Từ xa xưa, ông cha ta đã khám phá ra: “Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ”. Tiếng cười có tác dụng trị bệnh cả thể chất và tinh thần. Tiếng cười cần cho cuộc sống nên con người đã và luôn luôn tìm cách sáng tạo ra tiếng cười.
Để tạo ra tiếng cười tâm lí thì phải sử dụng nghệ thuật hài và bằng con đường gián tiếp thông qua nhận thức của con người. Trong văn hóa dân gian cái hài chiếm một bộ phận khá lớn. Chúng được sáng tác một cách tự phát, và được phổ biến rộng rãi thông qua con đường truyền miệng. Bất kì ở đâu có từ hai người trở lên là có tiếng cười, có giai thoại tiếu lâm. Nhân dân không thể thiếu tiếng cười trong sinh hoạt thường ngày của họ.
Với sân khấu truyền thống: tuồng, chèo, cải lương, luôn có những màn, những cảnh hài xen kẽ để gây cười cho khán giả. Tuồng, chèo mà không có những cảnh hài, những vai hề thì không thành tuồng, chèo. Thậm chí trong báo chí chính thống cũng không thể thiếu những mẩu chuyện vui. Với điện ảnh có thể khẳng định cái hài ra đời cùng lúc với sự ra đời của bộ môn nghệ thuật này. Như mọi người đều biết, những thước phim đầu tiên của anh em nhà Luymierơ trình chiếu tại Paris năm 1895 đã được thế giới công nhận là bằng chứng cho sự xuất hiện của nghệ thuật điện ảnh, trong đó đã có cái “hài”. Chúng ta còn nhớ đoạn phim của Luymierơ miêu tả cảnh người tưới vườn ngạc nhiên đưa ống nước lên ngang tầm mắt để quan sát, thì người kia bỏ chân làm nước phun tung tóe vào mặt ông ta, cứ thế, lặp đi lặp lại mấy lần. Rõ ràng đây là một bộ phim hài xuất hiện ngay trong những giây phút chào đời của bộ môn nghệ thuật này. Và từ đó trở đi, điện ảnh lớn lên cùng cái hài, đỉnh cao là những bộ phim hài bất hủ của diễn viên hài nổi tiếng Saplin. Có thể nói, trong giai đoạn đầu của nền điện ảnh, thời kì phim còn câm thì phim hài chiếm một tỉ lệ rất lớn…và cho đến nay cũng chưa bao giờ vắng mặt trong điện ảnh. Đến Việt Nam cũng vậy, phim hài hoặc những yếu tố hài trong phim giữ một vai trò quan trọng và xuất hiện liên tục trong nền điện ảnh dân tộc, trong đó, không ít bộ phim sử dụng chất liệu “hài” của văn học dân gian.
Trong số bốn bộ phim được khảo sát, phim Thằng Bờm là tiêu biểu nhất. Bộ phim không chỉ khai thác câu chuyện Bờm và phú ông đổi quạt mo mà còn lồng ghép nhiều câu chuyện cổ tích khác như: Cây tre trăm đốt, Gái ngoan dạy chồng, Vợ khôn lấy chồng dại,
Làm theo lời vợ dặn,…Những tuyến truyện này được lồng ghép với nhau tạo thành một câu
chuyện hoàn toàn mới, mang ý nghĩa khác so với “bản gốc”.
Mở đầu phim là chi tiết Bờm đi chặt tre về để sửa nhà. Sự xuẩn ngốc của Bờm thể hiện qua chi tiết Bờm cố gắng đưa cây tre dài ngang qua cửa hẹp mà không biết quay dọc thanh tre ra. Tiếp đó, hành động đạp đổ cổng để vừa chiều ngang cho thanh tre qua được cổng, chặt cây cau vì vướng đường của thanh tre của ông và bố bờm tiếp tục nói lên sự ngốc nghếch gia truyền của gia đình nhà Bờm. Đây chính là một chi tiết khai thác sáng tạo từ chi tiết anh Khoai chặt cây tre nhưng không mang về được trong truyện cổ tích Cây tre
trăm đốt.
