6.1. Bệnh lý lành tính
• Mụn cơm
Những mụn cơm lành tính có thể xuất hiện ở khắp cơ thể, thường ở mặt, bàn tay và bàn chân. Bệnh hay gặp tuổi thanh thiếu niên, khoảng 10% ở trẻ học đường. Bệnh xuất hiện trong vài tháng cho đến 2 năm, rất ít trường hợp duy trì bệnh dai dẳng trong một thời gian dài. Các genotype HPV 1, 2, 4 thường gây ra các mụn cơm thông thường nhưng ít gặp ở các hạt cơm phẳng còn các genotype HPV 3, 10, 28 là nguyên nhân chủ yếu của các hạt cơm phẳng trên da [Lowy, 2004], [Patterson, 2010].
• Loạn sản thượng bì dạng hạt cơm (Epidermodysplasia Verruciformis)
Đây là một bệnh lý hiếm gặp, xuất hiện sau phản ứng quá nhạy cảm của từng cá thể với các genotype HPV gây bệnh trên da. Bệnh thường xuất hiện từ tuổi nhỏ và duy trì dai dẳng trong một thời gian dài. Các genotype thường gặp là HPV 2, 3, 5, 8, 9, 10, 12, 14, 15, 17, 19, 20, 25, 36, 37, 46, 47, 50. Khoảng ⅓ số bệnh nhân có thể tiến triển thành ung thư da.
HPV 6, 11 là nguyên nhân chủ yếu gây u nhú thực quản, ngoài ra còn gặp các type HPV 13, 32. Một số trường họp có thể tiến triển thành ung thư thực quản.
• Đa bướu gai hô hấp tái diễn (Recurrent respiratory papillomatosis)
Bệnh lý do HPV 6, 11 gây tổn thương lành tính phát triển nhanh ở đường hô hấp có thể dẫn đến khàn giọngvà gây khó thở. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi do lây nhiễm HPV từ mẹ sang con trong giai đoạn chu sinh.
• Sùi mào gà
Sùi mào gà là bệnh lý thường gặp trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục với khoảng 90% các trường hợp có phát hiện HPV 6 và HPV 11. Ngoài ra, còn có thể gặp các type “nguy có cao” như HPV 16, 18, 33, 35, 39, 40, 43, 51, 56 và 58. Các trường hợp nhiễm các type “nguy cơ thấp” đơn thuần thường chỉ có các tổn thương lành tính và có thể tự khỏi, tuy nhiên, khi có đồng nhiễm các type “nguy cơ cao” thì bệnh dai dẳng hơn và có thể tiến triển thành ung thư. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 2,8 tháng (3 tuần đến 8 tháng). Vị trí tổn thương thường gặp ở nam giới là dương vật và hậu môn còn ở nữ thường gặp các khối sùi âm hộ và hậu môn.
6.2. Bệnh lý ác tính
• Ung thư da không phải u hắc tố (Nonmelanoma Skin cancer)
Ung thư da không phải u hắc tố là bệnh rất hiếm gặp, thường ung thư tế bào đáy hoặc ung thư tế bào gai trên da. Ánh nắng mặt trời và sự suy giảm miễn dịch là yếu tố nguy cơ. HPV DNA được phát hiện ở 30-40% bệnh nhân ung thư da không phải u hắc tố có suy giảm miễn dịch.
• Ung thư cổ tử cung
UTCTC là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở lứa tuổi 45- 50. Vị trí ung thư thường xảy ra ở vùng ranh giới giữa biểu mô trụ và biểu mô lát ở cổ tử cung,gồm 75-80% là ung thư biểu mô vảy còn lại là ung thư biểu mô tuyến và dạng hỗn hợp. Quá trình tiến triển lâu dài, từ khi nhiễm HPV đến khi hình thành tổn thương ung thư có thể kéo dài từ 15 đến 25 năm [Lowy, 2004].
Theo kết quả tổng kết của zur Hausen, người đã đoạt giả Nobel Y học năm 2008 với những nghiên cứu phát hiện về HPV, UTCTC là bệnh ác tính chiếm tới 12% tổng số các loại ung thư trên thế giới và là bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ, đứng hàng thứ 2 sau ung thư vú [zur Hausen, 2002] trong đókhoảng 80% các trường hợp UTCTC xảy ra ở các nước đang phát triển [Munoz N. 2003]. Các type HPV “nguy cơ cao” là nguyên nhân của UTCTC gồm HPV16, 18, 45, 31, 33, 35, 51, 52.
Nghiên cứu vai trò của HPV trong cơ chế gây UTCTC đã được bắt đầu nghiên cứu từ khoảng những năm cuối của thập kỷ 70. Năm 1976, Meisel-Fortin đã phát hiện HPV trong tế bào cổ tử cung biến đổi dạng không nhân Koilocyte và sự khác nhau giữa hiện tượng tăng sinh dạng mụn cơm lành tính (dạng không phát triển thành ung thư) và dạng nhiễm HPV hình thành tế bào Koilocyte (có thể tiến triển thành tế bào ung thư). Hai tác giả cũng nhấn mạnh với kết luận, không nhiễm HPV sẽ không có khả năng nhiễm UTCTC và điều này có ý nghĩa xác định vai trò của HPV trong cơ chế gây tổn thương loạn sản cổ tử cung [Meisel và Fortin,1976]. Năm 1981, hai genotype đầu tiên là HPV 16 và HPV 18 được tìm thấy trên mô sinh thiết UTCTC bằng phương pháp dòng hóa đã có ý nghĩa khẳng định vai trò của HPV trong loại bệnh lý ác tính này [zur Hausen], [Meisel, 1981]. Bốn năm sau đó, Schwatz đã xác định toàn bộ các gen của HPV và đặc biệt là vai trò gây bất tử hóa tế bàocủa gen E6, E7 trong UTCTC [Schwatz].
