2.1.1. Lịch sử ra đời
Cho đến tháng 6/1991, Việt Nam mới chỉ có duy nhất tờ VietnamNews là tờ báo tiếng Anh của Thông Tấn xã, chủ yếu đăng tải những thông tin chính trị - xã hội. Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả và nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư lúc bấy giờ - Ông Đậu Ngọc Xuân - đã yêu cầu Phó Chủ nhiệm Vị Đông Giang và Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mại xúc tiến việc xuất bản một tờ báo để phục vụ các nhà đầu tư bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Vậy là tờ bán nguyệt san Việt Nam Đầu tư nước ngoài (đổi tên thành Đầu tư từ tháng 11/2006) và tờ tuần báo Vietnam Investment Review (bản tiếng Anh của Việt Nam Đầu tư nước ngoài) đã ra đời vào ngày 27/9/1991, trên cơ sở hợp tác giữa Cơ quan báo chí của Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư với Tập đoàn Báo chí và Xuất bản Australia (Australian Associated Press).
Những năm đầu tiên khi Việt Nam Đầu tư nước ngoài và Vietnam Investment Review mới “khởi nghiệp” là thời điểm vô cùng khó khăn. Tổng số phóng viên của hai ấn bản tiếng Việt và tiếng Anh ở Hà Nội lẫn TP. Hồ Chí Minh có thể đếm trên đầu ngón tay. Bài vở từ TP. Hồ Chí Minh được gửi fax tới Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư tại Hà Nội để Tổng Biên tập Nguyễn Mại duyệt. Phó Tổng Biên tập Nguyễn Trí Dũng cũng phải thường xuyên đi về giữa hai thành phố ở hai miền đất nước. Về phía nước ngoài, Nick Mount Stephen lo công tác hậu cần và quảng cáo, Alex McKinnon phụ trách phần biên tập tiếng Anh. Báo ra sáng thứ sáu nên buổi chiều cùng ngày là thời gian để các phóng viên, nhân viên nghỉ ngơi sau cả tuần vật lộn với
những con chữ. Đó cũng là ý tưởng khởi đầu cho chương trình Friday Review mà sau này đã trở thành những cuộc họp mặt truyền thống của giới kinh doanh trong và ngoài nước vào ngày thứ sáu cuối cùng của mỗi tháng.
Trải qua giai đoạn thiếu thốn ban đầu (một máy vi tính dùng chung cho cả văn phòng), sau đó các phóng viên, biên tập viên trong tòa soạn đã được trang bị mỗi người một máy vi tính. Từ công đoạn chuyển bài bằng máy fax giữa Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, hệ thống chuyển bài bằng modern đã được triển khai giữa hai chi nhánh. Mạng nội bộ được thiết lập giữa các văn phòng để phóng viên trực tiếp viết bài trên máy tính, chuyển bài qua mạng tới máy của biên tập viên để được biên tập và thiết kế. Máy ảnh kỹ thuật số được sử dụng thường xuyên thay cho máy ảnh cơ để cắt giảm thời gian tráng, rửa ảnh và chuyển từ nguồn cung cấp tới tòa soạn.
Trong thời gian đầu hoạt động, Báo còn khá lạ lẫm với độc giả trong và ngoài nước nên doanh thu phát hành không cao, bù lại nguồn thu từ quảng cáo lại đáng kể. Hầu hết các mẫu quảng cáo được thiết kế từ Australia nên có sức hấp dẫn các khách hàng trong nước cũng như nước ngoài. Trong thời kỳ vàng son của quảng cáo, đã có những giai đoạn tòa soạn phải lên “stand-by list” - danh sách chờ, để khách hàng được đăng quảng cáo theo thứ tự.
Từ hai đầu báo chủ lực tiếng Việt và tiếng Anh, báo Đầu tư đã phát triển thêm phụ trương Timeout cho Vietnam Investment Review. Vào tháng 12/1999, tờ Đầu tư Chứng khoán - đứa con út trong gia đình Đầu tư - đã ra đời, cho thấy tầm nhìn chiến lược của cơ quan chủ quản và tòa soạn báo trong thời điểm chứng khoán vẫn còn là một khái niệm khá mới lạ tại Việt Nam. Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng Đầu tư Chứng khoán đã có chỗ đứng quan trọng của một tờ báo chuyên ngành, một người bạn đồng hành của những người nghiên cứu, hoạt động trong thị trường tài chính, chứng khoán.
Cùng với thời gian, cơ quan báo Đầu tư ngày càng lớn mạnh, uy tín của tờ báo ngày một tăng cả trong nước lẫn nước ngoài. Các hãng thông tấn quốc
tế như Reuters, AFP, UPI thường xuyên trích dẫn thông tin của Vietnam Investment Review trong những bản tin về Việt Nam được truyền đi khắp trên thế giới. Đối với báo chí phương Tây, Vietnam Investment Review trở thành “nguồn tin bán chính thức”, sau tin của Thông Tấn xã Việt Nam.