Sự khai thác về nhân vật

Một phần của tài liệu Chất liệu văn học dân gian trong một số kịch bản điện ảnh ở Việt Nam (Trang 42)

Trước khi đi sâu vào phân tích một vài nhân vật trong các tác phẩm điện ảnh gần với nguyên mẫu trong văn học dân gian, người viết cần phải làm rõ một vấn đề nhỏ. Đó là: chúng ta rất ít khi tìm thấy trọn vẹn một nhân vật trong văn học dân gian trong một tác phẩm điện ảnh (không kể phim hoạt hình), bởi vì: nhân vật và câu chuyện trong văn học dân gian tương đối đơn giản, thường chỉ có một vài nét tính cách và hoàn cảnh điển hình

cho cả một tầng lớp, giai cấp trong xã hội, trong khi đó nhân vật điện ảnh cần có một hồ sơ cuộc đời và tính cách dày dặn hơn rất nhiều. Điều này buộc người làm phim phải bổ sung thêm cho nhân vật rất nhiều những thông tin về đời tư, lịch sử, số phận và nhiều nét tính cách khác biệt. Do đó, chúng ta chỉ có thể thấy bóng dáng thoáng qua của những nhân vật trong văn học dân gian trong các nhân vật phim mà thôi.

Rõ nét nhất là nhân vật Bờm trong bộ phim Thằng Bờm, nhân vật được chuyển thể từ nguyên mẫu thằng Bờm trong bài ca dao cùng tên quen thuộc.

Về hình tượng Bờm được hiểu rất khác nhau, thậm chí đối lập. Có người cho Bờm là kẻ ngu dốt, thậm chí ngu đến ba đời. Có người lại khẳng định Bờm là người thông minh, biết người biết ta. Lại có người chê Bờm là tham ăn, thực dụng, tít mắt trước nắm xôi…Bờm đã trở thành đối tượng tranh cãi bàn luận của nhiều bậc thức giả, những người bình dân.

Trước hết, có lẽ cần xem có đúng Bờm là đại diện cho những gì ngu dốt của người nông dân không? Hãy bắt đầu từ cái Bờm có là “quạt mo”. Chỉ là cái quạt mo thôi, thế mà phú ông lại đưa bao thứ quý giá gấp trăm, gấp ngàn lần để đổi. Ấy vậy mà Bờm lại lắc tất cả, chị gật với nắm xôi. Theo logic thông thường như vậy là Bờm dại, nếu không nói là ngu. Có người đã cho rằng tầm nghĩ của Bờm không quá “nắm xôi”. Vậy còn phú ông thì sao? Chẳng lẽ phú ông cũng ngốc nốt, không biết giá trị các vật mình đưa đổi có giá trị gấp nhiều lần cái “quạt mo” tầm thường kia hay sao? Hay cái quạt mo của Bờm có gì đặc biệt? Trong dân gian không có chỗ nào ca dao nói về cái quạt mo và cho nó là vật đặc biệt cả:

Lấy anh, anh sắm sửa cho Cái bị, cái bat, cái quạt mo đuôi ruồi

Đây là một câu hát đối đáp, cố ý trêu tức đối phương. Nghĩa đen là lấy anh, anh sắm sửa vật dụng để đi ăn mày, gồm: cái bị, cái bát và cái quạt mo đuôi ruồi. Như vậy, quạt mo là vật dụng của người khổ nhất trong xã hội (người ăn mày) thì nào có phải vật gì đặc biệt. Lại nữa, trong dân gian những gì mà gắn bói với “mo” thì cũng chẳng phải quý giá hay đặc biệt gì. Chẳng hạn:

Chân đi chữ bát thì cho chẳng màng

Dân gian từng gọi những kẻ mặt dày trơ trẽn là “mặt mo”. Tất nhiên, trong dân gian người ta cũng dùng quạt để biểu đạt những thứ có giá trị, nhưng nhất định không phải là quạt mo. Chẳng hạn dùng quạt để làm biểu tượng của tình yêu:

Anh về để quạt lại đây Mở ra, khép lại cho khuây cơn buồn

Hoặc là:

Hỡi anh nón chóp quai dầu Tay cầm cái quạt đi đâu bây giờ

Cái quạt mười tám cái xương Trên thì bít giấy dưới buông chữ màu

Lúc nắng choàng che trên đầu Lúc nức chàng quạt đi đâu chả cầm

Ra đường gặp bạn tri âm Lấy quạt che miệng cười thầm đôi ta

Vẫn không phải là cái quạt mo. Như vậy cái quạt mo của Bờm chắc chắn là một cái quạt tầm thường. Ấy vậy mà phú ông cũng cố giành lấy, cũng giống như ông đã từng bốc lột họ đến tận cùng. Thành ra phú ông mới đưa ra bao nhiêu thứ có giá để dỗ dành, chiếm nốt cái quạt mo đuôi ruồi của người nông dân. Khi đã nắm chắc được cái “thóp” ấy của phú ông, Bờm đã lắc đầu trước tất cả những thứ ông ta đưa ra từ “ba bò chín trâu”, “ao sâu cá mè”, cho đến “một bè gỗ lim”, “con chim đồi mồi”. Thế là Bờm rất tỉnh táo, rất cảnh giác với phú ông, loại người “nói thì trao núi trao sông-mà mảnh mo quạt phú ông cố

giành” (thơ Võ Thanh An). Bờm chỉ đồng ý với cái vật mà phú ông đưa ra ngang giá là

“nắm xôi”.

