Tâm thức dân gian trong điện ảnh

Một phần của tài liệu Chất liệu văn học dân gian trong một số kịch bản điện ảnh ở Việt Nam (Trang 50)

Văn hóa dân gian là sáng tạo của người dân qua lịch sử. Vì vậy, từ nội dung đến hình thức biểu đạt đều thể hiện tâm hồn, tư tưởng, phong cách,..của người dân. Trong quá trình xây dựng nền văn hóa dân tộc hiện đại, những người làm điện ảnh tinh nhạy đã tìm đến cội nguồn của văn hóa dân gian để học hỏi, tiếp thu và kế thừa những thủ pháp sáng tác phong phú của mạch ngầm này.

Bản sắc dân tộc của một tác phẩm điện ảnh không phải chỉ nằm ở cấu trúc nổi của bối cảnh, trang phục, âm nhạc trong một bộ phim, mà còn được thể hiện đậm đặc ở nếp nghĩ, nếp cảm, ở thế giới tâm linh và thẩm mĩ của dân tộc, những vấn đề gắn liền với cấu trúc tinh thần truyền thống của một cộng đồng. Những nét bản sắc ấy toát lên trong toàn bộ tác phẩm, hay trong từng chi tiết, thông qua cách lựa chọn, xử lí tình huống giải quyết các vấn đề và xây dựng tính cách nhân vật của tác giả.

Mãi mãi lấp lánh và trường tồn trên cánh đồng văn hóa dân gian trong lành, nguyên khiết, thế giới tâm linh và tâm thức dân gian của con người Việt Nam. Phải chăng những ý niệm này đã được hình thành từ trong mô hình cộng đồng của người Việt: Nhà – Làng – Nước. Mô hình ba thể cộng đồng cố kết này chính là gốc rễ khiến tinh thần yêu nước Việt

Nam có đặc điểm luôn hướng về tổ tiên, cội nguồn gắn kết với làng xóm, quê hwong, gắn với gia đình, gia tộc… Những giá trị này đã được thể hiện khá đậm nét trong các loại hình văn hóa nghệ thuật của dân tộc, trong đó chắc chắn không thể thiếu điện ảnh. Có thể nhìn thấy bóng dáng lịch sử, và đời sống tâm linh của người dân Việt Nam qua những chi tiết, hình ảnh trong một số bộ phim truyện Việt Nam.

Nếu coi một bộ phim là một bản viết của thị giác, thì ngôn ngữ điện ảnh cũng có những văn phạm, phép tu từ và ngữ pháp riêng của nó. Ngôn ngữ điện ảnh gánh vác chức năng chuyên chở những ý ngầm. Người xem có thể cảm nhận được nhiều ý ngầm qua cái bóng đơn độc của nhân vật Duyên in trên vách đất hao gầy, trên bàn tay gầy guộc của người cha phút lâm trung vuốt dọc bao súng của anh bộ đội, rồi buông thõng xuống trong niềm tin con trai mình đã trở về…trong bộ phim đặc sắc Bao giờ cho đến tháng mười. Đó là những chi tiết mang đậm màu sắc tâm lí của người Việt những năm chiến tranh. Sự chia li và ngóng đợi cũng là nét đặc trưng của đời sống người dân Việt Nam trong suốt những năm dài, thể hiện tâm thức của người dân một đất nước phải liên miên chống giặc ngoại xâm.

Có những chi tiết hết sức giản dị, nhưng bản thân nó lại tiềm ẩn giá trị biểu trưng, có khả năng tạo nên chất trí tuệ cho bộ phim, thông qua cách thức xử lí, dẫn dắt của tác giả. Trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười có một trường đoạn về phiên chợ âm dương. Sự sáng tạo của đạo diễn được biểu hiện sắc nét qua thủ pháp dựng xen kẽ những

cảnh đời thực và thế giới hư ảo; những hình ảnh đời thường quyện với những hình ảnh của thế giới tâm linh, tâm thức. Như một phong tục phổ biến trong dân gian, ở làng quê Duyên, mỗi năm một lần, vào rằm tháng bảy, tại cây đa đầu làng diễn ra phiên chợ âm dương để người sống và người chết được gặp nhau. Trong phim, tại phiên chợ âm dương, Duyên được gặp lại chồng mình, người chiến sĩ đã hi sinh ngoài mặt trận trong những năm kháng chiến chống Mĩ. Duyên còn gặp ở đó những anh vệ quốc quân mặc áo trấn thủ, đội mũ calo, những cô du kích sông Hồng, và những người lính từ xa xưa…Họ đều trẻ, bởi khi ngã xuống họ vẫn còn trẻ, và họ mãi mãi ở tuổi thanh xuân như thế, cho tới tận bây giờ. Phiên chợ âm dương được dàn dựng huyền bí, linh áo trong ánh sáng của những ngọn nến bồng bềnh sáng, nhập nhòa trôi…Trong chập chờn ánh lửa đã ẩn hiện khuôn mặt những người con của dân tộc, qua nhiều thế hệ, đã khuất vào hồn sông nước, trải theo chiều dài lịch sử chống ngoại xâm. Trong thế giới của ảo hình này, Duyên đã vươn bàn tay về phía

