3.1.2.1. Đặc điểm kinh tế - xã hội, dân cư và văn hóa
RNM Tiên Yên - Hà Cối liên quan đến địa phận 03 huyện là Hải Hà, Đầm Hà và Tiên Yên. Tính đến hiện nay, dân số toàn khu vực là 131.458 người (trong đó, huyện Đầm Hà 34.344 người, huyện Hải Hà 52.762 người, huyện Tiên Yên 44.352 người) trong đó dân số phân bố không đồng đều, các xã ven biển có dân cư khá đông đúc bởi có quốc lộ 18 chạy qua... Thành phần dân tộc bao gồm người Kinh chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp đến là dân tộc Dao, Tày, Hoa, Sán Chay, Sán Dìu, số còn lại là dân tộc Thái, Mường, Nùng, H’Mông và một số dân tộc khác không đáng kể.
Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên vẫn ở mức tương đối cao trong khoảng 1,3 đến 1,8% (Huyện Hải Hà 1,3%, Huyện Đầm Hà 1,32%...). Trong vùng, trước đây theo chương trình xây dựng vùng kinh tế mới nhiều người dân ở các vùng khác nhau đã định cư ở đây. Những năm gần đây, tỷ lệ tăng dân số cơ học do hiện tượng di cư tự do ngày càng được hạn chế nhưng vẫn đang tiếp diễn với tốc độ chậm trong đó đáng phải lưu ý là số dân di cư tự do khai thác đất đai sản xuất hàng năm. Khảo sát biến động dân số từ năm 2010 đến nay cho thấy trong dân số huyện chủ yếu là tăng tự nhiên.
Chính những điều này tạo ra áp lực lớn đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ diện tích RNM Tiên Yên - Hà Cối bởi theo báo cáo mới nhất của UBND các huyện thì trên đại bộ phận dân số trong khu vực là làm việc trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thuỷ sản (huyện Đầm Hà là 86,4%, huyện Hải Hà là 81,08%); tỷ lệ lao động trong công nghiệp - thương mại và dịch vụ còn thấp.
Do thiếu vốn đầu tư, tại một số nơi trong vùng sản lượng nông nghiệp thấp và chất màu của đất ngày càng bị suy giảm. Việc xuống cấp của nhiều công trình thủy lợi cũng góp phần làm cho sản lượng không cao. Bên cạnh đó, địa phương còn thiếu các tổ chức phục vụ việc nâng cao học vấn, nghiên cứu, là khó khăn lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thu nhập của người dân chủ yếu từ các sản phẩm nông nghiệp và đánh bắt hải sản. GDP bình quân đầu người còn thấp, không đều giữa các khu vực, cụ thể là Hải Hà 755 USD/người/năm, Đầm Hà 1083 USD/người/năm... Mặc dù các cấp chính quyền của địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo nhưng đến nay đời sống dân cư còn có nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu công cụ sản xuất tiên tiến; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, do đó ảnh hưởng đến nền kinh tế hàng hóa, trình độ dân trí chưa cao dẫn đến đời sống xã hội gặp nhiều khó khăn.
Hầu hết người dân ở vùng nông thôn, ven biển không tập trung ở các thị tứ, thị trấn và khu đông dân cư, đặc biệt là các hộ nghèo và các hộ dân tộc thiểu số. Các cư dân địa phương quanh RNM Tiên Yên - Hà Cối ngoài việc làm nông nghiệp thì một bộ phận khá lớn sống nhờ vào đánh cá và nuôi trồng hải sản mà đa số là thủ công. Nghề cá và nuôi trồng thuỷ, hải sản giữ một vai trò to lớn trong vùng, góp một phần không nhỏ trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh các hoạt động đánh bắt thông thường thì vẫn tồn tại một số hộ gia đình đánh bắt mang tính hủy diệt như dùng kích điện, dàn đèn ánh sáng mạnh, cào đáy mắt lưới nhỏ... Trong thời gian gần đây, sản lượng cá tự nhiên đã giảm đáng kể, chủ yếu cho việc đánh bắt quá nhiều và sử dụng những phương pháp đánh bắt hủy diệt. Chính điều này tạo nên sự mất cân bằng sinh thái, hủy hoại hệ sinh thái và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn thủy sinh vật ở khu vực Tiên Yên - Hà Cối.
3.1.2.2. Hoạt động khai thác, sử dụng
Hoạt động khai thác và sử dụng nguồn lợi tại khu vực Tiên Yên - Hà Cối tập trung chủ yếu vào việc khai thác và nuôi trồng các loại thủy sản nước mặn, lợ. Ngành kinh tế này chiếm đến 20% GDP tại địa phương và thu hút được một số lượng lao động tham gia. Theo số liệu thống kê của huyện Tiên Yên, hiện nay, có trên 1200 lao động của huyện tham gia khai thác và nuôi trồng hải sản, với khoảng 230 phương tiện đánh bắt các loại. Các phương tiện đánh bắt bao gồm các tàu thuyền nhỏ hoạt động ven bờ như giã tôm, te xiệp, lưới rê 3 lớp.
Việc khai thác và sử dụng nguồn lợi sinh vật tại khu vực Tiên Yên - Hà Cối bao gồm việc khai thác tự nhiên (đánh bắt hải sản) và sử dụng nguồn lợi tự nhiên trong nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ.
a. Hiện trạng khai thác, đánh bắt thủy sản
Vùng biển Quảng Ninh là nơi có nguồn lợi hải sản phong phú trong vịnh Bắc Bộ. Trong đó, ở khu vực Tiên Yên - Hà Cối, nổi bật nhất là ngư trường Mỹ - Miều, là vùng biển bao quanh khu vực Hòn Mỹ - Hòn Miều, phía Đông được giới hạn bởi luồng tàu vào bến Dân Tiến, phía Tây giáp dãy đảo đất từ hòn Am Trong, hòn Am Ngoài đến cửa Mô, phía Đông Nam là dãy đảo Vạn Vược, Vạn Nước, Vạn Đuối, và đảo Cái Chiên, phía Tây Bắc giáp với ven bờ huyện Hải Hà, Đầm Hà. Trong ngư trường này có luồng tàu vào cảng Dân Tiến và luồng tàu vào cảng Vạn Gia. Ngư trường Mỹ - Miều là vùng biển nông, có độ sâu từ 1 - 8 m (trung bình 4 m), với diện tích khoảng 135 km2, nền đáy chủ yếu là bùn cát, trầm tích sinh vật. Tuy nhiên, do có dự án xây dựng khu công nghiệp huyện Hải Hà, đất hạ tầng được san lấp ra tận Hòn Miều, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thuỷ sản, và ngư trường này bị thu hẹp nhiều.
Bảng 3.1. Hiện trạng khai thác hải sản hiện nay tại khu vực Tiên Yên - Hà Cối
Huyện Sản lượng chung gồm khai thác và nuôi trồng (tấn) Khai thác (tấn) Hải Hà 10.060 6.080 Đầm Hà 4.228 2.174 Tiên Yên 2.187 1.775
Nguồn: Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, 2013
Vịnh Tiên Yên - Hà Cối có nhiều khu vực là bãi đẻ của của nhiều loài gồm nhóm cá nổi có sản lượng cao trong khai thác như cá trích, cá nục, cá lầm, các loài cá đáy ven bờ (cá song, cá tráp, cá mối, cá chai, cá dìa, cá bơn), các loài tôm, đặc biệt là tôm he, tôm sú, tôm rảo, các loài cua, ghẹ và thân mềm, điển hình là khu vực quanh hòn Mỹ - hòn Miều.
Nhìn chung, sản lượng khai thác hải sản tại khu vực vịnh Tiên Yên - Hà Cối là tương đối lớn, nổi bật nhất là huyện Hải Hà với trên 10.000 tấn hải sản các loại được khai thác hàng năm (Bảng 3.1). Theo số liệu thống kê của các huyện thuộc khu vực Tiên Yên - Hà Cối, sản lượng khai thác có xu hướng tăng cao lên năm, có thể là do việc cải thiện năng lực đánh bắt, về phương tiện cũng như số lao động tham gia khai thác.
b. Hiện trạng nuôi trồng thủy sản
Nhìn chung, theo số liệu thống kê của các huyện thuộc khu vực Tiên Yên - Hà Cối, diện tích và sản lượng nuôi có xu hướng tăng qua các năm. Số liệu về diện tích và sản lượng nuôi tôm, một đối tượng nuôi quan trọng ở các địa phương thuộc vùng biển Tiên Yên - Hà Cối, đã minh chứng cho điều đó (Bảng 3.2). Tuy nhiên, theo đánh giá chung, sản lượng và năng suất không đáp ứng được yêu cầu so với quy hoạch và kế hoạch dự kiến. Nguyên nhân chính là do nhân dân trong vùng chủ yếu vẫn sử dụng phương thức nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Tuy các phương thức này ít ảnh hưởng đến hệ sinh thái và ít gây ô nhiễm môi trường nhưng năng suất thấp. Tuy nhiên, do năng suất không cao nên một số nơi đã phá RNM để mở rộng diện tích nhằm tăng sản lượng.
