Ngân hàng trung ương

Một phần của tài liệu BÀI BÁO CÁO-THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG HỆ THỐNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM VAI TRÒ CẢU HỆ THỐNG TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM (Trang 33)

IV. Tổ chức điều hành và giám sát HTTC

1. Ngân hàng trung ương

1.1. Thực trạng ngân hàng trung ương Việt Nam hiện nay

Kể từ đầu năm 2011 đến nay, NHNN đã thực hiện tốt chức năng của Ngân hàng Trung ương trong việc cung ứng phương tiện thanh toán phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế – xã hội; phát hành và cung ứng tiền mặt với cơ cấu, mệnh giá hơp lý, điều hòa tiền mặt thông suốt, đảm bảo an toàn lưu thông tiền tệ.

1.1.1. Kiếm chế lạm phát và hoạt động tín dụng

Ban cán sự Đảng NHNN đã kiên định theo mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội. Việc điều hành chính sách tiền tệ được thực hiện chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt đã góp phần kiềm chế lạm phát từ 18,13% trong năm 2011 xuống còn dưới 7% năm 2012, phấn đấu giảm xuống còn 5-7% vào năm 2015. Tăng trưởng tín dụng năm 2011 là 14,4%, năm 2012 khoảng 6% nhưng hiệu quả dòng vốn đã tăng lên, góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (năm 2011 là 5,9% và năm 2012 là 5,2%). Tín dụng chuyển hướng tích cực, vốn được tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như vậy, NHNN đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế.

1.1.2. Quản lý ngoại hối

Các giải pháp, chính sách của NHNN thời gian qua đã góp phần ổn định giá đồng tiền, hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Từ cuối năm 2011 đến nay, tỷ giá ngoại tệ đã ổn định, thị trường tự do gần như không còn hoạt động công khai như trước đây. Do vậy, người dân tin tưởng hơn vào tiền đồng Việt Nam, tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ có chiều hướng giảm và NHNN đã mua được một lượng lớn ngoại tệ bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối của nhà nước.

Cũng thông qua công tác điều hành chính sách tiền tệ, NHNN đã hỗ trợ tích cực trong việc bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, đóng góp tích cực vào việc ổn định thị trường tiền tệ.

1.1.3. Hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng

Từ cuối năm 2011, NHNN đã chỉ đạo sát sao, toàn diện đối với công tác tác thanh tra, giám sát ngân hàng. Nhờ đó, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng đã có nhiều tiến bộ góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, bảo đảm sự an toàn, ổn định của hệ thống, đồng thời góp phần quan trọng cho việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

1.1.4. Hiện đại hóa hệ thống thanh toán

Bên cạnh việc đẩy mạnh huy động vốn và cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các dịch vụ tiện ích ngân hàng, phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế cũng như đáp ứng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

1.1.5. Công tác pháp chế

NHNN đã tham mưu cho Chính phủ trình và được Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Bảo hiểm tiền gửi; đồng thời rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật NHNN và Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Nhờ vậy, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng được nâng cao, tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn và hiệu quả.

1.2. Vai trò của ngân hàng trung ương

1.2.1. Vai trò điều tiết lượng tiền trong lưu thông

Mức cung tiền có tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế thông qua sự thúc đẩy mức tăng, giảm tổng sản phẩm quốc nội. Do vậy điều tiết khối lượng tiền trong lưu thông phù hợp với yêu cầu ổn định và phát triển kinh tế giữ vị trí quan trọng bậc nhất trong các nhiệm vụ của ngân hàng trung ương.

Ngân hàng trung ương thực hiện vai trò này thông qua các công cụ điều tiết trực tiếp và gián tiếp: lãi suất, hạn mức tín dụng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tái chiết khấu, nghiệp vụ thị trường mở…

1.2.2. Vai trò thiết lập và điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế

Ngân hàng trung ương tham gia vào việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm thiết lập một cơ cấu kinh tế hợp lý và có hiệu quả cao, phù hợp với thực tiễn nền kinh tế đất nước và hội nhập với sự phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

1.2.3. Vai trò ổn định sức mua của đồng tiền quốc gia

Để ổn định sức mua đồng tiền quốc gia, ngân hàng trung ương góp phần cân đối tổng cầu và tổng cung của toàn xã hội thông qua việc ổn định sức mua đối nội của đồng

tiền quốc gia. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương tác động mạnh đến cân đối cung cầu ngoại tệ để giữ vững tỷ giá hối đoái, góp ổn ổn định sức mua đối ngoại của đồng tiền quốc gia. Từ đó vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa tăng cường nhập khẩu phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

1.2.4. Vai trò chỉ huy với toàn hệ thống ngân hàng

Với chức năng ngân hàng của các ngân hàng, ngân hàng trung ương chỉ huy toàn bộ hệ thống ngân hàng. Việc chỉ huy hệ thống ngân hàng phải được thực hiện bằng những định hướng có căn cứ khoa học, sự nắm bắt các tín hiệu thị trường nhanh nhạy, sự phân tích sắc bén các diễn biến trong các lĩnh vực tín dụng, thanh toán, thị trường tiền tệ, thị trường vốn,…và đưa ra các giải pháp điều chỉnh hữu hiệu.

Việc chỉ huy của ngân hàng trung ương đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng phải dựa vào hành lang pháp lý nghiêm ngặt, đội ngũ cán bộ điều hành, cán bộ nghiệp vụ thành thạo về chuyên môn, trong sạch về phẩm chất.

Một phần của tài liệu BÀI BÁO CÁO-THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG HỆ THỐNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM VAI TRÒ CẢU HỆ THỐNG TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(46 trang)