người chồng. Hai bàn tay cố vươn nắm, nhưng vẫn không thể nào chạm được vào nhau. Cái màng vô hình trong suốt đã ngăn cách hai thế giới âm- dương, thế giới của hiện thực và ảo ảnh. Ở đây, cái thực và cái ảo cùng hiện diện song song trên một mặt phẳng thời gian, nhưng sự phân định, cách chia hai khoảng không gian đã rạch ròi âm- dương thuộc về hai cõi. Thế nhưng với Duyên và người dân Việt, tâm thức dân gian vẫn hiện hữu như một yếu tố hiện thực bất biến và trường tồn, bất chấp thời gian, không gian. Nó âm thầm bền bỉ tồn tại. Người ta sống với nó, đôi khi còn sống nương nhờ vào nó. Trong những trường hợp cụ thể, nó còn giúp con người sống đẹp, sống mạnh mẽ lên nhiều. Chính ở phiên chợ tâm thức này, nỗi đau của những người vợ mất chồng đã kết lắng và trở thành sự cộng cảm lớn. Cũng từ cảm thức này, Duyên như tìm được sự thanh thản, như được tiếp thêm sức mạnh từ cuộc hội ngộ nơi cõi mộng của linh thức.

Cũng theo tâm thức dân gian, để hai thế giới âm- dương giao hòa nhau, phải có vật trung gian, gọi là “vật thiêng”. Vật trung gian ở đây, ở trường hợp cụ thể trong bộ phim này, là lòng tin, là niềm tin. Niềm tin của người vợ về người chồng, rằng anh ấy vẫn còn, anh ấy không bao giờ chết. Và họ đã gặp được nhau bởi lòng tin bất diệt ấy. Trường đoạn Duyên biểu diễn vở chèo Trương viên nơi sân đình với cảnh người vợ vấn vương trong

khúc li biệt người chồng trước khi ra trận là trường đoạn gây xúc động mạnh. Duyên đã thấu cảm nỗi lòng của người chinh phụ có chồng ra trận bằng chính nỗi đau mất mát, bằng chính thân phận mình, nên đã cất lên khúc li biệt không phải chỉ của riêng người cô phụ. Sau câu hát đớn đau của người vợ trẻ trong vở chèo Trương Viên, Duyên đã rời chiếu chèo, xiêu xiêu chạy trên cánh đồng mênh mang, vắng lặng, mảnh như một cánh cò trong tà áo tứ thân, để đến bên ngôi miếu thờ của làng, để cầu cứu những đấng siêu linh. Cảm giác vừa ảo vừa thực đó đã đưa người xem cùng với Duyên đến nơi miếu thờ, để chứng kiến cuộc

hội ngộ với thần hoàng làng, một biểu trưng của sự cộng cảm, cộng tâm giữa những người

cùng làng qua các thế hệ. Lịch sử của làng được đắp bồi, đời sống tâm linh của người làng được hội giao cũng ở đó. Tại đây, Duyên đã gặp ảo ảnh thần hoàng làng, là một người làng đã từng anh dũng chiến đấu dưới lá cờ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, có công trấn biên ải phía Bắc và đánh đuổi giặc Nguyên Mông…, đã ngã xuống vì hồn thiêng của dân tộc: “chồng chị chỉ sống trong tâm tưởng của người đời. Ta sống đến bây giờ cũng là do vậy…”. Duyên đã tìm được sự an ủi ở đây: chồng chị vẫn còn sống, vẫn còn tồn tại, nhưng là trong tâm tưởng, tâm thức của người đời. Trong dòng cảm xúc của người xem,

đây là điều hoàn toàn phù hợp, logic và có thể lí giải. Tuy mang màu sắc của thế giới tâm linh, nhưng cái không gian ảo mà tác giả đã nêu trong phim và các ý niệm phản ánh linh thức dân gian nhất quyết không phải là một niềm tin mù quáng, tầm thường, ngây thơ nay đơn tuyến.

