5. Cơ cấu của luận văn
1.2.3. Giai đoạn từ năm 1995 đến trước năm 2005
Thể chế hoá các quy định về bồi thường thiệt hại trong Hiến pháp năm 1992, Bộ luật dân sự năm 1995 ban hành và có hiệu lực ngày 01/7/1996 đã dành một chương quy định trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Lần đầu tiên các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã ghi nhận một cách tương đối đầy đủ và chi tiết. Sự ghi nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong BLDS đã tạo ra cơ sở pháp lý cho các Tòa án trong công tác xét xử những tranh chấp liên quan đến vấn đề này, góp phần quan trọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong giao lưu dân sự.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại chương V, phần ba của BLDS, trong đó Điều 609 quy định: “Người nào có lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc của các chủ thể khác mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường”.
Trong nội dung BLDS 1995, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân được quy định tại Điều 611 như sau:
“1- Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại, thì phải tự bồi thường. 2- Khi người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ, thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng, thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 625 của Bộ luật này.
Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại, thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường, thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3- Khi người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có cá nhân, tổ chức giám hộ, thì cá nhân, tổ chức đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường, thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ, thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”
Và Điều 625 BLDS 1995: Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, các tổ chức khác trực tiếp quản lý: “Trường học, bệnh viện, các tổ chức khác nếu có lỗi trong việc quản lý, thì phải liên đới cùng với cha, mẹ, người giám hộ bồi thường thiệt hại do người chưa đủ mười lăm tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự gây ra cho người khác trong thời gian trường học, bệnh viện, các tổ chức khác trực tiếp quản lý những người đó; nếu trường học, bệnh viện, các tổ chức khác không có lỗi, thì cha, mẹ, người giám hộ phải bồi thường”.
Những quy định trên về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân trong BLDS 1995 đều kế thừa và phát triển nội
dung năng lực của Thông tư số 173/ TANDTC. Tuy nhiên, có thay đổi một số điểm như lứa tuổi bắt đầu có khả năng chịu trách nhiệm bồi thường. Ở Thông tư quy định là khoảng 16 tuổi đến dưới 18 tuổi còn ở trong BLDS 1995 thì quy định từ đủ 15 tuổi cho đến dưới 18 tuổi, trong bộ luật thì quy định cụ thể hơn về trách nhiệm bồi thường của người giám hộ. Ngoài ra, kể từ khi BLDS 1995 có hiệu lực, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành số lượng văn bản đáng kể hướng dẫn bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như: Ngày 03/5/1997, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/CP về việc giải quyết bồi thường do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng gây ra; Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã ban hành Thông tư số 38/1998/TT- BTC ngày 30/3/1998 hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước cho bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.
Việc xác định trách nhiệm bồi thường của các chủ thể được quy định trong BLDS 1995 và các văn bản hướng dẫn bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tạo thành hệ thống pháp lý làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nhằm khắc phục tổn thất cho người bị thiệt hại.