Kết quả nghiên cứu ở bảng 3.8 cho ta thấy khi vòng bụng tăng lên, tức là ở nhóm béo phì dạng nam thì tỷ lệ xuất hiện Albumin niệu vi thể cũng tăng lên so với nhóm không có BPDN, cao nhất ở đối tượng nam có béo phì dạng nam. Điều này định hướng cho ta nghĩ tới mối quan hệ có thể có giữa béo phì dạng nam và nồng độ Albumin niệu vi thể. Kết qủa nghiên cứu chúng tôi đã cho thấy có mối tương quan thuận giữa vòng bụng và Albumin niệu vi thể với r = 0,268. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Th.s Hồ Xuân Sơn chứng tỏ rằng có mối tương quan giữa vòng bụng và Albumin niệu vi thể với r = 0,47 (p < 0,05) ở nhóm bệnh nhân nam và r = 0,343 (p < 0,01) ở nhóm bệnh nhân nữ [7].
Các nghiên cứu theo dõi kéo dài trên 10 năm tại Thụy Điển đã chứng minh được sự phân bố mỡ vùng bụng là một yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh lý tim mạch và ĐTĐ. Một nghiên cứu khác về sự tập trung mỡ bụng của Hung Liu và cs năm 2006 bằng cách dùng siêu âm để đo tỉ mỹ độ dày của lớp mỡ mạc treo, mỡ trước mạc treo, mỡ dưới da ở 290 người Trung Quốc cũng đã khẳng định: cứ tăng 1mm bề dày của lớp mỡ mạc treo thì nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa sẽ tăng lên 1,35 lần [2]. Ta thấy tỷ lệ béo phì dạng nam ở người cao tuổi rất cao (ở nghiên cứu của chúng tôi là 78,83%) và được phát hiện nhạy hơn qua chỉ số vòng bụng mà không dùng BMI, hơn nữa nhiều nguy cơ bệnh tật có liên quan mật thiết với số đo vòng bụng, do vậy chúng tôi nghĩ nên dùng số đo vòng bụng để đánh giá béo phì trong các điều tra dịch tể cộng đồng.