Nói đến sự nghiệp của nhà tư tưởng tài ba này phải nói đến những khởi đầu quan trọng như các bài viết của ông về "Linh hồn của Thời đại" trên tờ “Người thanh tra” vào những năm 1830-1831. Trong những năm 1832 và 1833, ông viết nhiều bài luận một số tờ như Tait's Magazine, The Jurist, và Monthly Repository. Đến năm 1835, Mill được giao nhiệm vụ biên tập cho tờ The London Review. Về sau ông tiếp tục làm công việc này cho đến năm 1840 khi tờ The London Review sáp nhập với tờ The Westminster năm 1836. Sau đó, Mill cũng đã viết các tác phẩm lớn và xuất bản một số bài báo quan trọng trên tờ The Edinburgh Review. Ông say mê nghiên cứu chủ nghĩa nhân đạo theo xu hướng đưa ra một phương pháp chứng minh đáng tin cậy cho đạo đức học và khoa học xã hội. Mill phần nào chịu ảnh hưởng của nhà triết học thực chứng người Pháp Auguste Comte và được khơi gợi cảm hứng từ nhà vật lý học và toán học Isaac Newton. Từ khi nhận thấy logic mới không đối nghịch một cách đơn giản với logic cũ, ông đã cố gắng tìm kiếm những giải nghĩa cho sự tương đồng giữa hai loại logic này nhưng không có kết quả. Đến năm 1837, Mill đã tìm ra được cách thức rõ ràng và hiệu quả để thiết lập các phương pháp nghiên cứu khoa học và sáp nhập logic học mới vào logic học cũ khi ông bắt gặp
và đọc cuốn “Triết học của Khoa học Quy nạp” của William Whewell và đọc lại tác phẩm “Mở đầu về Nghiên cứu Triết học Tự nhiên” của John F.W. Herschel. Kết quả là, tác phẩm nổi tiếng của ông mang tên “Hệ thống logic” bao gồm hai tập được xuất bản vào năm 1843. Cuốn sách này là sự nỗ lực của ông nhằm mục tiêu xây dựng một hệ thống logic cho các khoa học nhân văn dựa trên sự giải thích nhân quả. Hệ thống đó bao quát nhiều lĩnh vực như lịch sử, tâm lý học và xã hội học.
Quá trình nghiên cứu kinh tế chính trị của Mill có thể chia thành ba giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất được đánh dấu bằng việc tác phẩm “Bàn về những vấn đề phức tạp của Kinh tế Chính trị” của ông được xuất bản vào năm 1844. Tác phẩm này chứa đựng những bài luận được coi là những lời giải cho các bài toán rắc rối, ví dụ như sự phân chia lợi ích của thương mại quốc tế hay ảnh hưởng của tiêu dùng đối với sản xuất. Mill đã kế thừa nhiều hạt nhân hợp lý từ David Ricardo đồng thời đã đưa ra những nhận định sâu sắc hơn.
Giai đoạn thứ hai bắt đầu bằng sự xuất bản của tác phẩm “Các nguyên lý của kinh tế chính trị học” năm 1848. Lúc này, Mill thể hiện rõ ràng tính độc lập và sáng tạo trong cách tư duy và cách thức giải quyết các vấn đề so với các bậc tiền bối. Vào thời gian này, ông cũng nỗ lực ủng hộ cho việc xây dựng hình thức sở hữu nông dân. Đây được coi là một giải pháp cho tình trạng nghèo đói và tình hình bất ổn ở Ireland. Từ đây, ông đã nghiên cứu sâu hơn về các nhà văn xã hội chủ nghĩa và thấy rằng các vấn đề xã hội cũng quan trọng như các vấn đề chính trị. Mill không thừa nhận chế độ sở hữu và chủ trương phân tách giữa sản xuất và phân phối. Ông không đồng tình với hình thức phân phối khi hình thức này thường xuyên đẩy các tầng lớp lao động vào cuộc sống khốn khó và đói kém.
