Nguyên tắc cơ bản trong quy hoạch sử dụng đất đô thị

Một phần của tài liệu Đánh giá biến động sử dụng đất phục vụ quản lý đất đai thị xã Sơn Tây (Trang 25)

7. Cấu trúc của luận văn

1.4.3. Nguyên tắc cơ bản trong quy hoạch sử dụng đất đô thị

Quy hoạch sử dụng đất đô thị tuân theo tất cả các nguyên tắc trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói chung. Ngoài ra, nó cũng có các nguyên tắc riêng trong sử dụng đất đô thị. Đó là:

a) Nguyên tắc phân công khu vực của việc quy hoạch sử dụng đất đô thị

Căn cứ vào tính chất tự nhiên và vị trí của các mảnh đất khác nhau trong đô thị, tuỳ theo tình hình cụ thể của từng nơi mà xây dựng phương hướng và phương thức sử dụng của mỗi mảnh đất. Căn cứ vào nguyên tắc lợi thế so sánh phân công khu vực của sử dụng đất đô thị phân ra 3 nguyên tắc cụ thể:

+ Nguyên tắc phân công có lợi tuyệt đối + Nguyên tắc phân công có lợi tương đối

+ Nguyên tắc phân công ưu thế tối đa và ưu thế tối thiểu

b) Nguyên tắc lựa chọn vị trí khu vực

Lựa chọn vị trí khu đất đô thị cụ thể bao gồm lựa chọn vị trí khu vực công nghiệp, lựa chọn vị trí khu vực thương nghiệp, lựa chọn vị trí khu vực dân cư, lựa chọn vị trí khu vực ngoại thành. Để lựa chọn hợp lý vị trí khu vực đất đô thị, cần tiến hành phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến chúng cụ thể như sau:

- Đối với việc lựa chọn vị trí khu vực công nghiệp: cần chú ‎ý đến các nhân tố: Nhân tố tự nhiên (đất đai, khoáng sản, nhiên liệu,...); nhân tố thị trường (quy mô, cơ cấu, sức chứa của thị trường); nhân tố giao thông vận tải (đường sá, phương tiện,

trình độ tổ chức quản lý, điều hành các hoạt động giao thông vận tải), nhân tố xã hội (dân số, việc làm, thu nhập); nhân tố hành vi (trạng thái, tâm lý, lối sống đạo đức)

- Đối với việc lựa chọn vị trí khu vực thương nghiệp chủ yếu: Quy mô và cơ cấu dân cư đô thị; khoảng cách giữa các trung tâm thương nghiệp trong khu vực; nhu cầu, thị hiếu của dân cư đô thị và vùng lân cận.

- Đối với việc lựa chọn vị trí khu vực dân cư: cần quan tâm đến mức thu nhập của dân cư đô thị; vị trí địa chỉ các ngôi nhà trong khu dân cư; tố chất của vùng phụ cận dân cư đô thị.

- Đối với việc lựa chọn vị trí khu vực ngoại ô là: cần quan tâm đến khoảng cách nơi sản xuất nông sản, thực phẩm đến thị trường trung tâm đô thị; sự khác nhau về diện tích đất cần thiết cho việc sản xuất nông sản của các đơn vị sản xuất; giá thành vận chuyển nông sản thực phẩm từ ngoại ô và nội thành, nội thị.

c) Nguyên tắc quy mô thích hợp của việc sử dụng đất đô thị

Quy mô sử dụng đất đô thị được quyết định bởi tính chất đô thị. Quy mô sử dụng đất đô thị là có sự kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế và dân số đô thị theo một tỷ lệ nhất định. Sự kết hợp chặt chẽ này sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc sử dụng đất đô thị.

d) Nguyên tắc hiệu quả tổng hợp của sử dụng đất đô thị

Sự vận hành của kinh tế đô thị cần phục tùng mục đích sản xuất của Nhà nước, điều này đòi hỏi sử dụng đất đô thị phải tuân theo nguyên tắc hiệu quả tổng hợp của các lĩnh vực kinh tế, xã hội và sinh thái.

Vì vậy, khi xác định quy hoạch sử dụng đất đô thị cần phải tuân theo tất cả các nguyên tắc trên. Phương án quy hoạch sử dụng đất đô thị có tính khả thi là một phương án nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả sinh thái, đảm bảo mục tiêu chiến lược phát triển của đô thị, là phương án tối ưu hoá hiệu quả xã hội.

Một phần của tài liệu Đánh giá biến động sử dụng đất phục vụ quản lý đất đai thị xã Sơn Tây (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)