Dân gian đã nhọc lòng sáng tạo ra Bờm, cho Bờm nhận một “nắm xôi” để gửi vào đó một triết lí thật đơn giản mà cũng thật sâu sắc: Tôi chỉ nhận đúng cái mình có, nếu nhận quá đi sẽ thành bi kịch. Và chăng, trong quan niệm dân gian, “nắm xôi” hay “xôi thịt” còn là biểu tượng cho sự thỏa mãn về vật chất:

Đừng có chết, mất mà thôi Sống thì có lúc no xôi chán chè

Hay

Lòng em muốn lấy thợ kèn

Đám trong được bánh, đám hèn được xôi

Đôi khi, “nắm xôi”, “đĩa xôi” còn là biểu tượng của sự viên mãn về tinh thần, tình cảm, tình yêu, hôn nhân:

Gần chùa chả được ăn xôi

Gần nàng chẳng được sánh đôi cùng nàng

Hoặc:

Vợ anh như thể đĩa xôi Anh còn phụ bạc nữa tôi cơm đùm

Nhưng trong bộ phim

Thằng Bờm của đạo diễn Lê

Đức Tiến, nhân vật thằng Bờm lại được xây dựng là một nhân vật ngốc nghếch, thậm chí là ba đời ngốc (từ đời ông đến đời bố và đến đời cháu là Bờm). Nhà làm phim vẫn sử dụng những tình tiết phú ông dùng những của cải vật chất có giá trị để đổi lấy quạt mo nhưng đây lại không phải là câu truyện chính của phim, mà câu chuyện chính lại là: Bờm được vợ dạy khôn, đi làm ăn nhưng vì ngốc nghếch nên vẫn luôn thất bại. Câu chuyện phú ông và Bờm được sử dụng như một giấc mơ thường trực của Bờm về việc: không phải lao động mà vẫn dễ dàng có của cải, dễ dàng được sung sướng, hạnh phúc. Trong suốt bộ phim, mỗi lần Bờm “làm ăn” thất bại là Bờm lại mơ phú ông sẽ đổi “ba bò, chín trâu, ao sâu, cá mè,…” lấy quạt mo của Bờm. Nhưng kết thúc tất cả các giấc mơ này của Bờm bao giờ cũng là những lời tự thức tỉnh đầy tính giáo huấn kiểu như: Tao không

cần cá mè, tự tao sẽ làm được; tao đi buôn lấy không cần bè gỗ lim và đỉnh điểm là chi tiết

vợ Bờm gọi Bờm tỉnh giấc và nói: Bờm ơi, Bờm ơi! Đã bảo ở nhà lo làm lo ăn, cứ đi vớ đi

vẩn, chỉ thiệt thân,…

Một nhân vật Bờm trong văn học dân gian vốn rất đáng yêu, thông minh và lém lỉnh, bỗng nhiên biến thành một anh Bờm ngu ngốc đến khó chịu, là sự nhào nặn tổng hợp của nhiều anh ngốc khác trong văn học dân gian tạo thành một nhân vật xa lạ, không gây được thiện cảm với đa phần khán giả. Thất bại của người làm phim chính ở chỗ: không xác định được tính cách rõ ràng cho nhân vật Bờm. Có lúc Bờm ngu ngốc một cách đáng yêu (như một vài chi tiết khi Bờm học cách thưa gửi có đầu có cuối), nhưng có lúc xuẩn ngốc một cách “vô duyên” như can vợ chồng người khác làm chuyện riêng tư; có lúc tốt bụng, đáng mến khi thật thà, nhiệt tình giúp đỡ người khác (vào nhà trộm lấy lại tiền nhưng trả lại khi lấy thừa tiền của mình, vào đám cháy bê cối xay đá cất đi hộ chủ nhà) nhưng cũng có lúc trở thành một gã dối trá, hợm hĩnh (như lúc làm thầy bói chữa bệnh)…vì thế việc truyền tải thông điệp phim cũng bị “nhiễu sóng”. Khán giả không thể phân biệt rõ ràng: liệu nhân vật này có đáng bị trừng phạt như vậy không? Thêm vào đó, câu chuyện giữa phú ông và Bờm trao đổi quạt mo được khai thác quá khiên cưỡng nhằm phục vụ cho ý đồ của đạo diễn, tuy nhiên, do không nắm rõ được tinh thần mà dân gian gửi gắm vào trong câu chuyện, nên triết lí mà bộ phim đưa ra tất yếu đi ngược lại với tâm lí, suy nghĩ của dân gian. Thất bại là chuyện không tránh khỏi. Chưa kể, bộ phim có lối kể chuyện không tường minh, vòng vo, đảo cấu trúc rất phức tạp khiến khán giả rất khó theo dõi.