Không phải ngẫu nhiên mà anh thanh niên trước khi ra mặt trận đã mang cánh diều ấu thơ của mình vào trong ngôi miếu thờ thành hoàng làng để gửi gắm ở đó. Đốt cháy cánh diều cũng như bao chàng trai khác đã đến đây trước khi ra trận, anh đã gửi lại nơi đây thời niên thiếu. Trong âm thanh của sợi đàn bầu, cánh diều cháy sáng lên thành hình ngọn lửa, đưa cảm xúc trôi về một vùng nào đó thẳm xa trong tâm thức. Để rồi tiếp đó, tác giả đã đưa nhân vật từ vùng ảo của kí ức trở về với vùng hiện thực: ngoài vườn, gốc cây mà người chồng vẫn vun xới trước khi ra trận vẫn theo mùa trổ hoa, kết trái. Con gà gái mơ vẫn đẻ những quả trứng tròn hạnh phúc…Dòng đời vẫn trôi, sự sống vẫn tiếp tục theo đúng quy luật tự nhiên. Còn Duyên, một mình trong cái bóng hao gầy lẻ loi trên nền vách đang cố nén chặt nỗi đau thầm lặng. Tác giả đã dùng phép ẩn dụ, lối so sánh, ví von để gợi tạo nên những liên twongr. Lối tư duy của văn hóa dân gian đã được dịch ra thành ngôn ngữ của hình ảnh động. Lối nói dùng A để chỉ B của văn hóa dân gian đã được thiết lập thành ngôn ngữ tạo hình chủ đạo của điện ảnh, mang tính biểu đạt cao, đạt tới trình độ ý tại ngôn ngoại.

Tên của bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười cũng phảng phất âm điệu của một câu ca dao nào đó, có lẽ cũng được cất lên từ tâm thức về nỗi chờ mong gặt hái của người dân Việt tự bao đời. Không chỉ hàm ý về mùa vụ, mà tên phim còn là một câu hỏi bâng khuâng, day dứt về một vụ mùa lớn lao hơn của dân tộc.

Trong phim Thương nhớ đồng quê (đạo diễn Đặng Nhật Minh) , bức tranh nông

thôn đã mang màu sắc của cuộc chuyển mình từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Dòng chảy đổi mới và cơn lốc thị trường đã làm xáo trộn cuộc sống đằng sau lũy tre làng. Cánh đàn ông xưa nay vốn quen với việc cày bừa, nay đã lần lượt bỏ đi mưu sinh tứ xứ. Các thôn nữ vốn thuận việc đồng áng, thương chồng nuôi con, nay lại xuất hiện những ả bán hàng xén, lén lút thậm thụt với cánh đàn ông trong làng.

Ngữ - cô thôn nữ khỏe mạnh, tràn đầy sức xuân cũng trong cảnh làm dâu, đợi chờ chồng với bao nỗi vất vả, cô đơn. Cô vẫn cam chịu trong kìm nén những khát khao hạnh phúc. Người vợ trẻ căng tràn sức sống ấy luôn khát khao thiên chức làm vợ, làm mẹ.

Nhưng chồng cô vẫn bặt vô âm tín. Cô thôn nữ ấy vẫn ngày ngày nhẫn nại trên cánh đồng, sống với thiên nhiên, vui buồn cùng với những sinh tạo của tự nhiên…Một tổ dế tròn căng trên luống đất cày ải đang hân hoan trong niềm vui sinh sôi. Một tổ chim với những chú chim non há mỏ đỏ gấp gáp đòi mồi. Những chú ếch viên mãn sau đêm mưa đang hoan hỉ sải bước dài trên mép nước…Những hình ảnh sinh động này gợi nên một cảm xúc trong veo, một thức cảm về đời sống tự nhiên tràn đầy sức sống. Những hình ảnh mang tính ẩn dụ này đã được phản chiếu từ tâm thức dân gian về nguyên lí âm dương hòa hợp theo lẽ của trời đất, gợi một chút đối sánh trong tâm cảnh người xem.

Trong phim, có những hình ảnh về đời sống và cả cái chết phảng phất màu sắc thế giới tâm linh của người Việt. Như khi ở làng xảy ra tai nạn giao thông làm thiệt thận hai cô bé, thì cái chết với tất cả sức mạnh của nó đã gõ đập vào nỗi thương đau của cả làng. Để thể hiện trường đoạn này, đạo diễn đã xây dựng hình ảnh trong đám tang diễn ra nghi thức chèo thuyền hát đưa linh. Tập tục này người Việt đã tồn tại từ bao đời trong dân gian với một niềm tin: điệu hò đưa linh sẽ chở linh hồn người an nghỉ đến với dòng sông vĩnh hằng được nhẹ nhàng, mát mẻ. Cái chết của hai cô bé tội nghiệp được thể hiện khá ám ảnh: hai cố bé xấu số đứng trên một con thuyền trắng phau, mặc đồ trắng, đang nhẹ bẫng bập bềnh trôi về cõi khác…

