4.1. Chính sách công nghệ.
Công nghệ và con người giữ vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội, là động lực tăng trưởng kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường. Thế nhưng, thực tế nước ta hiện nay cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sử dụng công nghệ lạc hậu tới 3-4 thế hệ so với các trình độ công nghệ trung bình thế giới. Trong khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài quốc doanh, nhiều doanh nghiệp sử dụng các trang thiết bị thải loại của các doanh nghiệp nhà nước.
Năng lực công nghệ và kỹ thuật hạn chế, trang bị vốn thấp. Nguyên nhân có thể là thiếu vốn để trang bị công nghệ hiện đại, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển công nghệ, thiếu thông tin về công nghệ... Trước tình hình đó,
Đảng và Nhà nước đã chú ý tới việc xây dựng định hướng chiến lược và chính sách công nghệ, đào tạo. Ban chấp hành trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Trung ương 2 (khoá VIII) chuyên đề về khoa học, công nghệ, giáo dục. Ngay sau đó, có 17 chương trình khoa học, công nghệ đã được triển khai nghiên cứu. Ngoài ra, Nhà nước đã tạo lập môi trường cho doanh nghiệp vừa và nhỏ yên tâm đầu tư, đổi mới công nghệ. Nhà nước thành lập các tổ chức có chức năng triển khai các hoạt động hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ như: Trung tâm hỗ trợ khoa học công nghệ của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ngoài quốc doanh của Hội đồng liên minh các hợp tác xã Việt Nam. Ngoài ra còn có các trung tâm tư vấn ở các địa phương như Trung tâm tư vấn doanh nghiệp Bắc Giang, Trung tâm COHASIPH ở Hải Phòng. Các tổ chức khác dù trực tiếp hay gián tiếp cũng đã tiến hành triển khai những hoạt động hỗ trợ như: Hội Công kỹ nghệ gia TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Công thương Hà Nội... Các trường dạy nghề của Nhà nước và tư nhân cũng được mở khắp nơi nhằm thu hút mọi đối tượng cũng là một sự hỗ trợ gián tiếp cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số tổ chức của Liên Hiệp Quốc, tổ chức Phi chính phủ các nước và tổ chức quốc tế cũng có những dự án, chương trình hỗ trợ cho phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mặc dù vậy, trong chính sách hỗ trợ công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn có những hạn chế sau:
- Cho tới nay những chủ trương chính sách về công nghệ đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đều được vận dụng từ những chủ trương chính sách chung của Nhà nước đối với tất cả các doanh nghiệp, chưa có những chính sách riêng cho các doanh nghiệp này.
- Chưa có những tổ chức làm công tác nghiên cứu phát triển cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các cơ quan, tổ chức khoa học, công nghệ, đào tạo của Nhà nước, các bộ ngành, địa phương hiện chưa tiếp cận được với các
doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp đỡ các doanh nghiệp này trong việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin công nghệ thích hợp. Kinh nghiệm ở Trung Quốc cho thấy, nước này đã tìm cách gắn kết các trường đại học với các doanh nghiệp, buộc các nhà nghiên cứu, giảng dạy phải gắn với thực tế, nên đã có rất nhiều sáng kiến, giải pháp tốt giúp đỡ cho các doanh nghiệp.
- Sự hoạt động của các trung tâm và các dự án hỗ trợ rời rạc, lẻ tẻ, thiếu sự phối hợp với nhau, chưa xuất phát từ nhu cầu hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp. Do vậy, toàn bộ chương trình, kế hoạch hoạt động của các tổ chức đó có nhiều hạn chế và thiếu một chiến lược bền vững.
- Chưa có một kế hoạch tổng thể hay một chiến lược ngang tầm quốc gia cho việc phát triển của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cả nước.
- Tác động cụ thể về hỗ trợ của Nhà nước đối với sự phát triển của khu vực này còn hạn chế. Sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ mang tính "tự phát", "tự lực", nên chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh vốn có. Một số chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa vào mối quan hệ thân quen cá nhân với các quan chức Nhà nước để tìm kiếm sự hỗ trợ trong làm ăn chứ không phải là thông qua một tổ chức chính thức.
4.2. Chính sách đào tạo.
Việc chuyển sang nền kinh tế thị trường bắt buộc phải đổi mới chính sách đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, chính sách và cơ chế đào tạo nhìn chung chưa đổi mới kịp với yêu cầu thực tế của nền kinh tế.
Mặc dù đến năm 2003, cả nước có hệ thống các trường đào tạo nghề từ các trường đại học đến các trung tâm dạy nghề khá lớn, trong đó có 244 trường trung học chuyên nghiệp, 174 trường dạy nghề, 200 trung tâm dạy nghề và hàng trăm lớp dạy nghề tư nhân, nhưng điểm yếu nhất của giáo dục
đào tạo nghề là không gắn với nhu cầu việc làm và thị trường lao động nói chung.
Do vậy, tình trạng phổ biến hiện nay là các doanh nghiệp phải tự bỏ tiền đào tạo cả tay nghề cho công nhân và chủ doanh nghiệp. Nhà nước chưa có những chính sách và biện pháp phù hợp để khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo cho công nhân và chủ doanh nghiệp như: Miễn, giảm thuế đối với chi phí đào tạo, hỗ trợ thành lập các trung tâm đào tạo nghề cho các doanh nghiệp, khuyến khích hình thành các tổ, hội nghề của các doanh nghiệp để trao đổi thông tin, kinh nghiệm - một trong những cách đào tạo tích cực và thực tế... kết quả điều tra thực tế cho thấy, trình độ lao động và quản lý trong doanh nghiệp vừa và nhỏ rất hạn chế: 74,8% lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa học hết 12; gần 30% chủ doanh nghiệp chưa qua các trường đào tạo. Đây là một trong những yếu tố làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.