Khi đã có triệu chứng lâm sàng, biểu hiện thường gặp là ra máu bất thường, ra máu tự nhiên, ra máu sau giao hợp hoặc sau mãn kinh. Xuất hiện khí hư lẫn máu, mủ, mùi hôi và đau ở giai đoạn muộn.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến UTCTC là những phụ nữ có hoạt động tình dục tích cực, phụ nữ có hoạt động tình dục sớm, có nhiều bạn tình, có thai sớm, đẻ nhiều, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, hút thuốc lá, sử dụng thuốc tránh thai đường uống kéo dài.
Để giảm tỷ lệ tử vong do UTCTC, cần phòng tránh lây nhiễm HPV đồng thời sàng lọc phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư bằng phương pháp tế bào học, soi cổ tử cung và phương pháp mô bệnh học cổ tử cung.
Phương pháp mô tế bào học cổ tử cung (Xét nghiệm Pap smear) là phương pháp chẩn đoán tế bào học dựa vào tính chất bong ra một cách liên tục của tế bào âm đạo, cổ tử cung, đặc biệt là khả năng dễ bong và bong sớm của các tế bào ác tính. Dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm là một khâu kỹ thuật đầu tiên quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả phát hiện bệnh. Sự ra đời của bàn chải tế bào “Cytobrush” vào năm 1987 đã giảm đáng kể tỷ lệ âm tính giả của xét nghiệm [Wilkinson , 1990].
• Ung thư dương vật
Có mối tương quan giữa tỷ lệ ung thư dương vật và ung thư CTC ở các cặp vợ chồng nhiễm HPV. Đã tìm thấy sự có mặt của HPV trong khoảng 40-50% ở tất cả các thể của ung thư dương vật. HPV được xác định ở khối u tế bào biểu mô dương vật dao động từ 75-80% các trường hợp, và giảm xuống còn 30-60% trong ung thư xâm lấn loại tế bào vảy [19].Bệnh chiếm 6-8% tổng số các loại ung thư, gặp ở tất cả các lứa tuổi nhưng chủ yếu ở tuổi trung niên (40-60 tuổi). Bệnh có thể được tiến triển từ khối sùi mào gà dương vật. Hẹp bao quy đầu cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh.
Các genotype HPV nhóm “nguy cơ cao” thường gặp của ung thư dương vật là HPV 16, 18, 45 và 31.
• Ung thư hậu môn
Ung thư hậu môn cũng tương tự như UTCTC bởi sự liên quan chặt chẽ với các trường hợp nhiễm HPV, gần 85% các trường hợp ung thư hậu môn có liên quan đến HPV. Kết quả định type ở khối ung thư cho thấy, đa số các trường hợp là nhiễm HPV 16 (chiếm 87%), đứng thứ 2 là HPV 18 với gần 9 %. HPV cũng được phát hiện ở đa số các tổn thương tiền ung thư của hậu môn và sự phổ biến của HPV tăng lên theo mức độ nghiêm trọng của tổn thương này, 75% trong giai đoạn AIN1, 86% trong AIN2 và
94% trong AIN3 [21].Các type gây ung thư hậu môn thường giống như các type gây UTCTC. Tuy nhiên, ung thư hậu môn thường gặp cao hơn ở bệnh nhân nhiễm HIV.
• Ung thư vùng hầu họng
Bệnh xuất hiện sau đơn hoặc đa nhiễm các type HPV chủ yếu là HPV 16.
• Một trong số tác nhân gây ung thư âm hộ là HPV, xác định được tỷ lệ HPV khoảng 76% đối với VIN (vulva intra neoplasia) và 36% đối với dạng ung thư biểu mô âm hộ. HPV 16 chiếm tỷ lệ cao nhất (65-93% đối với thể VIN, và 71% với thể carcinoma), sau đó là HPV18.
• Ung thư vùng đầu cổ cũng khá phổ biến hiện nay. Chúng bao gồm ung thư hốc
miệng, hầu họng, thanh quản…) được gọi chung là ung thư vùng đầu cổ. Báo cáo năm 2002 cho biết, hằng năm có khoảng 405.000 trường hợp ung thư vùng đầu cổ mới mắc, 211.000 trường hợp đã tử vong trên toàn cầu. Hai phần ba số người ung thư đó thuộc các nước đang phát triển. Phần lớn loại ung thư này liên quan đến sức tiêu thụ rượu và thuốc lá. Tuy nhiên, khoảng 15- 20% các trường hợp ung thư vùng đầu cổ có liên quan đến nhiễm trùng HPV. Đặc biệt, ung thư vùng họng miệng liên quan đến hành vi quan hệ tình dục, bao gồm quan hệ tình dục bằng đường miệng [12].
Mặc dù HPV là nhân tố cần thiết để gây ra ung thư, nhưng chưa đủ. Do đó, các đồng yếu tố khác bao gồm sử dụng trong thời gian dài thuốc tránh thai, thuốc lá, đồng nhiễm HIV, Chlamydia… tác động đến sự phát triển của các loại ung thư kể trên. Tuy nhiên, nếu thiếu nhân tố nhiễm trùng HPV thì quá trình tiến triển thành ung thư sẽ không xảy ra.