Quan niệm của Êpiquya vềsự công bằng, tình bạn và sự thông thái

Một phần của tài liệu Đạo đức học Êpiquya (Trang 56)

2.2.1.Về sự công bằng

Thể hiện như một nhà duy vật, xuất phát từ quan điểm đảm bảo an toàn và sự bình an cho cá nhân, Êpiquya đã đặt phạm trù đạo đức này là sự công bằng.

Ông cho rằng: “thành quả lớn nhất của sự công bằng là sự vô ưu. Người được công bằng là người hoàn toàn thoát khỏi mọi nỗi lo âu, còn người không được công bằng thì đầy ắp nỗi lo âu này”. Rằng, “sự công bằng bắt nguồn từ tự nhiên là một sự thoả thuận về những điều có lợi, với mục đích không làm hại nhau” [Dẫn theo: 45, tr.146].

Quan niệm đó cho thấy, Êpiquya đã hiểu rõ tính tương đối của sự công bằng và ông cũng thấy được cả tính luân chuyển về mặt lịch sử của nó. Là sản phẩm của sự thoả thuận giữa người với người, nên sự công bằng không thể là cái gì bền vững, bất biến và vĩnh viễn. Theo Êpiquya, sự công bằng “luôn mang lại

cái có lợi trong quan hệ giữa người với người”, nhưng nếu đồng thời so với các

đặc điểm riêng biệt của một nước hoặc các trường hợp bất kỳ nào khác thì sự công bằng không phải giống nhau đối với tất cả mọi người. Với quan niệm này, Êpiquya đã khẳng định: “không có cái gọi là công bằng hay bất công nơi loài súc vật không có khả năng làm những khế ước để không làm hại hay bị hại. Điều này cũng đúng đối với những bộ lạc mà không có khả năng hay không muốn làm các khế ước đẻ không làm hại hay bị làm hại” [Dẫn theo:45, tr.146].

Xu hướng biện chứng trong tư tưởng của Êpiquya thể hiện rất rõ, khi ông cho rằng, sự đánh giá về hành vi của con người, ở công bằng hay là bất công là phụ thuộc vào hoàn cảnh, được xác định qua biến đổi của các điều kiện. Theo ông, nếu các hành vi được thừa nhận là chính nghĩa, khi hoàn cảnh thay đổi lại hoá ra là không còn phù hợp với quan niệm tự nhiên về sự chính nghĩa, thì các hành vi đó là phi nghĩa, không còn hữu ích nữa. Song chúng vẫn là chính nghĩa khi chúng còn là hữu ích cho sự giao tiếp qua lại giữa các công dân và

khi chúng không còn là hữu ích nữa, chúng cũng không còn là chính nghĩa nữa [Xem: 45, tr.147].

Có thể nói, đây là một quan niệm có ý nghĩa quan trọng để lĩnh hội định hướng biện chứng trong học thuyết của Êpiquya. Nó chứng minh một cách thuyết phục rằng, Êpiquya không xa lạ gì với phỏng đoán về tính cụ thể của chân lí, về sự phụ thuộc của đạo đức và và pháp luật vào sự thay đổi của hoàn cảnh. Êpiquya cũng coi “khế ước xã hội” - cái mà ông truyền bá trong đạo đức học của mình - là sự vi phạm đến quy luật của số phận mà mọi người thực hiện vì lợi ích của sự giao tiếp với nhau.

Do vậy, Êpiquya đã kêu gọi chúng ta cần phải đánh giá không chỉ hành động này hay hành động khác của một con người cụ thể, mà là cần đánh giá cả hệ thống pháp luật của một quốc gia để xem đó là công bằng hay không công bằng theo lợi ích mà nó mang đến. Với quan niệm này, Êpiquya cho rằng, nếu như ai đó ban hành pháp luật, nhưng đó là luật pháp không có lợi cho mối quan hệ giữa con người với con người thì pháp luật đó không có tính công bằng. Rằng, những hành động của con người bị pháp luật hoặc các tập tục, truyền thống lâu đời trừng trị, lên án chỉ được xem là công bằng đến khi nào chúng còn mang lại lợi ích cho con người bằng cách đảm bảo sự bình an chung cho tất cả mọi người [Xem: 45, tr.146-147].

Có thể nói, những luận điểm trên của Êpiquya về sự công bằng đã ảnh hưởng đến các học thuyết sau này về nguồn gốc ra đời tự nhiên và tất nhiên của nhà nước. Dựa vào quan niệm của Êpiquya về công bằng, các học thuyết này đã chống lại sự bịa đặt của tôn giáo - duy tâm về sức mạnh thần thánh của quyền lực nhà nước. Không chỉ thế, quan niệm của Êpiquya về công bằng có thể được xem là một trong những tiền đề lý luận cho sự phát triển theo hướng tiến bộ của các học thuyết về “Khế ước xã hội”hay về sự thoả thuận xã hội sau này.

Một phần của tài liệu Đạo đức học Êpiquya (Trang 56)