Motip phú ông kén rể trong phim cũng là motip quen thuộc của văn học dân gian qua các câu đố và giải đố, qua đó nhằm phê phán thói học đòi chữ nghĩa của trọc phú ít học. Motip làm theo lời người khác dạy một cách máy móc để nảy sinh những tình huống dở khóc dở cười cũng được đạo diễn khai thác triệt để. Bờm được dạy khi gặp người khác thì phải chào hỏi cho lễ phép, tỏ ra là người có học. Đến khi gặp một đám phụ nữ đang tắm ao, Bờm liền cất giọng chào to: Chào các cô tắm ạ! Hậu quả thì ai cũng biết, Bờm bị đuổi chạy thục mạng. Lần khác, khi được bố vợ dạy dỗ khi ăn nói thì phải có đầu có cuối để người khác hiểu, khi nhìn thấy tàn thuốc rơi vào áo bố vợ cháy, Bờm vẫn bình tĩnh trình bày cho có đầu có cuối: Thưa thầy, con tằm nó nhả ra tơ, tơ mang về được quay sợi để dệt
thành áo, thầy mặc áo rồi thầy hút thuốc, tàn thuốc rơi vào áo thầy, áo thầy đang cháy và con xin phép đổ nước vào người thầy ạ,vv… Chi tiết Bờm đi buôn vịt giời lại được lấy từ
truyện Làm theo lời vợ dặn: Bờm nhìn thấy một đàn vịt đang bơi trên sông, tưởng là vịt
của mấy người ngồi chơi trên bờ nên liền bỏ tiền ra mua, đến khi biết mình bị lừa, Bờm tìm đến tận nhà tên lừa đảo, vào tận trong nhà để lấy lại 5 quan tiền. Nhưng vì không biết đếm đến 5, chỉ biết đếm đến 3 nên Bờm gọi tên lừa đảo dậy để đếm tiền giúp, kết quả Bờm bị đuổi đánh bán sống bán chết.
Nhìn chung, có thể thấy trong bộ phim Thằng Bờm mật độ dày đặc của các chất liệu dân gian quen thuộc được lồng ghép với nhau tạo thành một tổng thể mới. Thể loại phim hài thường có một yếu tố bắt buộc, đó là: nhân vật thường có tính cách một chiều,
phiến diện. Trong các tác phẩm hài, không có loại nhân vật phức tạp về tính cách, nhân vật suy tư với những đấu tranh nội tâm day dứt. Bởi vì có là nhân vật một chiều thì mới dễ dàng dẫn tới sự nhầm lẫn (yếu tố chính tạo ra tình huống hài), sự ngộ nhận, sự phi lí để tạo ra trạng thái hài. Anh hà tiện thì hà tiện đến cùng, đến chết cũng còn hà tiện. Trong khi đó, nhân vật Bờm trái lại lại được xây dựng tâm lí khá phức tạp. Lúc thì ngây thơ, hồn nhiên một cách đáng yêu, lúc lại tinh ranh, ma quái một cách đáng ghét; khi thì chăm chỉ làm lụng, cày sâu cuốc bẫm như bao người nông dân cần cù, lam lũ, khi lại lười nhác, chỉ nằm mơ mộng đến ngày giàu sang mà không phải lao động,…Tóm lại, trong phim, nhân vật Bờm là một nhân vật đa tính cách, mang trong mình nhiều nét tính cách đối lập và thường xuyên có màn đấu tranh nội tâm (cuộc đấu tranh giữa lao động chân chính và thói lười lao động, muốn hưởng thụ thông qua hình thức giấc mơ)- vốn là hình tượng nhân vật phổ biến của những dòng phim tâm lí sâu sắc. Chính vì thế, nhân vật hài này hoàn toàn thất bại trong việc gây hài đối với khán giả. Đây cũng chính là một kinh nghiệm lớn đối với những nhà làm phim khi muốn khai thác nhân vật của văn học dân gian.