5. Cơ cấu của luận văn
3.2.1. Về khía cạnh lập pháp
Trong thực tế giải quyết các vụ việc nói chung đã chứng minh rằng việc lập pháp đóng vai trò quan trọng, là nền tảng, cơ sở, hành lang pháp lý vững chắc quyết định giải quyết vấn đề. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong quá trình xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại có rất nhiều vấn đề đáng quan tâm, trong đó lập pháp là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Dưới gốc độ lập pháp, tác giả đề xuất một số ý kiến sau:
+ Trong khoản 1 Điều 606 BLDS 2005 quy định “người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”. Về mặt kỹ thuật lập pháp nếu xét trong cùng một điều luật, quy định nêu trên chưa đảm bảo tính thống nhất. Vì khoản 1 đã khẳng định rằng người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường nghĩa là áp dụng cho trong mọi trường hợp (bao gồm cả người bị mất năng lực hành vi dân sự), trong khi đó khoản 3 lại quy định trường hợp bồi thường đối với người mất năng lực hành vi dân sự bất kể ở độ tuổi nào, tức là bao gồm cả độ tuổi thành niên. Thiết nghĩ vấn đề này cũng không phải nghiêm trọng nhưng dưới tầm là một bộ luật thì không nên có. Do đó, khoản 1 Điều 606 BLDS 2005 cần bổ sung như sau: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên và không bị mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”.
+ Đối với trường hợp cá nhân đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại phải bồi thường mà không có tài sản để bồi thường thì giải quyết thế nào, luật chưa điều chỉnh. Vì vậy, thông thường thì mọi người xem đây là rủi ro nên trên thực tế quyền được bù đắp tổn thất của người bị thiệt hại chưa được bảo đảm, nghĩa là bản án của pháp luật không có tính khả thi. Để khắc phục tình trạng này thiết nghĩ khoản 1 Điều 606 BLDS 2005 nên quy định như sau: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên và không bị mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì phải tự
bồi thường. Nếu họ chưa có công việc làm, chưa có thu nhập hay tài sản đáng kể, thì Toà án vẫn xác định trách nhiệm của họ về việc bồi thường thiệt hại, nhưng cho hoãn việc thi hành án cho đến khi có việc làm, có thu nhập”.
+ Với cách lập luận, phân tích như mục 2.1 ở chương II, chúng tôi cho rằng trong tiểu mục 3.1 mục 3 phần I Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên bổ sung tư cách tham gia tố tụng của người đại diện khi người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự gây thiệt. Theo đó nên bổ sung như sau:“Trong trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì người gây thiệt hại là bị đơn dân sự và người đại diện của người gây thiệt hại là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
+ Trong trường hợp nhiều người thực hiện hành vi trái pháp luật gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường. Tuy nhiên để xác định như thế nào là nhiều người “cùng gây thiệt hại”, chúng ta nên tham khảo Thông tư 173/ TSNDTC ngày 23/3/1972 quy định nhiều người cùng gây thiệt hại như sau: “Nhiều người cùng chung gây thiệt hại do thống nhất ý chí với nhau, thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do họ gây nên. Thông thường, họ thống nhất ý chí với nhau cả về hành vi lẫn về hậu quả (như cộng phạm lừa đảo, tham ô...), nhưng cũng có trường hợp, họ cùng nhau gây thiệt hại mà chỉ thống nhất ý chí về hành vi (như hai người do cùng lăn gỗ ở trên cao xuống mà vô ý gây tai nạn...) hoặc chỉ thống nhất ý chí về hậu quả (như tên trộm cắp và kẻ tiêu thụ tài sản trộm cắp), họ vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại”.
+ Cách xác định độ tuổi: đối với trường hợp con chưa thành niên ngưỡng tuổi như mười lăm hoặc mười tám tuổi gây thiệt hại thì việc xác định độ tuổi chịu trách nhiệm bồi thường ở thời điểm nào rất quan trọng vì lúc đó
thời điểm trước sau có ý nghĩa hoàn toàn khác biệt để xác định trách nhiệm thuộc về con cái, cha, mẹ hay người giám hộ. Vì vậy, để bảo đảm nguyên tắc người bị thiệt hại được bồi thường toàn bộ và kịp thời, theo tác giả thì phải “xác định độ tuổi vào thời điểm gây thiệt hại”. Để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ở các Tòa án, dựa trên cơ sở đã phân tích về cách xác định thời điểm độ tuổi bồi thường. Theo tác giả tại tiểu mục 3.1 mục 3 phần I Nghị quyết số 03/2006/NQ - HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi hướng dẫn về việc lấy tài sản để bồi thường thì nên bổ sung vào 3 tiểu mục 3.3 như sau: “Nếu cá nhân ở ngưỡng tuổi mười lăm hoặc mười tám gây thiệt hại thì căn cứ xác định độ tuổi bồi thường là độ tuổi tại thời điểm gây thiệt hại”.