Giai đoạn cuối cùng là giai đoạn Mill khắc phục những điểm yếu trong hệ thống của mình. Nếu như với những nghiên cứu ở giai đoạn trước,
ông không đưa ra được một giải pháp khả thi thì ở giai đoạn thứ ba này, ông đã khá thành công trong việc phân tích sâu sắc cách thức làm thế nào để xây dựng lại xã hội để xã hội đó ngày càng tốt đẹp hơn. Trong giai đoạn này, Mill được trợ giúp khá nhiều từ người vợ của mình.
Sau khi bà Taylor mất, Mill đã xuất bản một loạt sách về đạo đức học và triết học. Đây là những đứa con tinh thần Mill đã nuôi dưỡng từ lâu và được ủng hộ rất lớn từ vợ mình. Các tác phẩm nổi tiếng như “Bàn về Tự do” và “Những suy nghĩ về cải cách Nghị viện” được xuất bản vào năm 1859; Cuốn “Chính thể đại diện” mà chúng ta đang tìm hiểu được xuất bản năm 1861. Thành công của Mill trong “Chính thể đại diện” là ông đã hệ thống hóa các quan điểm đã từng được trình bày trong nhiều bài báo và tiểu
luận. Tác phẩm “Thuyết vị lợi” được xuất bản năm 1863 là những nỗ lực
của Mill một mặt hướng tới trả lời các câu hỏi có xu hướng chống lại lý thuyết đạo đức của ông; mặt khác nhằm loại bỏ những quan niệm sai lầm về lý thuyết đó.
Các bài luận trong tập bốn tác phẩm “Luận án” (1875) của ông nói về những vấn đề cơ bản như tài sản, đất đai, lao động hay các vấn đề siêu hình học và tâm lý học. Ông viết các bài luận này cho tờ Fortnightly Review trong giai đoạn ông tham gia nghị trường. Năm 1867, Mill được coi là một trong những người sáng lập tổ chức đầu tiên giành quyền bầu cử cho phụ nữ. Năm 1869, ông xuất bản tác phẩm “Sự Khuất phục của Phụ nữ” (The Subjection of Women, viết năm 1861). Tác phẩm này là một tuyên ngôn kinh điển về quyền bầu cử của phụ nữ. Sự kiện được coi là hoạt động xã hội cuối cùng của ông liên quan đến mốc ra đời của Tổ chức cải cách sở hữu đất đai.
Cuốn “Tự truyện” và “Ba bài luận về Tôn giáo” được xuất bản sau khi ông mất.
Cuối cùng, có thể tổng kết các tác phẩm cơ bản của John Stuart Mill như sau:
Hệ thống logic (1843), Bàn về những vấn đề phức tạp của Kinh tế
Chính trị (1844), Các nguyên lý của kinh tế chính trị học (1848), Bàn về Tự
do (1859), Những suy nghĩ về cải cách Nghị Viện (1859), Chính thể đại diện (1861), Chủ nghĩa công lợi (1863), Sự Khuất phục của Phụ nữ (xuất bản năm 1869, viết năm 1861), Khảo cứu triết học của ngài William
Hamilton (1865), Tự truyện (xuất bản 1873), Ba bài luận về Tôn giáo (xuất
bản 1873).
Như vậy, việc điểm lại những sự kiện quan trọng trong cuộc đời cũng như những kết quả từ sự lao động miệt mài của John Stuart Mill đã cho chúng ta hình dung về một con người tài hoa, trách nhiệm và mang trong mình tinh thần nhân văn cao cả. Bên cạnh đó, từ đặc thù nghiên cứu quan niệm Mill về “Chính thể”, tác giả luận văn cũng đặc biệt quan tâm đến Triết học chính trị của nhà tư tưởng này.
Tóm lại, một điều có thể thấy rằng, từ những đóng góp vô cùng ý nghĩa và sâu sắc của Mill mà cho tới nay, ông vẫn luôn được nhắc đến trong giới học thuật. Ông được đánh giá là một nhà tư tưởng can đảm vì dám dấn thân vào những vấn đề nhạy cảm của thời đại bất chấp những cản trở hay sự bất lợi trong sự nghiệp tham chính của mình. Mặc dù vậy, con người John Stuart Mill luôn sẵn sàng học hỏi người khác có thể thấy ông đã tiếp thu nhiều ý tưởng hợp lý từ các bậc tiền nhân.