Công tác phòng cháy, chữa cháy

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác quản lý bảo vệ rừng ở lâm trường bồng lai, huyện bố trạch, tỉnh quảng bình (Trang 26)

Trong những năm gần đây, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) là một nội dung quan trọng trong công tác QLBVR được Lâm trường Bồng Lai đặc biệt quan tâm. Hàng năm lâm trường đã thành lập Ban chỉ huy Bảo vệ rừng - PCCCR gồm 6 đồng chí do Giám đốc làm trưởng ban và hai tiểu ban PCCCR: tiểu ban 1 gồm 7 người của Đội sản xuất và QLBVR số 1 do đội trưởng làm trưởng tiểu ban và tiểu ban 2 gồm 6 người của Đội sản xuất và QLBVR số 2 do đội trưởng làm trưởng tiểu ban. Từ đó, Ban chỉ huy xây dựng phương án PCCCR, mua sắm trang thiết bị cũng như làm mới và tu bổ đường ranh cản lửa để chủ động PCCCR trong mùa nắng nóng.

Phương châm của phương án PCCCR là phòng là chính, chữa cháy kịp thời và có hiệu quả, chú trọng công tác tuần tra, canh gác phát hiện lửa để huy

động lực lượng dập lửa khi mới xuất hiện, không để xảy ra cháy lớn, cháy lây lan.

Trên cơ sở thực tiễn công tác PCCCR hàng năm, đã xác định vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng là diện tích các rừng trồng Keo và Thông nhựa dễ cháy trên địa bàn gồm 1.282,6 ha (trong đó rừng trồng dự án 327, 661 của lâm trường đã giao cho huyện, xã quản lý 624,6 ha, diện tích thuộc địa bàn lâm trường quản lý 658 ha). Ngoài ra, đối tượng đất trống cây bụi hiện trạng IA, IB, IC ở các tiểu khu 243, 244, 247, 248, 249 nằm giáp ranh với các xã Tây Trạch, Phú Định, Cự Nẫm, Hưng Trạch, Sơn Trạch cũng là vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy. Hàng năm, lâm trường thực hiện các nội dung PCCCR sau:

- Phòng cháy rừng xảy ra là chính thông qua các biện pháp:

+ Tổ chức triển khai phương án PCCCR đến tận các Đội sản xuất và quản lý bảo vệ rừng, các xã, thôn xóm.

+ Kiểm tra đôn đốc việc tuần tra, canh gác trong nội bộ lâm trường. Chấp hành đúng các nội quy, quy định về PCCCR của Lâm trường, Công ty và cơ quan Kiểm lâm.

+ Phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xây dựng nội dung tuyên truyền giáo dục, phương án ứng cứu chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra trên địa bàn.

+ Chuẩn bị tốt công tác chỉ huy, điều động lực lượng, phương tiện, hậu cần với phương châm bốn tại chỗ để chữa cháy khi có cháy xảy ra. Chỉ đạo khắp phục hậu quả do cháy rừng gây ra, xử lý các vi phạm về nội dung quy định về PCCCR.

+ Xây dựng lực lượng nòng cốt chữa cháy khi có cháy xảy ra gồm các nhân viên của các Đội sản xuất phối hợp với lực lượng ứng cứu gồm cán bộ viên chức khối văn phòng lâm trường, lực lượng công ty, các Ban PCCCR của xã, nhân dân các thôn ven rừng. Khi cần thiết đề nghị Ban PCCCR huyện huy động lực lượng kiểm lâm, quân đội, công an và các đơn vị khác trên địa bàn hỗ trợ ứng cứu.

+ Xây dựng cơ sở hạ tầng và chuẩn bị các trang thiết bị: tu bổ đường ranh cản lửa, chòi canh lửa cố định, các bảng biểu nội quy và dự báo cháy rừng, ống nhòm, máy ảnh, điện thoại di động, kẻng và các dụng cụ thủ công khác.

- Công tác chữa cháy rừng quán triệt phương châm chỉ đạo “4 tại chỗ”: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Khi xảy ra cháy rừng Đội sản xuất và quản lý bảo vệ rừng huy động lực lượng của Đội trực tiếp chữa cháy rừng. Khi xảy ra cháy lớn xử lý theo quy trình:

+ Lửa cháy lên khỏi tán rừng: Huy động lực lượng của Đội, thôn xóm gần nhất để chữa cháy. Đồng thời thông báo cho Ban chỉ huy PCCCR Lâm trường có phương án chỉ đạo.

+ Đám cháy có nguy cơ lan rộng đến 0,5 ha: Huy động lực lượng đội chữa cháy rừng nòng cốt (toàn bộ lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách), lực lượng chữa cháy rừng ở xã sở tại.

+ Đám cháy có nguy cơ lan rộng đến trên 1,0 ha: Huy động lực lượng toàn Lâm trường, lực lượng của xã sở tại và các xã lân cận để ứng cứu, báo cáo cho Hạt Kiểm lâm, Công ty LCN Bắc Quảng Bình để chỉ đạo, giải quyết.

+ Xử lý sau khi dập tắt lửa rừng: Lập biên bản vụ cháy, xác định địa điểm, diện tích, loại rừng, năm trồng, trạng thái, thời gian phát hiện cháy và dập tắt đám cháy, nguyên nhân gây cháy, ước tính mức độ thiệt hại, số người tham gia chữa cháy. Hội ý rút kinh nghiệm, đề ra biện pháp khắc phục đám cháy. Lập hồ sơ chuyển lên cấp trên và cơ quan chức năng xử lý.

Bảng 7: Thống kê về tình hình cháy rừng các năm gần đây

Năm Số vụ cháy (vụ) Diện tích (ha)

2012 01 0,3

2013 01 0,1

2014 0 0

Trong những năm qua nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ của Lâm trường Bồng Lai và ý thức làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng của người dân nên hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra trên địa bàn. Năm 2012 và 2013 chỉ xảy ra 01 vụ cháy/năm với tổng diện tích 0,4 ha, trong đó 0,3 ha rừng Thông vào năm 2012 và 0,1 ha là cỏ tranh, lau lách năm 2013. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay chưa xảy ra cháy rừng trên địa bàn. Nguyên nhân một phần do lâm trường đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp nhưng hiệu quả lớn trong công tác PCCCR là do đã làm tốt công tác chuẩn bị ngay từ đầu năm.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số hạn chế tồn tại trong công tác này và cũng là nguy cơ hạn chế hiệu quả PCCCR đó là hệ thống công trình PCCCR như: Đường ranh cản lửa, chòi canh lửa, bảng cảnh báo cháy rừng… do thiếu kinh phí nên không được tu bổ thường xuyên cũng như làm mới thêm hàng năm. Công tác xử lý vi phạm PCCCR của chính quyền địa phương đôi khi thiếu triệt để và chưa kịp thời. Nhận thức của một số hộ gia đình nhận khoán rừng còn hạn chế và chế độ đãi ngộ đối với người tham gia chữa cháy chưa rõ ràng nên chưa khuyến khích được mọi người tham gia chữa cháy một cách tích cực.

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác quản lý bảo vệ rừng ở lâm trường bồng lai, huyện bố trạch, tỉnh quảng bình (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(41 trang)
w