Sự kiện bức tường Beclin 1961.

Một phần của tài liệu Diễn biến chủ yếu của cuộc chiến tranh lạnh” giữa hai cực Xô - Mỹ và hai khối Đông – Tây qua việc giải quyết vấn đề Đức sau năm 1945. (Trang 29)

Từ sau khi chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt đến nay vấn đề Beclin vấn chưa được giải quyết, Beclin nằm gọn trong lòng nước CHDC Đức nhưng lại bị chia cắt làm 4 phần lãnh thổ. Đông Beclin là thủ đô của CHDC Đức, và Tây Beclin dưới sự che chở của các nước phương Tây đã được xây dựng thành trung tâm gián điệp lớn. Tướng Taylo cố vấn quân sự của Tổng thống Ken-nơ-đi đã phải thừa nhận “chưa có ở đâu trên thế giới mật độ điệp viên trên một km2 lại dày đặc như ở đây.”

Beclin là “bức màn sắt có lỗ hổng” và qua lỗ hổng ấy có thể thâm nhập vào Đông Âu và cả Liên Xô. Ngoài ra nhiều “dòng người” đã di cư ồ ạt từ CHDC Đức sang CHLB Đức và nước ngoài.

Ngày 18/3/1961 ông Ubơrich Chủ tịch Hội đồng nhà nước CHDC Đức đã đưa ra phiên họp Uỷ ban TW Đảng công nhân xã hội thống nhất Đức vấn đề có nên đóng cửa đường biên giới giữa Đông và Tây Beclin hay không?

Ngày 29/3/1961, ông đã trở lại đề tài này trong Hội nghị các nước khối hiệp ước Vacsava. Tuy trong cuộc họp có nhiều nước còn lưỡng lự, như đại biểu Hung-ga-ri cho rằng: một hàng rào ngăn cách Beclin sẽ làm “giảm mất mỹ quan của CNXH”. Các đại biểu khác thì lo rằng sẽ xảy ra xung đột. Tuy vậy cuối cùng cũng thoả thuận để Ubrich chuẩn bị cho “trường hợp đóng cửa biên giới”.

Ngay sau khi về tới Beclin, Ubơrich đã trao ngay nhiệm vụ cho E.Rich- Hô-nêch-cơ (khi đó là bí thư thứ nhất TW Đảng phụ trách an ninh) chuẩn bị người và vật liệu trong điều kiện tuyệt mật để chuẩn bị thực hiện kế hoạch.

Sau khi chuẩn bị chu đáo, tính toán thời điểm thuận lợi và cách thức thực hiện, Ubơrich trở lại Matxcơva thông báo kế hoạch xây một bức tường lớn chứ không phải một hàng rào dây thép gai. Việc làm này đã khiến cho các nước đồng minh trong khối Vacsava khó chịu. Liên Xô thì đề nghị một giải pháp dung hoà là tạm thời hãy lập hàng rào dây thép gai, nếu phương Tây không có phản ứng gì thì có thể xây một bức tường ngăn cách.

Ngày 11/8/1961 tại phiên họp Quốc hội CHDC Đức, phó thủ tướng Vi- ki-stô-phơ đã thông báo về sự phát triển đáng báo động của “dòng người” ra đi và tuyên bố: “Chính phủ nước CHDC Đức không thể ngồi nhìn mãi mà không có hành động gì”. Quốc hội thông qua một Nghị quyết về các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng. Quốc hội uỷ quyền cho Hội đồng Bộ trưởng tiến hành các biện pháp cần thiết trên cơ sở nhất trí các thành viên của hiệp ước Vacsava.

Sau đó đúng theo kế hoạch, đêm 12 rạng sáng ngày 13/8/1961 bức tường Beclin đã được dựng lên một cách nhanh chóng, điều này đã làm cho nhân dân hai bên Đông và Tây bức tường phải sửng sốt vì khi thức dậy đã thấy bức tường dựng lên từ khi nào. Lúc đầu bức tường Beclin còn tạm bợ, nhưng sau này nó được củng cố chắc chắn hơn. Bức tường Beclin dài 46km ngăn cách hai bên Đông, Tây của Beclin, cộng thêm 114km để tách bạch Tây Beclin với các địa phương của CHDC Đức.

Hành động này được quân đội Liên Xô ủng hộ, thực chất là để ngăn chặn ảnh hưởng của Tây Đức và các nước phương Tây khác thâm nhập vào CHDC Đức,đã trực tiếp dẫn đến tình trạng di cư ồ ạt từ Đông Đức sang Tây Đức gây rất nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế và ảnh hưởng đến uy tín Quốc tế của CHDC Đức. Ngày 13/8/1961, các nước thành viên hiệp ước Vacsava tuyên bố tán thành và ủng hộ quyết định của Ubơrich. Kể từ đó Liên Xô không nhắc gì đến việc đòi thay đổi quy chế Tây Beclin nữa và mọi người coi cuộc khủng hoảng Beclin đã kết thúc và từ đó Liên Xô cùng các nước XHCN Châu Âu đặt trọng tâm đấu tranh nhằm nâng cao địa vị quốc tế của CHDC Đức ngang bằng với CHDC Đức.

Một phần của tài liệu Diễn biến chủ yếu của cuộc chiến tranh lạnh” giữa hai cực Xô - Mỹ và hai khối Đông – Tây qua việc giải quyết vấn đề Đức sau năm 1945. (Trang 29)