Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn,

Một phần của tài liệu Kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 109)

môn, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ làm công tác kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ, năng lực nghiệp vụ, một bộ phận tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, sa sút về phẩm chất đạo đức...” [2].

Thực tiễn xét xử cho thấy, công tác giám đốc thẩm tập trung chủ yếu ở TANDTC và VKSNDTC, trong đó đơn vị chức năng có nhiệm vụ tham

mưu, giúp việc cho người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm là Tòa hình sự TANDTC và Vụ 3 - VKSNDTC. Tòa hình sự TANDTC có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là kiểm tra tất cả các bản án, quyết định về hình sự đã có HLPL của các Tòa phúc thẩm TANDTC, TAND cấp tỉnh và một số trường hợp bao gồm cả Tòa án cấp huyện; giải quyết đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, để tham mưu cho Chánh án TANDTC xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm; trực tiếp xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm theo thẩm quyền… Đối với Vụ 3 - VKDNDTC, ngoài việc phải kiểm tra tất cả các bản án, quyết định về hình sự đã có HLPL của TAND cấp tỉnh, các Tòa phúc thẩm TANDTC, còn phải kiểm tra các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa hình sự TANDTC và giải quyết đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, để tham mưu cho Viện trưởng VKSNDTC xem xét, quyết định việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, trong thực tiễn Tòa hình sự TANDTC, Vụ 3 - VKSNDTC mới tập trung xem xét các vụ án hình sự đã có HLPL mà có đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc có kiến nghị của cơ quan tiến hành tố tụng địa phương, cơ quan Đảng, Nhà nước và các vụ án được dư luận quần chúng quan tâm. Đối với các bản án, quyết định đã có HLPL mà không có ai đề nghị xem xét lại thì hầu như không được kiểm tra, xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do số lượng vụ án phải xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là rất lớn và hầu hết là có tính chất phức tạp, nhưng số lượng cán bộ làm công tác này lại rất thiếu, nhất là cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn cao. Do đó, không chỉ tăng biên chế cho các đơn vị này, mà cần bố trí những Thẩm phán, Thẩm tra viên, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm làm công tác kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và có khả năng phát hiện những vi phạm pháp luật hoặc tình tiết mới trong các bản án hoặc quyết định đã có HLPL, để báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm xem xét, quyết định. Trong

quá trình công tác, nếu cán bộ nào không đáp ứng được yêu cầu của công tác này thì cần chuyển sang làm công tác khác phù hợp với trình độ, năng lực của họ.

Đối với Tòa án cấp tỉnh và VKS cấp tỉnh, trước mắt chưa thực hiện theo mô hình cải cách tư pháp thì việc bố trí đủ số lượng cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm làm công tác giám đốc thẩm, tái thẩm để phát hiện căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là rất cấp thiết.

Vì thế, việc tiếp tục kiện toàn về tổ chức, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ cao, nhất là đối với người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là một yêu cầu cấp bách. Để đáp ứng được yêu cầu trên thì cần phải thường xuyên đào tạo, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ làm công tác này. Mặt khác, cũng cần đổi mới phương thức tổ chức chỉ đạo, điều hành theo hướng nhanh gọn, hiệu quả, phân công hợp lý gắn quyền hạn với trách nhiệm; cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo chế độ tiền lương, đãi ngộ thỏa đáng đối với các cán bộ làm công tác kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Một phần của tài liệu Kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 109)