Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên

Một phần của tài liệu Hoàn thiện quản lý hoạt động tín dụng của phòng giao dịch số 3 Quỹ tín dụng Trung Ương chi nhánh Thanh Hoá (Trang 45)

2.2.3.3.1.Nguyên nhân từ phía ngân hàng

Cơ chế cho vay còn nhiều bất cập. Trước hết là điều kiện vay vốn, là việc đảm bảo tiền vay, đây là một trong những nguyên nhân chính ngăn cản việc các doanh nghiệp vay vốn QTDTƯ. Hầu hết các doanh nghiệp khi muốn vay vốn QTDTƯ thì phải có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo có thể là máy móc, thiết bị, quyền sử dụng đất…, nên việc định giá là rất khó khăn. Nếu định giá quá thấp sẽ ảnh hưởng đến khả năng vay của khách hàng. Mặt khác,

để đảm bảo an toàn tín dụng, PGD chỉ cho vay với giá trị bằng 70% giá trị tài sản thế chấp, điều này khiến nhiều doanh nghiệp thực sự bị hạn chế trong việc vay vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh của mình.

Tiếp nữa, đó là thủ tục vay vốn. Thủ tục vay vốn tại PGD còn nhiều bất cập, có lúc gây phiền hà cho các doanh nghiệp, làm chậm tiến độ sản xuất của họ. Điều này chưa chắc đã giảm rủi ro tín dụng mà có khi còn dẫn đến hạn chế việc khách hàng đến với PGD.

Các phương pháp thẩm định chưa thống nhất về nội dung, cách tính toán, căn cứ đánh giá… dẫn tới việc thẩm định đôi khi không chính xác. Có những dự án khi thiết lập được xem là khả thi nhưng trong thời gian thẩm định có nhiều yếu tố tác động nên đã trở thành không khả thi.

PGD thường không có đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp xin vay vốn. Công tác thu thập thông tin thường dựa vào khách hàng cung cấp và những thông tin PGD thu thập được từ bên ngoài. Những thông tin mà các khách hàng cung cấp cho PGD thường là các báo cáo tài chính có nhiều lúc là không chính xác, phản ánh không đúng về tiềm lực tài chính của khách hàng. Do vậy, việc thiếu thông tin, thu thập thông tin không tốt cũng ảnh hưởng đến việc đánh giá hiệu quả dự án cũng như khả năng của khách hàng.

Năng lực và đạo đức của cán bộ tín dụng: Năng lực dự báo, phân tích ngành, phân tích tài chính, phát hiện và xử lý khoản vay có vấn đề của một số cán bộ tín dụng còn yếu. Nhiều quyết định cho vay mang tính cảm tính, được đưa ra trên cơ sở thông tin được cân nhắc không đầy đủ hoặc phiến diện. Kỹ năng thương lượng với khách hàng, khả năng kiểm soát chứng từ vay và kiến thức pháp luật của cán bộ tín dụng cũng còn nhiều hạn chế. Tiếp theo nữa, là sự suy thoái về đạo đức của một số cán bộ tín dụng cũng ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của PGD trong thời gian qua.

Công tác giám sát món vay, đánh giá lại định kỳ về doanh nghiệp, khoản vay và tài sản thế chấp còn bị buông lỏng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng lâu dài, cán bộ tín dụng thường có tâm lý cả nể, tin khách hàng và bỏ qua chế độ kiểm tra định kỳ, phương pháp kiểm tra không khoa học, không phát hiện được những dấu hiệu bất thường trong hoạt động của doanh nghiệp.

Chính sách quản trị nguồn nhân lực. Cán bộ tín dụng là người trực tiếp tham gia vào sản phẩm có tính rủi ro nhất trong hoạt động PGD. Chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ và đề bạt cán bộ tín dụng của PGD có tác động trực tiếp đến hiệu quả thực thi chiến lược, chính sách tín dụng của PGD. Do chính sách về nhân lực của PGD chưa thực sự thoả đáng, nên dẫn đến tình trạng một số cán bộ có năng lực của chi nhánh đã chuyển đi các ngân hàng khác.

