II. Giải pháp đẩy mạnh hoạt động XTĐT nhằm tăng cường thu hút đầu tư FDI vào Hà Nội.
1. Xây dựng và nâng cao chất lượng các chiến lược xúc tiến đầu tư có trọng tâm trọng điểm
có trọng tâm trọng điểm
Kết quả từ những cuộc phỏng vấn, điều tra cho thấy nhu cầu có một cơ quan tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm xây dựng và thực hiện những chiến lược xúc tiến FDI có hiệu quả là vô cùng cần thiết. ở cấp quốc
gia chiến lược xúc tiến đầu tư cần được chỉ đạo tập trung bởi Uỷ ban xúc tiến đầu tư quốc gia HIPC.
Tại các cơ quan xúc tiến đầu tư cấp tỉnh và địa phương cũng cần xây dựng và thực hiện chiến lược và hoạt động xúc tiến nhưng ở mức độ hẹp hơn. Trung tâm xúc tiến đầu tư Hà Nội cùng các văn phòng đại diện cần đóng một vai trò quan trọng cả trong phối hợp và hỗ trợ các hoạt động của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất địa phương. Chính vì vậy những chiến lược xúc tiến đầu tư đề xuất tại đây có thể áp dụng cho trung tâm xúc tiến đầu tư Hà Nội và cả các cơ quan xúc tiến đầu tư địa phương.
Một chiến lược xúc tiến đầu tư phải bao gồm những công đoạn sau: - Xác định ngành nào sẽ là ngành mũi nhọn trong ngắn hạn (1 - 2 năm) và trung hạn (3 - 5 năm)?
- Cần tập trung chính vào khu vực địa lý nào?
- Những hình thức xúc tiến nào có thể được lựa chọn để thu hút các công ty?
* Sự cần thiết phải có chiến lược xúc tiến đầu tư có trọng điểm
Xu hướng xúc tiến đầu tư hiện nay là nhằm có được những chiến lược tập trung hơn - chẳng hạn tập trung mọi nguồn lực xúc tiến vào việc thu hút một dòng FDI nhất định đã xác định trước hơn là dòng FDI nói chung. Sự cần thiết cuả những chiến lược tập trung này xuất phát từ những lý do sau đây:
Thứ nhất, việc xúc tiến đầu tư có trọng điểm có thể giúp quốc gia đó đạt được những mục tiêu chiến lược liên quan tới những khía cạnh như nhân sự, chuyển giao công nghệ , xuất khẩu và các lĩnh vực khác trong chiến lược phát triển chung.
Thứ hai, hiện đang có một sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thế giới để có được nguồn FDI, đặc biệt là dòng FDI vào phương Đông. Các TNC kỳ vọng vào một thị trường rộng và nhiều tiềm năng hơn khi đầu tư FDI vào các nước Châu á và việc xúc tiến đầu tư có tập trung thực sự là rất quan trọng đối với
nước nhỏ và chậm phát triển.
Một nguyên nhân nữa là vấn đề hiệu quả chi phí, rất nhiều cơ quan xúc tiến đầu tư đã nhận ra rằng các hoạt động tạo dựng hình ảnh chung và vận động đầu tư chung chung sẽ không đem lại hiệu quả trừ khi chúng được thực hiện với một chiến lược xác định nhằm thu hút một dòng FDI cụ thể.
* Xác định ngành mũi nhọn và các nguồn tiềm năng.
Một chiến lược xúc tiến đầu tư FDI có trọng điểm yêu cầu phải xác định được ngành nghề, hoạt động, quốc gia và cả các công ty cần tập trung vận động đầu tư.
Đối với Hà Nội, việc đầu tiên là cần xác định vị trí của mình so với các đối thủ cạnh tranh như các địa phương khác trong cả nước nhằm xác định điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình - có nghĩa là cần xác định khả năng và những lợi thế thu hút của Hà Nội.
Dựa trên những phân tích về những lợi thế cạnh tranh của môi trường đầu tư tại Hà Nội, Hà Nội đang có rất nhiều lợi thế như:
- Môi trường kinh tế - chính trị ổn định.
- Vị trí chiến lược tại Đông Dương và Đông Nam á với tiềm năng trở thành một thị trường chính của khu vực.
- Lực lượng nhân công trẻ, đông đảo và chi phí thấp.
Kết quả phân tích ngành nghề đã cho thấy trước tiên cần tập trung vào những ngành có các tiêu chuẩn cụ thể đang được cả Chính phủ và các nhà đầu tư đều đánh giá cao như:
- Ngành dầu mỏ và khí đốt. - Công nghiệp điện tử. - Công nghiệp hoá chất. - Công nghiệp sợi. - Giầy dép.
Những ngành sau đây được chính phủ đánh giá cao nhưng theo ý kiến các nhà đầu tư thì chỉ ở mức trung bình. Cũng có thể tập trung vào các ngành này, tuỳ theo mục tiêu và nguồn lực của các cơ quan xúc tiến đầu tư. Đó là:
- Công nghiệp máy móc - Công nghệ thông tin
- Công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cá - Công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp - Công nghiệp dệt
- Xây dựng hạ tầng cơ sở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Cũng cần phải chú ý rằng chất lượng xúc tiến đầu tư không phải là sự phân tích tĩnh và cố định. Nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế từng khu vực, từng quốc gia và từng địa phương luôn có sự thay đổi. Cần quan tâm tới những yếu tố này để tìm ra những nhà đầu tư tiềm năng.
Trong bối cảnh của cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia thu hút FDI, trung tâm xúc tiến đầu tư Hà Nội càng phải chú trọng xác định không chỉ các ngành mà cả những hoạt động, những khu vực kinh tế mới... để có thể nâng lợi thế của khu vực lên mức tối đa. Một quốc gia hay một khu vực chỉ có được những lợi thế cạnh tranh từ những lĩnh vực hay sản phẩm tự nhiên của mình. Việc xác định những sản phẩm và lĩnh vực đó để tập trung vào là rất cần thiết đối với từng địa phương.
Khi đã xác định được các ngành mũi nhọn thì một điều quan trọng nữa là phải xác định những phân đoạn thị trường có tiềm năng đầu tư. Cách phân đoạn thị trường của marketing cũng có thể được áp dụng tại đây. Đó là phân đoạn theo kinh tế, địa lý, nhân khẩu học và tâm lý học. Đối với đầu tư nước ngoài thì, địa lý và kinh tế là hai yếu tố cần quan tâm nhất.
Các chiến lược trọng điểm tập trung vào các ngành mũi nhọn cũng cần được xem xét về mặt cơ cấu cũng như các kỹ thuật sản xuất và dựa vào những phân tích đó để phát triển những chính sách, chiến lược marketing cho từng
ngành cụ thể: