuếch tán. Mô hình HEC-RAS được xây dựng để tính toán dòng chảy trong hệ thống sông có sự tương tác 2 chiều giữa dòng chảy trong sông và dòng chảy vùng đồng bằng lũ. Khi mực nước trong sông dâng cao, nước sẽ tràn qua bãi gây ngập vùng đồng bằng, khi mực nước trong sông hạ thấp nước sẽ chảy lại vào trong sông.

Dựa trên những ưu, nhược điểm của từng mô hình đã đề cập ở phần trên, trong quá trình thực hiện, luận văn lựa chọn mô hình MIKE 11 để tính toán, mô phỏng và kết hợp với công cụ GIS để tạo cơ sở dữ liệu và biểu diễn kết quả.

27

CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH ĐÁNH GIÁ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG NGẬP NƯỚC VÀ XÂM NHẬP MẶN

TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2050

Chương này sẽ giới thiệu về các đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre có ảnh hưởng đến khả năng ngập nước và xâm nhập mặn, trên cơ sở đó đưa ra các thông số cho mô hình dự báo. Mặc dù địa bàn nghiên cứu chỉ giới hạn ở một huyện của tỉnh Bến Tre là huyện Bình Đại nhưng do biến đổi khí hậu là một vấn đề có quy mô lớn, nếu chỉ giới hạn trong phạm vi hành chính của huyện Bình Đại thì sẽ không thể đưa ra những nhận định đúng về vấn đề này. Vì vậy, phần lớn nội dung của chương này sẽ đề cập đến toàn bộ tỉnh Bến Tre, trong khi đó chương 3 sẽ tập trung vào địa bàn nghiên cứu trực tiếp là huyện Bình Đại.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đánh giá vùng ngập nước và xâm nhập mặn bởi nước biển dâng do biến đổi khí hậu phục vụ định hướng sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2050 của huyện bình đại, tỉnh bến tre (Trang 26)