Những thành công đạt được

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh thu hút FDI vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015 (Trang 48)

Từ năm 2003, Ban quản lý các KCN của tỉnh được thành lập, hoạt động thu hút FDI vào các KCN của tỉnh mới thực sự được “khởi động”. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hoạt động thu hút FDI vào các KCN luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm. Do đó, hoạt động thu hút FDI vào các KCN của tỉnh đã ngày càng đạt kết quả cao, tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư. Sau hơn 8 năm, hoạt động thu hút FDI của tỉnh Hưng Yên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như sau:

1.4.1.1. Về kết quả thu hút FDI vào các KCN

Thứ nhất, tốc độ và quy mô thu hút FDI vào các KCN của tỉnh nhiều năm liền đạt ở mức cao trong giai đoạn 2002 – 2010. Năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm số lượng dự án và tổng vốn đăng ký giảm, nhưng mức giảm không đáng kể. Sang năm 2010, số lượng dự án và tổng vốn đầu tư vào các KCN của tỉnh đã tăng cao bằng 1023,46% tổng vốn đăng ký năm 2009 (bảng 1.2). Điều này thể hiện nỗ lực của tỉnh trong việc thu hút FDI vào các KCN. Mặt khác, cũng thể hiện sự tin tưởng của các nhà ĐTNN vào môi trường đầu tư trong các KCN của tỉnh.

Thứ hai, các đối tác đầu tư vào KCN đã ngày càng đa dạng. Nếu như trước năm 2006, các KCN của cả tỉnh mới chỉ thu hút được có 2 nhà ĐTNN là Hàn Quốc và Hà Lan, thì từ năm 2007, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, số đối tác đầu tư vào các KCN của tỉnh ngày càng tăng lên với 13 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư. Các đối tác chủ yếu đến từ Châu Á và một số nước EU. Điều này đã cho thấy sự cải thiện đáng kể về môi trường đầu tư của các KCN của tỉnh và hiệu quả của hoạt động XTĐT của tỉnh.

Thứ ba, cơ cấu FDI theo ngành vào các KCN của tỉnh ngày càng phù hợp với mục tiêu CNH – HĐH của tỉnh. Các dự án FDI vào các KCN của Hưng Yên đã có mặt ở tất cả các ngành nghề và lĩnh vực. Tuy nhiên, các dự án này tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp và xây dựng. Các ngành nông – lâm nghiệp và dịch vụ cũng đã thu hút được các dự án FDI song tỷ lệ còn thấp, trong đó tỷ trọng ngành dịch vụ đang có xu hướng tăng dần. Điều này cho thấy cơ cấu thu hút FDI vào các KCN của tỉnh đang có sự dịch chuyển sang công nghiệp và dịch vụ. Điều này phù hợp với mục tiêu của tỉnh là phấn đấu tới năm 2015 cơ bản sẽ trở thành tỉnh công nghiệp, hoàn thành sớm hơn cả nước 5 năm.

Thứ tư, tình hình triển khai các dự án FDI tại các KCN tương đối tốt. trong những năm qua, Ban quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên luôn giám sát chặt chẽ tỉnh hình triển khai và hoạt động của các DN FDI, kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn cho các DN. Ban quản lý cũng thường xuyên đánh giá các dự án, thường xuyên đôn đốc các dự án chậm tiến độ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để họ thực hiện cam kết. Do đó, tỉnh hình triển khai vốn ở các KCN của tỉnh đã đạt mức 52,05% cao hơn bình quân chung cả nước (42,18%).

1.4.1.2. Về đóng góp của FDI tại các KCN đối với tỉnh Hưng Yên

Thứ nhất, các dự án FDI góp phần làm tăng tỷ lệ “lấp đầy” các KCN của tỉnh. Tới nay, toàn tỉnh đã có 6 KCN chính thức đi vào hoạt động, có 2 KCN đã được “lấp đầy”. Trong đó, đóng góp một phần không nhỏ từ các dự án FDI. Tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN của các dự án FDI đạt 51,61%. KCN Thăng Long II và KCN Minh Đức do được quy hoạch hiện đại, đồng bộ nên đã thu hút được hầu hết là nhà ĐTNN, do đó tỷ lệ lấp đầy của các dự án FDI đạt mức cao lần lượt là 86,4% và 76,27%. Các nhà đầu tư vào ngành may mặc chủ yếu là nhà đầu tư trong nước, nên tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt mức thấp (12,5%).

Thứ hai, các dự án FDI vào các KCN của tỉnh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng CNH – HĐH. Năm 1997, khi mới tái lập tỉnh cơ cấu Nông nghiệp – Công nghiệp, xây dựng – Dịch vụ là 53,2% - 21,3% - 25,5%, sản xuất nông nghiệp là ngành chính, công nghiệp và xây dựng còn chưa phát triển. Đến năm 2010, cơ cấu này đã là 26,3% - 44,1% - 29,6%, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng đã tăng nhanh, tỷ trọng ngành nông nghiệp có xu hướng giảm dần. Có được cơ cấu như trên nhờ sự đóng góp lớn của các DN đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn tỉnh mà đặc biệt là các DN FDI tại các KCN.

Thứ ba, các DN FDI tại các KCN đóng góp ngày càng lớn trong giá trị xuất khẩu của tỉnh, làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp và bổ sung nguồn vốn cho ngân sách của tỉnh. Trong thời gian gần đây, hoạt động SXKD của các DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh có tốc độ tăng trưởng tương đối tốt trung bình đạt trên 120%/năm, góp phần quan trọng vào việc tăng cường năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế của tinh. Các DN FDI tại các đã tạ ra 5,1% GDP; 10,2 % giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp 42,4% giá trị kim ngạch xuất khẩu, 6,3 % thu ngân sách tỉnh.

Thứ tư, các DN FDI tại KCN đã góp phần tạo ra việc làm cho người lao động, giải quyết vấn đề thất nghiệp. Việc các DN FDI đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho người dân trong tỉnh. Đặc biệt, Hưng Yên là một tỉnh thuần nông trước đây, tỷ lệ thất nghiệp và thất nghiệp “ trá hình” cao. Năm 1997, tỷ lệ thất nghiệp và thất nghiệp “ trá hình “ lên tới 42,2%. Nhưng tới nay, tỷ lệ này đã giảm xuống 12,3%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp là 1,2%. Các DN FDI trong KCN đã tạo ra 19.231 việc làm cho người lao động, trong đó lao động trong tỉnh chiếm 62%.

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh thu hút FDI vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015 (Trang 48)