KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Tội loạn luân trong luật hình sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 95 - 97)

Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ trong dòng họ ở mọi thời kỳ lịch sử, nó luôn là những mối quan hệ cơ bản nhất của xã hội Việt Nam. Gia đình có ấm no, hạnh phúc, dòng họ có mạnh thì xã hội mới phát triển. Nhưng hiện nay mối quan hệ này đang này càng được ít người quan tâm và đã có nhiều người coi thường trà đạp, phá bỏ và muốn thoát ra khỏi những mối quan hệ đó.

Loạn luân là một tội được quy định trong bộ luật hình sự và là một hiện tượng bị dư luận xã hội lên án. Tội phạm này xâm hại đến sự phát triển bình thường của giống nòi và sự phát triển bình thường về tình dục của những người chưa đến tuổi trưởng thành. Sự hạnh phúc, yên ổn trong gia đình của người Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế phát triển, đời sống vật chất được nâng cao, ảnh hưởng của xu hướng toàn cầu hóa dẫn tới nhận thức của con người thay đổi, nhu cầu theo đó cũng tăng lên. Một bộ phận lớn trong xã hội có những nhu cầu, đòi hỏi trái với quy luật tự nhiên, sinh học của con người. Với chủ nghĩa thực dụng nhiều người sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để được đáp ứng nhu cầu vật chất. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tội loạn luân có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Điều này đặt ra các thách thức trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về tội loạn luân.

Qua nghiên cứu dưới góc độ pháp lý hình sự về tội loạn luân, bước đầu luận văn đã cố gắng làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội loạn luân từ đó tìm ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện tội phạm này trong luật hình sự hiện nay. Kết quả mà tác giả đạt được cho phép đi đến một số kết luận dưới đây:

1. Luận văn đã tập trung phân tích, đánh giá về tội loạn luân từ thời kỳ phong kiến cho đến nay. Trên cơ sở nghiên cứu dưới góc độ luật hình sự hiện đại của một số quốc gia trên thế giới như: Lào, Trung Quốc, Thụy Điển, Liên bang Nga qua đó tổng kết, so sánh với quy định về tội loạn luân trong Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999.

2. Về các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, cụ thể luận văn đã phân tích dấu hiệu pháp lý cấu thành tội loạn luân tại Điều 150 và đường lối xử lý đối với tội phạm này. Với từng yếu tố, luận văn đã tập trung phân tích chi tiết trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu luật hình sự.

3. Thông qua việc tổng hợp và phân tích số liệu về tội loạn luân trong toàn quốc giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2009, tác giả nhận thấy rằng đây là loại tội chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số tội phạm nói chung. Số lượng các vụ án và bị cáo đưa ra xét xử không nhiều. Tuy nhiên, tội loạn luân đang là vấn đề nóng bỏng, chịu sự lên án của dư luận xã hội. Vì vậy, về mặt lý luận cũng như thực tiễn xét xử tội phạm này còn nhiều hạn chế. Trên cơ sở nghiên cứu và phân tích và tìm hiểu về tội loạn luân dưới nhiều góc độ khác nhau, tác giả đã đưa ra một số các kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về tội loạn luân. Đây là những cơ sở quan trọng góp phần hoàn thiện pháp luật hình sự, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm này trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu Tội loạn luân trong luật hình sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 95 - 97)