Trong phim, nhân vật Nhâm như một chiếc mái chèo với cuộc sống tinh thần của người chị dâu cô đơn và cô gái hàng xóm từ nước ngoài trở về thăm họ hàng. Nhân cảm thông, gần gũi và chia sẻ với họ nỗi buồn, niềm vui và giữ thăng bằng với họ. Nhâm đã cảm nhận được cuộc sống thông qua những sự kiện vui buồn của cộng đồng làng – cái làng thiết thân vẫn tuân thủ cách ứng xử bao đời nay của người dân Việt “thương nhau chín bỏ làm mười”…Rồi ngày Nhâm đi bộ đội, ngồi trên xe, anh viết lên mảnh giấy: “Tôi thương nhớ làng tôi…và tôi sẽ trở về”. Mảnh giấy bay lên không trung và đậu xuống cánh đồng, nơi có cô thôn nữ đang cúi người cấy mạ, trong âm điệu của câu ca quan họ đang loang dài, đang nhẫn nại với cái công việc truyền đời của làng quê, của những cư dân gắn với ruộng đồng, sống bằng nghề lúa nước. Trong phim, những hình ảnh về đồng quê hiện ra như những đường nét trong tranh, không mỏng mảnh, thướt tha mà thuần phác, đậm đà. Ngoài tất cả những yếu tố kể trên, chất văn học dân gian, chất dân gian trong những bộ phim được người viết khảo sát còn được bộc lộ rõ qua nhiều chi tiết khác trong phim, đôi khi không phải là một tình tiết đặc sắc để lại ấn tượng sâu đậm, mà chỉ là một cử chỉ,

một lời nói, một hành động hay một thói quen, nhưng tất cả gộp lại tạo nên một không khí dân gian, một thứ “chất” Việt bảng lảng khắp bộ phim. Một thứ “chất” riêng của người Việt khiến khán giả bất kì quốc gia nào cũng có thể nhìn vào đó và nói rằng: đây là bộ phim của người Việt, về người Việt.

Trong phim Bao giờ cho đến tháng mười, có thể thấy đạo diễn đã thổi được hồn Việt vào từng nhân vật, từng chi tiết trong phim qua những quan sát rất tinh tế. Ví như chi tiết Duyên đang nằm nghỉ trong phòng khi vừa biết tin chồng mất, nghe bố chồng gọi, Duyên vội vã ra phòng ngoài nhưng vẫn kịp vơ lấy chiếc kẹp ba lá, kẹp gọn gàng lại mái tóc đang buông xõa. Đó là hành động, là hình ảnh đã quá quen thuộc với người phụ nữ Việt, nhưng chắc hẳn nếu biên kịch và đạo diễn không để ý khai thác chi tiết đó, chất Việt trong phim sẽ giảm bớt đi nhiều. Nó nói lên không chỉ sự gọn gàng mà hơn thế còn thể hiện nết đoan trang của người phụ nữ biết ý biết tứ, bởi phụ nữ Việt không có thói quen thả tóc chốn đông người, họ cho đó là sự buông thả, thiếu tôn trọng đối với người khác.

Hoặc trong phim Thương nhớ đồng quê, nếu để ý kĩ một chút có thể thấy nhà làm phim đã rất khéo léo và tinh tế trong việc xây dựng hình tượng nhân vật chị Ngữ. Chị Ngữ xuất hiện trong phim, trừ cảnh giới thiệu đầu tiên đang ngồi chải tóc bên hè, trong tất cả các cảnh còn lại đều xuất hiện khi đang lao động. Điều đặc biệt là nhân vật này được tạo hình vô cùng có hồn: lưng áo bao giờ cũng ướt đẫm mồ hôi. Chỉ một chi tiết đó thôi đủ thấy sự vất vả, sự chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt với công việc đồng áng mà không lời lẽ nào có thể thay thế được. Khán giả xem phim, bắt gặp hình ảnh những chiếc áo cánh ướt đẫm vai ấy quả không khỏi xúc động, bởi chẳng phải điều gì to tát, đó chính là Việt Nam, là quê hương, là cánh đồng của đất nước mình.

Đến hẹn lại lên đã thành công trong việc tạo ra một không gian văn hóa đậm phong

vị dân gian của những lễ hội Kinh Bắc, của những câu ca quan họ ngọt ngào, đằm thắm, đưa người xem vào một trường liên tưởng và cảm xúc mới mẻ. Trường đoạn đầu phim đã miêu tả thành công không khí tươi vui, hồn nhiên và đầy sức sống của một lễ hội tại một

vùng quê trù phú ở vùng Kinh Bắc. Khán giả thấy rộn ràng trong phim váy áo tứ thân, nón

Một phần của tài liệu Chất liệu văn học dân gian trong một số kịch bản điện ảnh ở Việt Nam (Trang 50)