Đấu tranh với tội phạm ẩn trong tội loạn luân

Một phần của tài liệu Tội loạn luân trong luật hình sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 87)

Trong cuộc đấu tranh nhằm đẩy lùi và ngăn ngừa tội phạm cho đến nay, ở các nước trên thế giới và nước ta việc đánh giá về tình hình tội phạm thường chủ yếu dựa vào số liệu thống kê về những tội phạm đã được phát hiện, điều tra và xử lý. Thực tế con số đó chỉ phản ánh một phần của tổng thể những tội phạm đã xảy ra. Còn một phần quan trọng khác mà cơ quan pháp luật chưa nắm bắt được, chưa phát hiện được, chưa được xử lý về hình sự và do đó chưa được đưa vào thống kê. Đó chính là phần tội phạm bị bỏ lọt - Tội phạm ẩn.

Kết quả nghiên cứu về tội loạn luân cho thấy trong những năm gần đây hành vi loạn luân diễn ra nhiều nhưng trên thực tế số liệu thống kê cho thấy trong khoảng thời gian 5 năm từ 2005 đến 2009 trên cả nước chỉ xét xử có 5 vụ tội loạn luân. Như vậy lượng tội phạm ẩn trong tội loạn luân là rất lớn có thể kể đến một số nguyên nhân sau:

- Những người phạm tội có thể sử dụng vật chất để mua chuộc, dụ dỗ, dùng quyền lực để khống chế, đe dọa những người biết về tội lỗi của họ, thậm chí cả cán bộ thực thi công vụ.

- Sự không tích cực, chủ động của nhân chứng, người biết về hành vi phạm tội cũng là yếu tố làm cho số lượng tội phạm ẩn tăng lên.

- Lý do quan trọng và chủ yếu làm cho lượng tội phạm ẩn tăng lên là do: Những người phạm tội loạn luân là những người có quan hệ gần gũi về huyết thống như anh chị em, bố mẹ với các con hay ông bà với các cháu nên họ thường bưng bít sự việc mà không trình báo, hơn nữa những người biết về vụ việc trong trường hợp này lại thường cho rằng đấy là việc nội bộ trong gia đình, họ hàng nên họ cũng không tố giác. Hơn nữa với sự nhận thức chưa đầy đủ, nhiều người là nhân chứng của vụ việc cho rằng mình chẳng có thiệt hại gì và cũng chẳng liên quan gì đến nếu đi báo công an thì “hại” nhiều hơn “lợi”, ích kỷ vốn là tâm lý sẵn có trong mỗi con người, bình thường người ta thường bắc lên cân đo về “cái lợi”, “cái hại” cũng là chuyện bình thường. Có lẽ các cơ quan pháp luật phải nhìn thẳng vào vẫn đề này mà có biện pháp thích hợp nhằm làm cho mọi người thấy “cái lợi” sẽ nặng hơn “cái hại” trong trường hợp họ báo tin về tình hình tội phạm cho cơ quan chức năng để có thể khơi dậy tính tích cực và chủ động của mỗi thành viên trong xã hội.

Trong trường hợp này việc báo tin về tội phạm cho công an sẽ gây tổn hại về mặt danh dự cho người thân của họ, việc báo tin sẽ làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của họ nên họ không báo tin.

Tội phạm ẩn nói chung và tội phạm ẩn trong tội loạn luân nói riêng đều có tính nguy hiểm rất cao:

- Do không bị phát hiện và điều tra, kẻ phạm tội không bị bất cứ một tác động nào của pháp luật và xã hội. Chúng vẫn tồn tại như mọi công dân khác trong xã hội. Đây là môi trường tâm lý để nuôi dưỡng ý đồ tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội cuả chúng.

- Sự tồn tại của tội phạm ẩn sẽ gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân, gây nên tâm lý thiếu tin tưởng hay hoài nghi vào sức mạnh của các cơ quan pháp luật và bộ máy nhà nước.

- Tội phạm ẩn sẽ làm cho con số thống kê về tội phạm thiếu chính xác, do vậy việc đánh giá, phân tích về tình hình tội phạm chung xẽ không đúng thực tế. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới công tác dự báo tội phạm, cũng như xây dựng kế hoạch và biện pháp chiến thuật phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm nói chung và chống tội loạn luân nói riêng.

Chính bởi vậy cần phải đưa ra những phương pháp cụ thể để làm giảm thiểu tỉ lệ tội phạm ẩn ở tội loạn luân nói riêng và tội phạm nói chung.

Theo tác giả thì công tác làm giảm thiểu tỉ lệ tội phạm ẩn trong tội loạn luân thì cần tăng tính tích cực của người dân trong việc tố giác tội phạm và tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Một phần của tài liệu Tội loạn luân trong luật hình sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 87)