Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ ĐÁP ỨNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA BASEL VỀ THANH TRA GIÁM SÁTNGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM (Trang 37)

Điều quan trọng để có thể tiến hành việc ứng dụng thành công quy trình giám sát và quản trị rủi ro theo những chuẩn mực của Basel II chính là vai trò cũng như trách nhiệm của NHNN trong việc đưa ra các nền tảng luật pháp hoàn thiện. Trong đó quy định rõ về thẩm quyền của các tổ chức cũng như những định nghĩa rõ ràng về các thuật ngữ hoặc chuẩn mực dùng làm cơ sở phân tích rủi ro. Hiện tại, hệ thống luật các TCTD của Việt Nam được ra đời từ năm 1997 hầu như chưa đủ tính cập nhật so với những quy định mới trong Basel, ngoài ra các quyết định có liên quan như tỷ lệ an toàn cho TCTD (QĐ 457/2005, QĐ 03/2007) hoặc nghị định về mức vốn điều lệ tối thiểu, quy trình còn rất rải

rác, cần hình thành một bộ luật điều chỉnh về hoạt động của các TCTD trong đó định hướng rõ ràng về mọi hoạt động và chỉ tiêu của các tổ chức này.

Các quy định liên quan đến bảo hiểm tiền gửi cũng rất cần được quan tâm đặc biệt trong thời gian sắp tới, và các quy định này nên gắn liền với phần đánh giá rủi ro của TCTD đối với các khoản mục hoặc danh mục nói chung để có những quy định cụ thể hơn về mức phí, điều lệ tham gia…

Cải cách hệ thống kế toán NH hiện hành theo các chuẩn mực kế toán quốc tế, đặc biệt là các vấn đề phân loại nợ theo chất lượng/mức độ rủi ro, trích lập dự phòng rủi ro, hạch toán thu nhập/chi phí. Phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện hệ thống kế toán theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS). Xây dựng các giải pháp chính sách để hoàn thiện phương pháp kiểm soát và kiểm toán nội bộ trong các NH và tiến tới theo các chuẩn mực quốc tế.

Tạo điều kiện cho các NH ứng dụng công nghệ quản trị NH hiện đại và tạo rào chắn chống lại sự lạm dụng và gian lận, trong đó đặc biệt lưu ý đến sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Mỹ (GAAP) và chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) trong xu hướng hợp nhất giữa hai chuẩn mực này.

Xây dựng thể chế giám sát NH mới đi đôi với thực hiện cơ chế giám sát dựa trên cơ sở rủi ro và xây dựng Luật giám sát an toàn hoạt động NH trên nguyên tắc cải thiện tính độc lập gắn liền với tính trách nhiệm và minh bạch của cơ quan giám sát NH.

Hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý và biện pháp thận trọng trong lĩnh vực NH theo hướng phù hợp với nguyên tắc thị trường và cam kết mở cửa thị trường dịch vụ NH, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở từng bước tạo sân chơi bình đẳng, loại bỏ các rào cản gia nhập thị trường và tiếp cận dịch vụ NH. Có biện pháp khuyến khích kết hợp cưỡng chế các NH nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Đồng thời, nâng cao các điều kiện cấp phép liên quan đến an toàn hoạt động và quản trị đối với các NH được thành lập mới.

Hình thành đồng bộ khuôn khổ pháp lý, áp dụng đầy đủ hơn các thiết chế và chuẩn mực quốc tế về an toàn kinh doanh tiền tệ - NH. Xây dựng môi trường pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động NH minh bạch và công bằng nhằm thúc đẩy cạnh tranh và bảo đảm an toàn hệ thống tiền tệ, NH. Các chính sách và quy định pháp luật về tiền tệ, hoạt động NH góp phần tạo môi trường lành mạnh và động lực cho các NH, doanh nghiệp và

người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Loại bỏ các hình thức bảo hộ, bao cấp, ưu đãi trong lĩnh vực NH và phân biệt đối xử giữa các TCTD. Nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động NH. Tăng cường hiệu lực những chế tài pháp lý, kinh tế và hành chính bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của người đi vay và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các NH. Hạn chế và tiến tới xoá bỏ việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế trong lĩnh vực NH.

Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực của Ủy ban Basel trên cơ sở lựa chọn chuẩn mực thích hợp. Trong đó chú trọng đến các văn bản quy định về việc xếp hạng tín nhiệm nội bộ của mỗi NHTM, điều kiện tiên quyết để NH Nhà nước đồng ý cho việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ.

Đối với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập, NHNN tư vấn cho Chính Phủ và Bộ Tài chính ra văn bản hướng dẫn cụ thể trên cơ sở quy định trong phương pháp chuẩn của hiệp ước Basel II.

Bổ sung định hướng thực hiện hiệp ước Basel trong chính sách phát triển hệ thống NH giai đoạn 2010-2020, trong đó nêu cụ thể và chi tiết về lộ trình áp dụng, các điều kiện áp dụng.

NHNN với vai trò một cơ quan giám sát cần tích cực hướng dẫn, đôn đốc các NHTM sớm ban hành quy định về tiêu chuẩn, yêu cầu tối thiểu đối với hệ thống quản trị rủi ro áp dụng tại NH, bao gồm hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ, hệ thống quản lý tài sản có, tài sản nợ, quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Những yêu cầu tối thiểu mà các NH cần đạt được chính là điều kiện tiên quyết giúp cơ quan giám sát nhà nước chấp thuận việc sử dụng hệ thống quản trị rủi ro tương ứng của NH.

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ ĐÁP ỨNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA BASEL VỀ THANH TRA GIÁM SÁTNGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM (Trang 37)