+ Cách xác định tài sản: Trong thực tiễn khi giải quyết một vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, sau khi xác định chủ thể có trách nhiệm bồi thường thì Tòa án sẽ xác định tài sản của người có nghĩa vụ bồi thường đó. Việc xác định tài sản tại thời điểm nào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền được bù đắp tổn thất của người thiệt hại và nguyên tắc bồi thường toàn bộ, kịp thời. Thiết nghĩ xác định tài sản tại thời điểm bồi thường là phù hợp nhất. Vì nếu xác định tài sản tại thời điểm có hành vi trái pháp luật thì phải quay lại trong quá khứ để xác định tài sản đó, như vậy nó sẽ khó hơn xác định tại thời điểm hiện tại, đó là chưa nói đến vấn đề với thời gian tài sản sẽ hao hụt đi nên tính khả thi của việc bồi thường không cao. Ngoài ra, mục đích quy định tại Điều 606 là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bồi thường thiệt hại. Quan trọng là tại thời điểm bồi thường người liên quan có khả năng bồi thường hay không. Theo tác giả tại tiểu mục 3.1 mục 3 phần I Nghị quyết số 03/2006/NQ - HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy
định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi hướng dẫn về việc lấy tài sản để bồi thường thì nên bổ sung thêm vào tiểu mục 3.1 như sau: “Việc quyết định về bồi thường (lấy tài sản để bồi thường) phải căn cứ vào thời điểm bồi thường và theo đúng quy định tại Điều 606 BLDS”.
+ Trách nhiệm bồi thường của nhà trường quy định tại khoản 1 Điều 621 BLDS 2005 “người dưới 15 tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra” là chưa hợp lý. Trong trường hợp người dưới 15 tuổi gây thiệt hại trong thời gian do nhà trường quản lý có nên quy trách nhiệm này cho một mình trường học không? Vì trong thực tế, hầu hết các hành vi gây thiệt hại của các trẻ em trong thời gian học tập tại trường không đơn thuần là kết quả của quá trình giáo dục của riêng nhà trường, mà là sản phẩm của quá trình giáo dục của cả nhà trường và cha mẹ, trong đó, vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Do đó, đối với trường hợp này, cha mẹ và trường học cần phải chịu trách nhiệm liên đới, để tránh tình trạng phó thác việc giáo dục học sinh cho một bên, nên quy định nghĩa vụ liên đới của cha mẹ và nhà trường trừ các trường giáo dưỡng vì tính đặc thù về học viên trong loại hình trường. Trên cơ sở đó, khoản 1, Điều 610 BLTTDS 2005 nên quy định theo hướng: “người dưới 15 tuổi trong thời gian do nhà trường quản lý mà gây thiệt hại thì trường học và cha mẹ có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại xảy ra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
+ Theo quy định tại khoản 3 Điều 621 BLDS 2005 “trong trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này, nếu trường học, bệnh viện, tổ chức khác chứng minh được mình không có lỗi trong việc quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường”. Việc cha, mẹ, người giám hộ của người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường được hiểu như thế nào? Những người này phải lấy tài sản của mình ra để bồi thường thiệt hại hay lấy tài sản
của người gây thiệt hại để bồi thường cho người bị thiệt hại. Vì vậy, theo tôi, tại quy định tại mục 3 phần I Nghị quyết số 03/2006/NQ - HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi hướng dẫn về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt được quy định tại Điều 621 nên dẫn chiếu quay lại áp dụng quy định tại khoản 2, 3 Điều 606 BLDS 2005, như vậy cũng sẽ đảm bảo quyền lợi cho người giám hộ.
+ Theo Điều 60 BLDS 2005 quy định: “Người có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ: Đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có điều kiện cần thiết thực hiện cho việc đảm bảo giám hộ”. Đối với điều kiện thứ ba trong các văn bản không có hướng dẫn cụ thể. Vậy, điều kiện cần thiết là như thế nào? Điều kiện về kinh tế, xã hội hay sức khỏe, tình cảm...? Bắt buộc đối với giám hộ đương nhiên hay giám hộ cử vì nó liên quan đến khả năng bồi thường về tài sản khi người giám hộ của người chưa thành niên và người mất năng lực hành vi dân sự có lỗi. Quy định như vậy rất chung chung, nếu họ chỉ thỏa mãn những điều kiện là giám hộ nhưng không có khả năng bồi thường thì giải quyết như thế nào? Ngoài ra cần phải quy định rõ và phân biệt mức bồi thường thiệt hại một cách cụ thể hơn giữa trường hợp người chịu trách nhiệm bồi thường là người giám hộ đương nhiên và giám hộ cử, như vậy mới động viên khuyến khích được tinh thần tự nguyện, tự giác, tích cực tham gia và thực hiện giám hộ, đảm bảo được lợi ích của người cần được giám hộ và lợi ích chung của xã hội.