5. Thực hiện các quy định về đảm bảo tiền vay theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
2.2.1.2 Tình hình phát triển kinh tế huyện Tiên Lữ
Trong những năm gần đây, nền kinh tế của huyện Tiên Lữ đã phát triển mạnh. Cụ thể như sau:
Sản xuất nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện; năng suất, sản lượng và giá trị tăng cao trong điều kiện đầu vụ Đông Xuân thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại kéo dài kỷ lục, sau đó thời tiết thuận lợi đối với cây trồng, vật nuôi. Công tác phòng, trừ sâu bệnh được chủ động, lúa được cấy trong khung thời vụ tốt nhất; cơ cấu giống, trà vụ chuyển đổi mạnh theo hướng tích cực. Chăn nuôi, thuỷ sản phát triển khá ổn định. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được thực hiện tốt, không để dịch bệnh xảy ra. Thực hiện tu bổ và nạo vét kênh mương đúng kế hoạch, xây dựng kế hoạch tưới tiêu hợp lý. Kiểm tra, giải toả vi phạm hành lang bảo vệ đê điều; chủ động xây dựng các phương án phòng chống lụt, bão, úng, đảm bảo an toàn hệ thống đê, kè trước mùa mưa lũ. Tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Kinh tế trang trại, các làng nghề, ngành
nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển, giải quyết được nhiều lao động tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân. Kết quả đạt được như sau:
Tổng diện tích gieo trồng cả năm 12223,2 ha, đạt 99,02% kế hoạch giao, giảm 89,6 ha so năm 2010; trong đó, lúa 9105,6 ha, tăng 10 ha so cùng kỳ (lúa chất lượng cao chiếm 54,74%). Năng suất lúa bình quân một vụ ước đạt 64,44 tạ/ha, sản lượng lương thực ước đạt 7,25 vạn tấn (thóc 6,6 vạn tấn); diện tích cây vụ đông 1816,75 ha, đạt 96,9% kế hoạch, giảm 51 ha so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng nhãn, vải đạt 12,55 nghìn tấn, các cây ăn quả khác như cam, quýt, chuối đều tăng khá, sản lượng đạt 15,875 nghìn tấn. Tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ về quy mô và sản lượng xuất chuồng: Đàn trâu 800 con (tăng 0,97%); đàn bò 9075 con (tăng 1,2%), sản lượng thịt bò đạt 650 tấn (tăng 5,56%); đàn lợn 92,5 nghìn con (tăng 2,76%), sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 18700 tấn (tăng 3,64%); đàn gia cầm 1,6 triệu con (tăng 4,6%), sản lượng đạt 5405 tấn (tăng 4,77%); thủy sản phát triển khá, sản lượng ước đạt gần 3 nghìn tấn, tăng 14,73%.
Đã đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch ngành, tiến độ xây dựng Đề án phát triển giống cây trồng vật nuôi và Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hoá hiệu quả cao, đang tiến hành lập quy hoạch xây dựng NTM và triển khai xây dựng ở 20 xã điểm. Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường được quan tâm, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 89,1%.
Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn, do giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng, sức mua của thị trường giảm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh, nhờ đó sản lượng tăng đáng kể. Tiểu thủ công nghiệp được mở rộng, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nhất là các ngành nghề truyền thống, các
mặt hàng xuất khẩu. Hợp tác đầu tư tiếp tục phát triển, điều kiện thu hút dự án đầu tư thuận lợi, số dự án đầu tư vào địa bàn tăng, các doanh nghiệp cơ bản chấp hành tốt các qui định của Nhà nước và của tỉnh. Dự kiến kết quả đạt được cả năm như sau:
Giá trị sản xuất công nghiệp ước 2549,77 tỷ đồng, tăng 15,54% so cùng kỳ và đạt 97,09% kế hoạch; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 14,86%; khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 18,01%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,84%; khu vực hộ kinh doanh cá thể tăng 13,54%. Phân theo nhóm ngành gồm: Công nghiệp khai thác giảm 6,7%, công nghiệp chế biến tăng 15,61%, công nghiệp điện nước tăng 10,41%. Trong đó, các sản phẩm chủ yếu đều tăng như: Chế biến thức ăn gia súc tăng 81,78%, may mặc tăng 22,03%, sắt thép tăng 16,7%, ti vi tăng 15%, giày dép tăng 5,39%, bao bì các loại giảm 34,2%, tủ lạnh, tủ đá tăng 4,77%, ô tô từ 30 chỗ ngồi trở lên giảm 1,6%, xe máy tăng 9,46%,...
Thương mại và dịch vụ
Thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, tỉnh đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động nhằm bình ổn giá trên thị trường như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại…, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hụt hàng hóa, gây sốt giá. Xuất khẩu có nhiều thuận lợi do sự phục hồi của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới và việc điều chỉnh tỷ giá trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Kết quả đạt được ước cả năm như sau:
Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ ước 1539,12 tỷ đồng, đạt 108,96% kế hoạch, tăng 24,2% so cùng kỳ; trong đó thương nghiệp tăng 24,73%, khách sạn - nhà hàng tăng 20,2%, dịch vụ tăng 17,4%. Chỉ số giá tiêu dùng chung so tháng 12 năm 2010 tăng 17,68%; trong đó, dịch vụ ăn uống tăng 23,09%; dịch
vụ nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 11,8%, dịch vụ giao thông tăng 11,37%,...