Lịch sử Việt Nam là lịch sử chiến tranh. Trên thế giới này, hiếm thấy đất nước nào phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh như Việt Nam và đã là người Việt Nam, tính đến thế hệ hiện nay, không ai là không biết đến chiến tranh. Vì thế, đây là đề tài khá phổ biến và gần gũi với đa số khán giả Việt.
Có thể nói Bao giờ cho đến tháng 10 là một trong những bộ phim khai thác về đề tài chiến tranh hay nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Cả bộ phim không hề có một tiếng đạn bom, không hề có mặt trận, hi sinh, chết chóc nhưng nỗi đau chiến tranh thì thấm đẫm câu chuyện. Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã lựa chọn một điểm nhìn tốt để kể một câu chuyện về chiến tranh: một người vợ trẻ có chồng hi sinh trên mặt trận. Trong cả bộ phim, không có trường đoạn nào Duyên khóc hay đau khổ tột cùng, nhưng chính qua sự kìm nén của cô, khán giả lại cảm thấy ám ảnh hơn bao giờ hết về số phận mong manh của kiếp người trong chiến tranh, về nỗi đau trong lòng những người còn sống. Chiến tranh đã lấy đi những người đàn ông trụ cột trong gia đình, để lại quê hương mảnh vườn bờ ao chẳng yên bình với cha già, vợ trẻ, con thơ, với chất chồng những lo lắng, thấp thỏm đợi chờ, với nỗi đau chẳng thể nào vơi cạn.
Nhân vật bố chồng Duyên cũng là một nhân vật được khắc họa thành công, có sức ám ảnh lớn đối với khán giả. Một người cha khắc khoải mong ngóng đứa con trai còn lại duy nhất trở về từ mặt trận cho tới tận lúc hấp hối. Người cha này chính là đại diện cho
hàng vạn, hàng triệu những người cha, người mẹ có con ra mặt trận trên khắp đất nước này. Nỗi khắc khoải, mong chờ, dự cảm bất an của nhân vật này chính là nỗi niềm khắc khoải của biết bao bậc làm cha làm mẹ trong chiến tranh. Bằng cách tạo ra những nhân vật rất điển hình ấy, đạo diễn đã lay động được trái tim của hàng triệu khán giả không chỉ trong đất nước nhiều thương đau này mà cả nhiều quốc gia khác. Bởi màu da có thể khác nhau, ngôn ngữ có thể khác nhau, nhưng bản chất chiến tranh là một, đau thương là một. Chính vì thế, bộ phim này khi được trình chiếu ở nước ngoài đã gây được tiếng vang rất lớn. Nó không chỉ nói lên câu chuyện rất riêng của Việt Nam mà còn chạm được đến mẫu số chung của nhân loại. Bao giờ cho đến tháng mười không hề có một tiếng súng, nhưng sự đau thương mà nó để lại trong lòng người xem thật khiến người ta phải day dứt, băn khoăn mãi.
Có lẽ phong cách phim của Đặng Nhật Minh là lấy tĩnh để nói động, lấy cái không để nói cái có. Giống như Bao giờ cho đến tháng mười, bộ phim Thương nhớ đồng quê
cũng là một bộ phim có khai thác về đề tài chiến tranh, nhưng trong suốt bộ phim, chỉ có duy nhất hình ảnh cuối cùng – Nhâm lên đường nhập cũ- có xuất hiện hình ảnh những người lính khi bắt đầu ra mặt trận, còn lại, trong suốt gần 120 phút phim, không có lấy một tiếng súng, hay bom đạn nào nhưng cái mất mát, cái đau đớn của chiến tranh thì vẫn bảng lảng đâu đó khắp bộ phim. Điển hình nhất chính là số phận của chị Thoa. Cưới nhau chẳng được bao lâu thì chồng Thoa ra trận rồi hi sinh ở mặt trận Tây Ninh. Gia đình còn lại chỉ toàn là phụ nữ: mẹ chồng, con dâu và em gái nhỏ. Bao nhiêu vất vả, khổ cực trong cuộc sống, bao nhiêu thiệt thòi, khắc khoải của người phụ nữ không chồng dường như dồn hết vào Thoa, vào gánh hàng xén qua sông mỗi ngày của chị. Ấy thế mà, người phụ nữ ấy chưa bao giờ có ý định rời bỏ gia đình chồng để lo cho cuộc sống riêng của mình, Thoa chỉ một dạ làm ăn, lo kiếm đủ tiền để vào tìm mộ chồng. Số phận người phụ nữ trong chiến tranh cũng đáng thương đến thế là cùng!