Trong khu vực Tiên Yên - Hà Cối, diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn lợ tập trung chủ yếu vào các xã của huyện Đầm Hà và Tiên Yên (Bảng 3.3).
Bảng 3.2. Diện tích và sản lượng nuôi tôm từ năm 2001 - 2012 ở các huyện, thị thuộc vùng biển cửa sông Tiên Yên - Hà Cối
Địa phương Thực tế đạt được 2001 2005 2007 2009 2012 Diện tích (ha) Sản lượng (tấn) Diện tích (ha) Sản lượng (tấn) Diện tích (ha) Sản lượng (tấn) Diện tích (ha) Sản lượng (tấn) Diện tích (ha) Sản lượng (tấn) Toàn tỉnh 6.205 1.543 11.333 4.310 10.380 6.690 10.534 6.980 10.758 7.670 Hải Hà 100 30 312 198 372 300 421 450 445 630 Đầm Hà 70 20 136 114 170 210 200 242 238 310 Tiên Yên 500 150 1.050 400 901 300 860 460 790 520
Bảng 3.3. Diện tích sử dụng và sản lượng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ hiện nay
Huyện Diện tích (ha) Sản lượng (tấn)
Hải Hà 3.680
Đầm Hà 559 1.734
Tiên Yên 1.095 400
Nguồn: Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, 2013
Hoạt động nuôi thủy sản nước mặn, lợ diễn ra ở các khu vực khác nhau, từ trong các đầm nuôi thông với vùng nước mặn qua hệ thống đê cống, đến các vùng chương bãi (vùng triều) và các vùng dưới triều.
Khu vực Tiên Yên - Hà Cối có nhiều diện tích RNM chạy dọc bờ biển, đặc biệt rộng là ở khu vực Đồng Rui của huyện Tiên Yên. Hệ sinh thái RNM nơi đây là nơi cư trú của nhiều loài hải sản, có tiềm năng lớn về thức ăn và nguồn giống cho việc phát triển nuôi thủy sản trong các đầm nuôi có đê cống. Các đầm nuôi được hình thành một phần do việc khai phá một phần diện tích RNM, một diện tích đất nằm ở tuyến cao triều cũng được sử dụng cải tạo thành các đầm nuôi với các đê cống thông ra vùng triều.
Khu vực chương bãi, vốn chiếm diện tích lớn trong khu vực Tiên Yên - Hà Cối, cũng là nơi có tiềm năng lớn cho hoạt động nuôi hải sản. Các chương bãi ở đây chủ yếu hình thành bởi phù sa từ các cửa sông, nên nền đáy phần lớn là cát hoặc bùn, phân bố ở bờ biển hoạch xung quanh các đảo. Khu vưc chương bãi là nơi sống tự nhiên của các loài hải sản có giá trị kinh tế như ngao, ngán, sò, vạng, tu hài, hàu, nghêu, vẹm xanh, điệp quạt, hải sâm, bông thùa, sá sùng.... Vì vậy đây cũng là nơi thích hợp để tổ chức nhân nuôi những loài đó mà không mất chi phí xây đắp đê cống. Tiềm năng diện tích chương bãi thích hợp cho nuôi hải sản ở khu vực Tiên Yên - Hà Cối lớn nhưng hầu hết các địa phương đều chưa tận dụng tốt. Người dân địa phương ở đây vẫn chủ yếu khai thác hải sản trực tiếp trên các bãi triều tự nhiên hoặc khoanh vùng để lưu giữ hải sản theo phương thức quảng canh như điển hình ở Đồng Rui, chứ chưa xây dựng được hệ thống nhân nuôi những loài hải sản có giá trị ngay tại sinh cảnh tự nhiên của chúng.
Những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Sở nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh lập dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển tại huyện Đầm Hà với diện tích nuôi chương bãi tại khu Trương Cả là 650ha, nhằm tận dụng tiềm năng mặt nước sẵn có, đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ để nâng cao sản lượng thu hoạch, đặc biệt là các loài thân mềm. Tuy nhiên, nguồn giống chỉ một phần từ sản xuất nhân tạo, còn lại phần lớn từ thu gom từ tự nhiên hoặc mua từ địa phương khác, nên chưa có sự ổn định về số lượng và chất lượng nguồn giống. Đã có những cố gắng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trong việc đã chỉ đạo hướng dẫn kỹ thuật, mùa vụ thả nuôi, kiểm tra chất lượng con giống nhưng hiệu quả thực hiện tại địa phương chưa cao.
Đánh giá chung:
Cũng như vùng ven biển cửa sông Tiên Yên, năng suất đánh bắt ở vùng ven biển cửa sông Hà Cối đang giảm qua từng năm và trong số cá đánh được thì cá con chiếm phần lớn. Ở cả hai vùng ven biển cửa sông Tiên Yên và Hà Cối, vẫn còn tình trạng khá phổ biến là ngư dân dùng nhiều cỗ lưới đáy ở khu vực cửa sông và sử dụng đăng với chiều dài từ 500-1500m quây lấy RNM để bắt tôm, cá con theo thủy triều rút ra biển. Thêm vào đó, hiện tượng sử dụng xung điện, đèn cao áp, thuốc nổ để khai thác ở khu vực ven biển cửa sông trong vùng đã gây tác hại lớn đến nguồn lợi thủy sản trong đó có cá. Điều đáng lưu ý là tại hai vùng ven biển cửa sông Tiên Yên và Hà Cối, phương tiện đánh bắt chủ yếu vẫn là những thuyền có công suất nhỏ, dẫn đến sản lượng các loài cá tạp, chất lượng thấp ngày càng chiếm tỉ lệ cao trong các mẻ lưới.
Nuôi trồng thuỷ sản tại khu vực Tiên Yên - Hà Cối ở mức độ nào đó đã góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn định đời sống của nhân dân trong khu vực. Tuy nhiên sự phát triển nghề khai thác và nuôi trồng thuỷ sản tại khu vực chưa thực sự ổn định và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ cho nghề nuôi trồng thuỷ sản biển và nước lợ nhìn chung còn rất thiếu và chưa đồng bộ. Hiện nay, việc khai thác và nuôi trồng thuỷ sản tại đây chủ yếu mang tính tự phát, thiếu sự phối hợp đồng bộ với các giải pháp phương tiện đánh bắt, về con giống, thức ăn, thị trường, bảo vệ môi trường,
nguồn lợi. Khi tốc độ phát triển việc khai thác hải sản tăng lên, cộng với việc thay đổi một số môi trường sống tự nhiên (RNM) để phục vụ nuôi trồng có thể dẫn đến việc đánh bắt quá mức và làm suy giảm điều kiện sống của nhiều loài hải sản có giá trị, làm cạn kiệt nguồn lợi sinh vật.
Quy mô nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ hiện nay còn nhỏ, chưa phù hợp với tiềm năng phát triển của địa phương, kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi trồng thuỷ sản còn thấp, hiệu quả nuôi trồng vẫn chưa cao, hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh và quảng canh cải tiến. Việc nuôi trồng không đúng kỹ thuật hoặc có thể gặp nhiều nhiều rủi ro, dễ gây ra một số hiệu quả tiêu cực về mặt kinh tế. Trong tương lai, ngành này còn có thể đối mặt với những xung đột trong việc sử dụng tài nguyên đất và mặt nước với các ngành kinh tế khác như công nghiệp, giao thông (hoạt động xây dựng cảng biển khu vực huyện Hải Hà).
3.1.2.3. Quy hoạch phát triển
Theo định hướng phát triển mà UBND tỉnh Quảng Ninh đặt ra, các thị tứ mang dáng dấp đô thị dọc theo tuyến Quốc lộ 18 sẽ được chú trọng phát triển và đẩy mạnh quá trình đô thị hóa trở thành hạt nhân làm động lực phát triển chung cho cả khu vực. Các đô thị, khu dân cư đã có sẽ được cải tạo, nâng cấp, phát triển, mở rộng gắn liền với phát triển các cụm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch. Để phục vụ kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội, giao thông đô thị cũng sẽ được nâng cấp mở rộng, phát triển hợp lý phù hợp với không gian đô thị, đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại và sinh hoạt trong khu vực nội thị. Quốc lộ 18 đã, đang và sẽ được nâng cấp, mở rộng. Các tuyến đường liên thông, liên xã, liên huyện cũng được chú trọng phát triển.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã phê duyệt kế hoạch xây dựng