Mở rộng mạng lưới phục vụ
2.3.2.3. Những hạn chế từ phía ngân hàng
Quan điểm của ngân hàng khi cho vay
Ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ. Do đó mục tiêu hoạt động của các NHTM không nhằm vào điều gì khác ngoài lợi nhuận. Trong hoạt động chính của ngân hàng là cho vay, các ngân hàng không hề có tư tưởng cho vay càng nhiều càng tốt mà là cho vay có chọn lọc những khách hàng có uy tín, có năng lực để giảm bớt tình trạng nợ quá hạn, nợ khó đòi tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Rõ ràng các DNVVN không phải là những khách hàng tiềm năng có uy tín, có năng lực của ngân hàng. Ngân hàng biết rằng cho DNVVN vay vốn là chấp nhận rủi ro mạo hiểm. Vì vậy các ngân hàng thường có tâm lý e ngại, dè chừng khi cho vay DNVVN.
Các văn bản quy định cho vay của ngành ngân hàng chưa có tầm bao quát chung, thiếu những văn bản quan trọng có thể nói là xương sống cho hoạt động của ngân hàng
Hơn nữa các văn bản này tính ổn định không cao, chưa phản ánh đúng đòi hỏi của thực tiễn và còn thụ động. Điều đó được phản ánh sinh động trong việc xây dựng và ban hành văn bản cơ chế cho vay của ngân hàng nhà nước như sau: Quyết định số 77/NH-QĐ ngày 13/6/1991, QĐ số 18/QĐ-NHNN5 ngày 16/2/1994, QĐ số 185/QĐ-NHNN5 ngày 16/9/1994, QĐ số 198/QĐ-NHNN1 ngày 16/9/1994, QĐ số 270/QĐ-NHNN1 ngày 25/9/1995, QĐ số 367/QĐ-NHNN1 ngày 21/12/1995, QĐ số 199/QĐ-NHNN1 ngày 28/6/1997, QĐ số 200/QĐ-NHNN ngày 28/7/1997, QĐ số 324/1998/QĐ-NHNN1 ngày 30/9/1998. Văn bản hiện nay đang có giá trị pháp lý thi hành là Quyết định số 284/2000/QĐ-NHNN1 ngày 25/8/2000 và trong gần hai năm thực hiện vẫn còn nhiều bất cập hạn chế, ngân hàng nhà nước đang nghiên cứu để ban hành văn bản thay thế. Như vậy các văn bản quy định cơ chế cho vay của ngân hàng nhà nước thường xuyên thay đổi và còn nhiều hạn chế đã gây không ít khó khăn cho các ngân hàng và cho cả các DNVVN muốn vay vốn làm ăn.
Trình độ cán bộ nghiệp vụ chưa cao
Đội ngũ cán bộ tín dụng trong ngân hàng chưa có kiến thức đầy đủ về hoạt động kinh doanh ngân hàng trong cơ chế thị trường. Nhiều cán bộ tín dụng bị khách hàng lừa đảo, nhiều cán bộ ngân hàng làm phiền hà khách hàng tạo ra hình ảnh không đẹp về ngân hàng trong con mắt của mọi người. Tình trạng hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự trong quan hệ vay vốn ngân hàng với khách hàng thời gian qua đã tác động lớn đến cán bộ tín dụng. Các cán bộ tín dụng sợ phải chịu trách nhiệm hình sự nên đã hạn chế việc mở rộng tín dụng nhất là đối với kinh tế tư nhân quy mô vừa và nhỏ mặc dù họ có dự án đầu tư tốt mang tính khả thi.
Vấn đề quan trọng không kém gây khó khăn cho các DNVVN tiếp cận vốn vay từ phía ngân hàng là các ngân hàng thường không có thông tin đầy đủ chính xác về doanh nghiệp
Các báo cáo tài chính của doanh nghiệp gửi cho ngân hàng là những báo cáo không trung thực với một hệ thống bảng biểu, số lượng thống kê rất phong phú tuỳ theo từng mục đích cụ thể. Với các báo cáo tài chính này thì doanh nghiệp luôn luôn làm ăn có lãi, khả năng trả nợ cao. Về các tài sản của doanh nghiệp đem thế chấp cầm cố, ngân hàng cũng không có nhiều thông tin, nhiều khi tài sản đó đang có tranh chấp nhưng doanh nghiệp lại cam kết là không có tranh chấp hoặc vẫn tài sản đó doanh nghiệp lại cầm cố thế chấp ở một ngân hàng khác thì ngân hàng càng không thể biết được. Do đó các ngân hàng đã hạn chế cho vay khu vực DNVVN vì những rủi ro bất khả kháng, không dự đoán đề phòng được.
Vốn tự có, vốn điều lệ của ngân hàng là rất thấp
Hiện nay ở nước ta chỉ có NHNo có vốn điều lệ cao nhất 2200 tỷ đồng, các NHTMQD khác có vốn điều lệ là 1100 tỷ đồng. Trong khi đó nguồn vốn huy động được của ngân hàng thường là ngắn hạn mà các DNVVN đang rất thiếu vốn trung và dài hạn để phát triển sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ cho nên ngân hàng đã hạn chế cho DNVVN vay sợ DNVVN không có khả năng trả nợ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng.