NHNo&PTNT Quảng Bình
* Nguyên nhân khách quan:
Quá trình phát triển nền kinh tế Việt Nam từ một nước nông nghiệp lạc hậu, cơ sở vật chất kỹ thuật con nhiều hạn chế... đi lên Chủ nghĩa xã hội và nhất là giai đoạn đổi mới kinh tế, xoá bỏ chế độ kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã đạt được những thành quả đáng kể về nền kinh tế xã hội trong nước và hoà nhập quốc tế. Bên cạnh cũng còn có những tồn tại trong cơ chế chính sách của Nhà nước làm hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và hoạt động Ngân hàng nói riêng.
Thứ nhất, Quảng Bình là một trong những tỉnh nghèo của miền Trung, thiên tai, hạn hán, dịch hoạ thường xuyên xảy ra gây ra những hậu quả nặng nề cho hoạt động sản xuất kinh doanh vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động huy động vốn cũng như việc nâng cao hiệu quả huy động vốn tại chi nhánh Ngân hàng. Tỉnh còn thiếu các chương trình kinh tế trọng điểm, mũi nhọn thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đối với Ngân hàng muốn huy động được nguồn vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế thì phải có chiến lược lãi suất phù hợp.
Thứ hai, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng và liên tục tăng trưởng nhưng chưa thực sự ổn định và vững chắc, giá cả trong nước chưa được kiểm soát còn chịu tác động mạnh của sự biến động giá vàng, ngoại tệ, giá bất động sản.. Do vậy, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người gửi tiền. Hầu hết người dân Việt Nam đều chỉ muốn gửi thời hạn ngắn, khi biến động không có lợi thì dễ xử lý hơn gửi dài hạn. Đó là nguyên nhân lớn nhất mà NHNo&PTNT Quảng Bình không thu hút được nguồn vốn dài hạn để cho vay (tiền gửi có kỳ hạn >12 tháng đạt 759.700 triệu đồng chiếm tỷ trọng 63,88% tổng vốn huy động).
Thứ ba, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có nhiều Ngân hàng, bao gồm các NHTM quốc doanh và các NHTM ngoài quốc doanh, các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng liên doanh, thậm chí các tổ chức phi tài chính nhưng có các sản phẩm tương tự như Ngân hàng như dịch vụ tiết kiệm bưu điện.... Hoạt động cạnh tranh lẫn nhau về mọi mặt như nâng lãi suất huy động vốn nhằm thu hút tối đa nguồn tiền gửi vào Ngân hàng mình.
Thứ tư, cơ chế quản lý của Nhà nước về tiền tệ chưa chặt chẽ và đồng bộ, nhất là quản lý ngoại tệ, nên ở Việt Nam còn sử dụng nhiều loại ngoại tệ đặc biệt là USD trong thanh toán hàng hoá tiêu dùng. Lượng ngoại tệ còn lưu hành trên thị trường Việt Nam còn rất lớn nhưng Nhà nước cũng như các NHTM chưa quản lý và huy động được để đầu tư phát triển kinh tế, phục vụ cho nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liêu cho sản xuất trong nước. Nhiều năm gần đây, cũng như các NHTM trên địa bàn, NHNo&PTNT Quảng Bình luôn tìm các biện pháp để thu hút nguồn vốn dài hạn nhưng hầu như kết quả rất thấp. Do vậy, không thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn trung dài hạn của tỉnh.
Thứ năm, lãi suất là vấn đề mà lâu nay các nhà kinh tế nói chung và các chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng thường hay bàn. Nó luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, nhất là lãi suất huy động vốn để
cho vay nông nghiệp là ngành kinh tế có hiệu quả kinh doanh rất thấp. Trong những năm qua, lãi suất tín dụng đã và đang là công cụ hữu hiệu để điều chỉnh nền kinh tế. Lãi suất huy động vốn của Việt Nam đã và đang cao hơn nhiều so với lãi suất thế giới và các nước trong khu vực. Do vậy, vốn tín dụng chưa thực sự kích thích nền kinh tế phát triển. Mặc dù lãi suất huy động vốn đồng nội tệ của Việt Nam còn cao nhưng người gửi tiền vẫn bị thiệt thòi do tỷ giá giữa đồng nội tệ so với các đồng ngoại tệ còn khá thấp và sự biến động giá vàng trên thị trường còn khá cao. Trước bối cảnh đó, các NHTM trong đó có NHNo&PTNT Quảng Bình vẫn chưa đưa ra được các giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền nên chưa thu hút được tối đa lượng tiền nhàn rỗi từ dân cư vào Ngân hàng để Ngân hàng có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu về vốn cho nền kinh tế.
Thứ sáu, cơ chế chính sách như các quyết định, thể lệ của NHNo&PTNT Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến nguồn vốn trong các tầng lớp dân cư, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn. Hầu hết các văn bản chỉ đạo nhằm hướng dẫn thực hiện các quyết định của Ngân hàng Nhà nước chưa thực sự gắn chặt với thực tế thị trường nông nghiệp, nông thôn, chưa phát huy được thế mạnh về mạng lưới hoạt động rộng lớn của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp. Cho đến nay, NHNo&PTNT Việt Nam chưa có một bộ phận chuyên trách nghiên cứu nhu cầu tiền gửi của các thành phần kinh tế, thói quen cũng như tập quán trong tiêu dùng - tiết kiệm - đầu tư của nhân dân để từ đó cho ra đời các sản phẩm và dịch vụ Ngân hàng hoàn hảo, tiện lợi đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.
* Nguyên nhân chủ quan:
Thứ nhất, chiến lược khách hàng của NHNo&PTNT Quảng Bình chưa được xác định rõ cho phù hợp với tình hình thực tế. Với lợi thế là một Ngân hàng truyền thống với mạng lưới rộng lớn có một lượng khách hàng đến giao dịch với Ngân hàng khá lớn. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy nguồn tiền gửi của khách hàng truyền thống của Ngân hàng bị phân tán cho các Ngân hàng khác trên địa bàn.
Quan hệ giữa lĩnh tiền và gửi tiền của người dân chưa được cải thiện nhiều, các hoạt động này chủ yếu vẫn được thực hiện thủ công và trực tiếp, mọi khoản tiền gửi ở Ngân hàng khách hàng chỉ nhận được một phần lãi còn các dịch vụ khác hầu như chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, công tác Marketing của Ngân hàng chưa được thực hiện đồng bộ, liên tục. Nguyên nhân là do các hình thức huy động vốn của NHNo&PTNT Quảng Bình chưa thực sự phong phú, còn đơn điệu phần lớn là các hình thức huy động vốn truyền thống. Mạng lưới huy động tuy đã được mở rộng song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đôi khi khách hàng chưa thực sự là “thượng đế” của Ngân hàng. Hơn nữa khách hàng chỉ đến giao dịch, gửi tiền ở những Ngân hàng có công nghệ Ngân hàng hiện đại, thuận tiện... để đáp ứng được những đòi hỏi này, trong thời gian qua Ngân hàng đã có những cải tiến, áp dụng một số công nghệ hiện đại, tăng cường cơ sở vật chất tuy nhiên vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Một nguyên nhân nữa là hầu như Ngân hàng chỉ làm công tác tiếp thị, quảng cáo khi cần huy động vốn, làm sao để đáp ứng được nhu cầu cấp bách của mình trong một thời gian nhất định nào đó. Còn những chính sách thu hút vốn từ các tầng lớp dân cư thông qua những hoạt động dịch vụ và quyền lợi của người dân thì ít được quảng cáo. Do đó, sự hiểu biết cũng như nhận thức của người dân về Ngân hàng còn nhiều hạn chế.
Thứ hai, các hình thức huy động vốn ngoại tệ còn nhiều hạn chế làm cho công tác huy động vốn của Ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do NHNo&PTNT Quảng Bình cũng như hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam là một Ngân hàng truyền thống nên việc huy động vốn ngoại tệ còn thấp hơn so với các Ngân hàng thương mại khác trên địa bàn. Hơn nữa lại suất tiền gửi ngoại tệ mà Ngân hàng đưa ra chưa thực sự hấp dẫn khách hàng, trong xu hướng hiện nay người dân thường giữ ngoại tệ và vàng nên số lượng ngoại tệ đưa vào đầu tư còn thấp tạo ra hiện tượng “Đôla hoá” trong nền kinh tế gây khó khăn cho các Ngân hàng trong việc huy động vốn ngoại tệ. Bên cạnh đó, các đối tượng khách hàng
vẫn chưa thật sự tin tưởng vào các hệ thống Ngân hàng đặc biệt là các Ngân hàng cổ phần.
Thứ ba, thời gian thực hiện giao dịch chưa hợp lý chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng do thời gian Ngân hàng thực hiện giao dịch vẫn còn nằm trong giờ hành chính làm giảm khả năng huy động vốn của Ngân hàng. Bên cạnh đó, lãi suất huy động vốn vẫn chưa thực sự linh hoạt do sự chênh lệch giữa lãi suất đầu ra với lãi suất đầu vào có xu hướng bị thu hẹp làm ảnh hưởng trực tiếp kết quả huy động vốn của Ngân hàng.
Thứ tư, chưa thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng mặc dù trong 3 năm qua nguồn vốn huy động đã có sự tăng trưởng vượt bậc nhưng chỉ tập trung vào lượng khách hàng lớn còn nguồn vốn huy động từ dân cư tăng chậm, hiệu quả từ công tác chăm sóc khách hàng còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được lượng khách hàng xuất khẩu để có ngoại tệ. Chính vì vậy, Ngân hàng cần có chính sách khách hàng thường xuyên hơn.
Kết luận: Hiệu quả hoạt động huy động vốn của NHNo&PTNT Quảng Bình năm qua có sự tăng trưởng so với năm trước và dần khẳng định NHNo&PTNT Quảng Bình là một Ngân hàng thương mại lớn tại Quảng Bình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tỉnh nhà theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Đồng thời, những hạn chế, vướng mắc như đã phân tích trên đây cần được xem xét một cách cụ thể để từ đó đưa ra các biện pháp giải quyết cũng như kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn tại NHNo&PTNT Quảng Bình nói riêng và hệ thống Ngân hàng thương mại nói chung.