Không khí tạo hoàn cảnh

Một phần của tài liệu Một số cốt truyện trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu (Trang 28)

Nhà văn Nguyễn Tuân có lần nói về cảm xúc của mình khi đọc truyện của Đôtxtôiepxki “Vào truyện của Đốt là thấy tối sầm mặt lại”. Nhà nghiên cứu văn học Phong Lê, khi đọc truyện Thời thơ ấu của Nguyên Hồng có cảm giác: “Tôi cứ ngẩn ngơ hoài trước một tuổi thơ sao mà cay cực đến thế, và sao mà nhà văn lại có thể thành thực đến thế! Một sự chân thực đến tận từng chi tiết, khiến đọc đến mà sững sờ, mà nổi gai lên trong trí, mà run rẩy đến từng cảm xúc” [31. 32]... Như vậy, tác phẩm văn chương có khả năng tác động sâu xa tới thế giới cảm xúc của con người. Khi thực sự sống cùng thế giới nghệ thuật của nhà văn, người đọc thường có những trạng thái cảm xúc khác nhau. Có những tác phẩm khi đọc lên ta có cảm giác thoải mái, mơ màng, vui vẻ... có tác phẩm làm ta thấy bức bối, ngột ngạt, căng thẳng... Đó chính là hiệu ứng từ không khí của tác phẩm tác động tới người đọc. Trong hệ thống cấu trúc của hoàn cảnh, không khí là một khái niệm mang thuộc tính thẩm mỹ rõ rệt. Theo tác giả Phạm Mạnh Hùng: “Không khí của hoàn cảnh là trạng thái tinh thần chung của đời sống, là không khí xã hội toát ra từ một hoàn cảnh nghệ thuật, một môi trường hoạt động của các nhân vật, nghĩa là nó đã trở thành không khí nghệ thuật được tạo nên trong tác phẩm” [17. 95]. Trong quá trình tạo dựng hoàn cảnh, nhà văn phải tạo được không khí. Khi

tiếp xúc với tác phẩm người đọc không chỉ nhìn thấy hoàn cảnh mà còn phải cảm thấy không khí toát ra từ hoàn cảnh ấy. “Lớp không khí ấy sẽ chuẩn bị tâm thế cho độc giả cảm nhận và bình luận ý nghĩa sâu xa của số phận và những bước thăng trầm của chúng” [17. 96]. Không khí của tác phẩm được toát lên từ nhiều chi tiết, hình ảnh. Nhưng cần lưu ý rằng, chỉ có những chi tiết, hình ảnh nằm trong một hệ thống chỉnh thể mới tạo ra không khí của tác phẩm, còn những chi tiết đơn lẻ thì khó có khả năng tạo không khí... Tác giả Phạm Mạnh Hùng đã xác định những yếu tố trong tác phẩm có ẩn chứa không khí tạo hoàn cảnh: “Không khí của hoàn cảnh nghệ thuật toát lên từ hệ thống nhân vật, từ hệ thống những mâu thuẫn xung đột, từ cơ chế của hoàn cảnh... và từ tất cả những chi tiết cấu thành tác phẩm, kể cả các chi tiết về hình ảnh thiên nhiên, khí hậu, thời tiết, âm thanh, màu sắc, thế giới đồ vật...” [17. 98]. Mỗi tác phẩm văn học có một không khí riêng. Có tác phẩm toát ra không khí hư hư thực thực (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành - Nguyễn Minh Châu) không khí ma quái, ghê sợ (Luân hồi, Thiên thần sám hối - Tạ Duy Anh), không khí ngột ngạt chết chóc (Cõi người rung chuông tận thế - Hồ Anh Thái), không khí u buồn, bế tắc (Hậu thiên đường - Nguyễn Thị Thu Huệ), không khí kỳ ảo (Bán cốt, Nàng tiên xanh xao - Võ Thị Hảo)... Từ trong những bầu không khí được các nhà văn sáng tạo ấy, số phận của các nhân vật càng được làm nổi bật, tính cách của các nhân vật càng được bộc lộ rõ nét và tạo ra sức truyền cảm mãnh liệt, những ám ảnh khó phai trong tâm hồn người đọc “Gấp sách lại người ta vừa mừng rơn như vừa thoát khỏi một cơn ác mộng, lại vừa tiếc nuối vì phải chia tay với những điều mà đời thực không có” [53. 245]. Việc tạo ra được không khí cho hoàn cảnh không phải là điều dễ dàng đối với người nghệ sĩ văn chương. Những nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo là những người rất có tài trong việc tạo dựng không khí cho hoàn cảnh. Điều đó góp phần cho họ không lặp lại ai và không lặp lại chính mình trên con đường lao động nghệ thuật vừa “khổ ải” vừa thú vị này.

Ngoài những yếu tố đã kể trên có thể thấy nhịp điệu cũng tham gia vào việc tạo nên không khí của hoàn cảnh. (Cần lưu ý rằng nhịp điệu của tổ chức lời văn, nhịp điệu được tạo nên từ ngôn ngữ người kể chuyện, không phải là nhịp điệu trong cấu trúc hoàn cảnh nghệ thuật). GS Trần Đình Sử có nhận xét “Nhịp điệu để sắp xếp trật tự các âm thanh cho người ta nghe được là hình thức bề ngoài, còn những nhịp điệu ấy hướng tới một cảm xúc, tạo ra một căng thẳng, một sự hoàn tất có ý nghĩa thì là hình thức bên trong” [48. 41]. Thực chất, hình thức bên trong các tác phẩm thể hiện tính cá thể thẩm mỹ. Vì vậy, thông qua nhịp điệu, nhà văn cũng thể hiện sự cảm nhận thẩm mỹ về thế giới, tạo ra cảm giác về sự vận động của tư duy và cuộc sống... Những căn cứ để tìm hiểu nhịp điệu trong cấu trúc của hoàn cảnh:

- Khoảng cách thời gian giữa các sự kiện, diễn biến được nhà văn tái hiện trong tác phẩm.

- Sự lặp lại của những chi tiết, những hình ảnh, những sự kiện cùng loại. - Sự dồn nén hoặc dàn trải của thời gian trong đó xảy ra diễn biến của cốt truyện.

Tác phẩm văn học là sự thống nhất của nội dung và hệ thống những hình thức nghệ thuật. Chính vì vậy, những yếu tố nằm trong cấu trúc của hoàn cảnh không phải biệt lập mà có quan hệ bổ sung, tác động qua lại với nhau. Sự phân định chỉ mang tính chất tương đối. Và “bất cứ yếu tố nào trong hệ thống, tự nó cũng trở thành hệ thống, nghĩa là nó sẽ bao hàm một cấu trúc của những yếu tố nhỏ hơn, mà cũng tác động qua lại chặt chẽ với nhau” (Phương Lựu). Trong những tác phẩm văn chương có giá trị không có hình ảnh chi tiết nào là vô tình mà đều nằm trong tầm ngắm, trong kĩ thuật viết của nhà văn - Đó là hệ thống các chi tiết nghệ thuật có tác dụng xây dựng, tái tạo hoàn cảnh nghệ thuật. Nghiên cứu cấu trúc của hoàn cảnh cần xác định được cả những cấu trúc của “những yếu tố nhỏ hơn ấy”...

Một phần của tài liệu Một số cốt truyện trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)