Hoạt động Marketing: Hoạt động marketing tại PGD mới tập trung ở bề nổi là quảng cáo, khuếch trương, còn việc áp dụng marketing vào phân tích thị trường, nghiên cứu khách hàng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ vẫn còn nhiều hạn chế.

2.2.3.3.2.Nguyên nhân từ phía khách hàng

Một nguyên nhân đầu tiên từ phía khách hàng đấy chính là năng lực tài chính. Năng lực tài chính của khách hàng không đủ điều kiện để vay vốn tại PGD. Đây là khó khăn lớn nhất cản trở khách hàng vay vốn tại PGD. Quy mô vốn tự có nhỏ trong tổng nguồn vốn hoạt động của khách hàng, do vậy không đáp ứng được các điều kiện về vốn tự có, tài sản thế chấp, tính khả thi của dự án nên không đủ điều kiện để PGD cho vay. PGD mặc dù rất muốn tạo điều kiện để cho khách hàng vay vốn nhưng vì khách hàng ko đảm bảo đủ năng lực tài chính sẽ mang lại rủi ro lớn cho PGD nếu thực hiện hoạt động cho vay.

Các báo cáo tài chính mà khách hàng cung cấp cho PGD chưa đảm bảo tính minh bạch về thông tin. Hệ thống báo cáo tài chính thường không đầy đủ, không cập nhật và kém tin cậy, điều này khiến cho công tác thẩm định, kiểm tra, kiểm soát của ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, trong sản xuất kinh doanh thì yếu tố trình độ của khách hàng góp phần quyết định đến chất lượng hoạt động của khách hàng. Trình độ yếu kém của khách hàng trong dự đoán các vấn đề kinh doanh, yếu kém trong quản lý dẫn đến thất thoát, thua thiệt trong kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng. Từ đó, ngân hàng sẽ xảy ra tình trạng có nợ xấu, nợ tồn nọng, không quay vòng được vốn để tái sản xuất.

2.2.3.3.3. Nguyên nhân từ các yếu tố khác

+ Môi trường kinh tế: Đi đôi với lợi ích đạt được, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng như: lạm phát tăng cao, một số mặt hàng tăng giá rất cao như thực phẩm, năng lượng, sắt thép, phân bón, vàng và sự mất giá của đồng Đô la Mỹ… Bên cạnh đó, cùng với quá trình hội nhập là mở cửa, tự do hoá khu vực tài chính đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, quyết liệt giữa các trong việc duy trì quan hệ với khách hàng truyền thống và thu hút khách hàng mới.

+ Các nhân tố thuộc về quản lý vĩ mô của Nhà nước: Mặc dù các luật, văn bản dưới luật chi phối hoạt động tín dụng ngân hàng đã được sửa đổi cho ngày càng phù hợp hơn với các quy luật của nền kinh tế thị trường song cũng vẫn còn nhiều vướng mắc như sự chồng chéo giữa quy định của các luật, việc ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật còn chậm, công tác thực hiện của bộ máy thi hành luật pháp còn quan liêu, tuỳ tiện. Hành lang pháp lý nói chung chưa ủng hộ công tác phục hồi nợ của ngân hàng và gián tiếp làm tăng mức độ tổn thất tín dụng.

+ Cuối cùng là tính chính xác và sẵn có của thông tin: Như đã nói ở trên, thông tin tài chính của các doanh nghiệp hầu hết không đủ độ tin cậy gây khó khăn rất nhiều cho việc đánh giá doanh nghiệp của PGD. Trong khi đó, trung tâm thông tin tín dụng của chưa đáp ứng được yêu cầu do nguồn thông tin còn rất hạn chế, thiếu tính cập nhật.

Trên đây là thực trạng hoạt động tín dụng tại PGD số 3 Chi nhánh Thanh Hóa. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, khó khăn còn tồn tại, PGD số 3 cần có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng hoạt động tín dụng.

CHƯƠNG III

Một phần của tài liệu Hoàn thiện quản lý hoạt động tín dụng của phòng giao dịch số 3 Quỹ tín dụng Trung Ương chi nhánh Thanh Hoá (Trang 45)