Ngoài ra, trong nhân vật Bờm, ta còn thấy thấp thoáng hình bóng của nhiều nhân vật dân gian khác như: anh chồng dại trong những truyện như Vợ khôn lấy chồng dại, Làm theo lời vợ dặn, người vợ khôn ngoan trong Gái ngoan dạy chồng, nhân vật thầy đồ, thầy

cúng,vv…

Những nhân vật chính trong phim

Đến hẹn lại lên là những liền anh

liền chị quen thuộc của loại hình dân ca quan họ Bắc Ninh. Trên thực tế, những nhân vật liền anh liền chị này không xa lạ gì với tất

cả mọi người bởi dân ca quan họ Bắc Ninh có thể nói là loại hình nghệ thuật được ưa thích nhất ở miền Bắc và nổi tiếng khắp cả nước. Tuy nhiên, lấy nhân vật chính trong phim là các liền anh, liền chị hát quan họ thì Đến hẹn lại lên lại là bộ phim đầu tiên. Chỉ riêng việc đưa các nhân vật này vào phim đã là một thành công của bộ phim đối với việc hấp dẫn khán giả bởi rõ ràng đây là một tuyến nhân vật vô cùng mới mẻ và có nhiều tiềm năng để khai thác.

Ngay từ đầu phim, thông qua việc miêu tả một lễ hội, một tập tục, một nét văn hóa độc đáo của vùng Kinh Bắc: hát đối đáp giao duyên, đạo diễn Trần Vũ đã giới thiệu được thành công hai nhân vật chính và tình yêu nảy nở giữa họ. Hai nhân vật chính trong phim là Nết và Chi đã gặp nhau trong lễ hội này, trao nhau những câu hát đối đáp và thông qua ca hát mà có tình cảm với nhau. Bộ phim nói về tình yêu của một liền anh và một liền chị quan họ, gợi lên trong lòng người xem biết bao cảm xúc về một tình yêu đẹp, mang đầy âm hưởng dân gian trong những câu ca quan họ ngọt ngào. Có thể nói, biên kịch và đạo diễn Đến hẹn lại lên đã tìm ra và khai thác một tuyến nhân vật rất độc đáo, cùng câu chuyện tình yêu chứa đựng nhiều chất liệu hấp dẫn để đưa lên màn ảnh. Câu chuyện về cô Nết bị một gã nhà giàu ép duyên, bắt cưới sau đó bỏ chạy, lưu bạt khắp nơi không phải là một cốt truyện mới, nhưng chính vì cô Nết được khoác lên mình danh tính của một cô gái hát quan họ vùng Kinh Bắc nên nhân vật này tự nhiên đã có điểm khác biệt và thu hút hơn so với motip thường thấy.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy điểm hạn chế, chưa thành công của bộ phim khi khai thác các nhân vật liền anh, liền chị này. Sau khoảng mười lăm phút đầu của phim (sau khi kết thúc trường đoạn lễ hội), tâm lí người xem đang rất háo hức được biết thêm về Nết, về Chi- về những cô gái, chàng trai Kinh Bắc hát quan họ, về mối tình của họ gắn liền với loại hình nghệ thuật độc đáo này, nhưng toàn bộ phần còn lại của bộ phim tiệt nhiên không còn nhắc đến chất liệu dân gian hấp dẫn đó nữa. Câu chuyện còn lại giữa Nết và Chi, câu chuyện về những con người sống trong một làng quê Kinh Bắc từ đó trở về sau không còn liên quan gì tới dân ca quan họ nữa cả. Nghĩa là tác giả phim đã bỏ phí một mảnh đất tiềm năng để mang đến cho bộ phim của mình cái chất riêng trong vô vàn những bộ phim nói về đề tài tình yêu trắc trở. Điều này làm thất vọng sự trông đợi của khán giả, bởi bấy lâu nay, chúng ta đã được nghe những giai thoại đầy cảm xúc về tình yêu giữa những liền anh liền chị quan họ, về những quy định, luật lệ khắt khe giữa những người hát quan họ,…vậy mà

dường như biên kịch Bành Bảo và đạo diễn Trần Vũ đã “bỏ quên” mất điều này. Tác giả đã đưa ra cho Nết và Chi một “hồ sơ”, “tiểu sử” rất đặc biệt, rất độc đáo nhưng lại không khai thác được tính độc đáo, mới lạ đó. Nếu như làm được điều này, chắc chắn đây sẽ là một bộ phim hay, vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Một phần của tài liệu Chất liệu văn học dân gian trong một số kịch bản điện ảnh ở Việt Nam (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)